Quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho thanh, thiếu nhi

Sự phát triển của xã hội hiện đại đang đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc giáo dục kỹ năng sống, nhất là đối với lứa tuổi thanh, thiếu nhi. Trước thực trạng đó, Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, nhằm trang bị kiến thức, vốn sống, hình thành những thói quen lành mạnh, tích cực... cho thanh, thiếu nhi toàn tỉnh.

Tuyên truyền về kỹ năng sử dụng mạng xã hội hiệu quả tại Trường THPT Ngô Thì Nhậm, thành phố Tam Điệp. Ảnh: Trường Giang

Tuyên truyền về kỹ năng sử dụng mạng xã hội hiệu quả tại Trường THPT Ngô Thì Nhậm, thành phố Tam Điệp. Ảnh: Trường Giang

Ngay trong tháng 1/2024, Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh khởi động năm mới bằng chuỗi chương trình giáo dục chuyên đề kỹ năng sống cho hơn 13.000 học sinh của 15 trường Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn toàn tỉnh. Các chuyên đề được lựa chọn với nội dung thiết thực, phù hợp theo lứa tuổi, bậc học của các em học sinh.

Cụ thể đối với bậc tiểu học, tổ chức các chuyên đề về phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, phòng, chống đuối nước, an toàn giao thông. Đối với bậc THCS, tổ chức các chuyên đề về kỹ năng giao tiếp thông minh, tự tạo động lực trong học tập. Đối với bậc THPT, tổ chức kỹ năng sử dụng mạng xã hội hiệu quả, phòng, chống bạo lực học đường... Đây đều là những kỹ năng sống quan trọng đối với mỗi người nói chung, với thanh, thiếu nhi nói riêng. Đặc biệt, việc tổ chức giáo dục các chuyên đề kỹ năng sống cho thanh, thiếu nhi trong dịp đầu năm còn đem lại hiệu quả rõ nét, nhất là chỉ sau khoảng 2 tuần nữa, các em sẽ được nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn khá dài ngày.

Trường THPT Ngô Thì Nhậm (thành phố Tam Điệp) là một trong 15 trường đăng ký triển khai chương trình do Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh tổ chức lần này. Với nội dung về kỹ năng sử dụng mạng xã hội hiệu quả, các em học sinh đã tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích khi tham gia chương trình.

Em Bùi Ngọc Bảo Chi, học sinh lớp 11B (Trường THPT Ngô Thì Nhậm) chia sẻ: Em thường xuyên sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Zalo để trò chuyện, trao đổi việc học tập với bạn bè trong lớp và giải trí. Tuy nhiên, qua chương trình giáo dục kỹ năng sống được Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh tổ chức tại Trường, em cũng nhận thức được, bên cạnh những mặt tốt thì mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại như thông tin xấu độc, tình trạng lừa đảo... Giảng viên cũng gợi mở những giải pháp để chúng em có thể phòng tránh các nguy cơ gây hại đó. Buổi giáo dục kỹ năng sống vừa qua rất ý nghĩa. Mong rằng trong thời gian tới, học sinh sẽ được tham gia nhiều chuyên đề về kỹ năng sống khác.

Cán bộ Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh giới thiệu chuyên đề phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em tại Trường THCS Ninh Bình-Bạc Liêu, thành phố Ninh Bình. Ảnh: Thái Học

Bên cạnh việc lựa chọn nội dung thiết thực, phù hợp, một yếu tố quan trọng khác giúp việc tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cho thanh, thiếu nhi đạt hiệu quả chính là nghiệp vụ của giảng viên. Trong chuỗi chương trình giáo dục chuyên đề kỹ năng sống vừa qua, Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh đã phối hợp với chuyên gia Bùi Tiến Hưng, Giám đốc giáo dục và đào tạo của Công ty TNHH giáo dục và đào tạo Thiên niên kỷ (thành phố Hồ Chí Minh) trong việc tổ chức các chuyên đề. Anh Hưng là người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác giáo dục kỹ năng sống cho thanh, thiếu nhi.

Anh Bùi Tiến Hưng cho biết: Độ tuổi thanh, thiếu nhi là giai đoạn quan trọng, giúp hình thành nhân cách khi trưởng thành. Đây cũng là lứa tuổi dễ tiếp thu mọi thứ, kể cả những điều tốt và điều xấu. Vì vậy, bên cạnh giáo dục kiến thức văn hóa, việc giáo dục những kỹ năng sống như khả năng giao tiếp, làm việc, thích nghi với mọi điều kiện của môi trường, khả năng xử lý vấn đề trong cuộc sống... là rất cần thiết. Từ đó giúp các em hình thành những hành vi, thói quen lành mạnh.

Qua đợt giáo dục chuyên đề tại Ninh Bình vừa qua, tôi nhận thấy các nhà trường, các ngành, đoàn thể của tỉnh đã dành sự quan tâm đúng mức đối với việc giáo dục kỹ năng sống cho thanh, thiếu nhi. Khả năng tiếp thu, thực hành của các em học sinh cũng rất nhanh nhạy. Tuy nhiên, tôi nhận thấy một khó khăn của tỉnh là nguồn nhân lực giáo dục kỹ năng sống cho thanh, thiếu nhi còn khá ít. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực hỗ trợ Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh trong việc đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ chuyên trách công tác giáo dục kỹ năng sống.

Thực tế, vấn đề về nguồn nhân lực chuyên trách giáo dục kỹ năng sống đang là một khó khăn của Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh. Trong khi đó, công tác giáo dục kỹ năng cho thanh, thiếu nhi cũng là một nhiệm vụ quan trọng do Trung tâm đảm nhiệm, nhằm hỗ trợ cho thanh, thiếu nhi phát triển toàn diện.

Đồng chí Đàm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh cho biết: Để giải quyết tạm thời khó khăn về nguồn nhân lực, Trung tâm đã tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ, giảng viên kiêm nhiệm; từ đó đáp ứng phần nào yêu cầu về chuyên môn trong việc tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cho thanh, thiếu nhi.

Hàng năm, Trung tâm tích cực phối hợp với các nhà trường, địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cho thanh, thiếu nhi toàn tỉnh. Riêng trong năm 2023, Trung tâm đã phối hợp tổ chức 24 chương trình tuyên truyền cho khoảng 20.000 lượt thanh, thiếu nhi về phòng, chống đuối nước, bạo lực học đường, an toàn giao thông... , được tổ chức vào đầu mùa hè, đầu năm học mới.

Thời gian tới, Trung tâm sẽ tích cực phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục để tuyển chọn, đào tạo nhân lực chuyên trách giáo dục kỹ năng sống. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng các buổi tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống, thiết thực hỗ trợ cho thanh, thiếu nhi toàn tỉnh phát triển toàn diện.

Thái Học

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/quan-tam-giao-duc-ky-nang-song-cho-thanh-thieu-nhi/d20240125153546166.htm