Quan tâm cắt tỉa cây xanh gây ảnh hưởng an toàn đường sắt

Đó là kiến nghị của nhiều bạn đọc sau sự cố cây xà cừ hàng chục năm tuổi, cao khoảng 20m, đường kính thân khoảng 0,5m đổ ngang đường sắt, đoạn km1693+820, khu vực giao với đường Đồng Khởi thuộc phường Tân Tiến (TP.Biên Hòa) khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam tê liệt nhiều giờ liền.

Cây xanh bật gốc nằm chắn ngang đường vào chiều tối 15-7 tại phường Tân Phong, TP.Biên Hòa. Ảnh: Thanh Hải

Trong hành lang an toàn đường sắt hiện có nhiều cây to đe dọa an toàn của người dân trong khu vực và an toàn giao thông.

* Nỗi lo cây đổ

Nhắc lại vụ việc nhánh cây xà cừ đổ ngang đường sắt chiều 15-7 vừa qua, anh Nguyễn Thôi Đời (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) không khỏi lo lắng. “Hôm đó trời mưa lớn kèm theo gió giật mạnh, khi đi qua đường Đồng Khởi đoạn KP.6 (phường Tân Tiến) tôi nghe tiếng động lớn phía đường sắt. Nhìn sang, tôi bất ngờ khi thấy cây xà cừ to ngã chắn ngang đường, may mắn lúc đó không có tàu chạy qua” - anh Đời nhớ lại.

Không riêng anh Đời mà đây là nỗi lo chung của người dân sống gần những khu vực có cây to. Bà Nguyễn Thị Lan (ở KP.6, phường Tân Tiến) cho hay, khu vực bà ở có 2 cây gòn cao khoảng 10m, cũng nằm trong hành lang an toàn đường sắt. Hiện một cây đã bị chết khô, nguy cơ cây ngã, đe dọa an toàn khu vực là rất lớn.

Những lo ngại của người dân là có cơ sở, bởi theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, trong phạm vi an toàn đường sắt ngoài các cây nêu trên tại KP.1, phường Trung Dũng còn có 1 cây bồ đề cao 10m, đường kính 0,7m; tại ấp Cầu Hang, xã Hóa An có khoảng 10 cây xà cừ có đường kính khoảng 0,3-0,8m, nằm cách đường sắt khoảng 5m; tại KP.2, phường Tân Hiệp có 4 cây phượng vĩ, cao 10m, đường kính 0,5m... Các cây trên hầu hết là tự mọc hoặc do người dân tự trồng để tạo bóng mát nên hầu như không được cơ quan chuyên môn chăm sóc, tỉa cành.

Trong khi đó, hằng năm cứ vào đầu mùa mưa để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn cho người dân, các đơn vị chức năng của TP.Biên Hòa đều có kế hoạch cắt, tỉa hệ thống cây xanh trên địa bàn. Tuy nhiên, việc này chỉ thực hiện đối với các cây xanh nằm trong diện chăm sóc của cây xanh đô thị, còn các cây tạp, tự phát nằm trong phạm vi hành lang an toàn đường sắt nêu trên thì chưa.

* Chủ động hạn chế thiệt hại

Liên quan đến phản ảnh của người dân, lãnh đạo UBND phường Tân Tiến cho biết, giữa tháng 6-2019, phường đã có văn bản gửi UBND thành phố và đề nghị ngành đường sắt có kế hoạch thực hiện đốn hạ, cắt tỉa những cây nằm trong hành lang an toàn đường sắt nhằm đảm bảo an toàn giao thông và các hộ dân lân cận.

Ngay sau đó, Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa đã phối hợp với Công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn và các đơn vị liên quan khảo sát thực tế thống kê tại các phường Tân Tiến, Tân Hiệp, Trung Dũng, Hóa An và có văn bản đề xuất hướng xử lý đối với các cây xanh nằm trong hành lang an toàn đường sắt.

Ông Nguyễn Thanh Tú, Phó phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa cho biết trước thời điểm cây xà cừ bị ngã, TP.Biên Hòa đã có văn bản số 8602/UBND-KT ngày 15-7-2019 về việc “Cắt tỉa cây xanh nguy hiểm, có khả năng gãy đổ nằm trong hành lang an toàn giao thông đường sắt”. Theo đó, thống nhất với tờ trình của phòng chấp thuận cho Công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn cắt tỉa cây xà cừ trên và các cây xanh nguy hiểm, có khả năng ngã đổ nằm trong hành lang an toàn đường sắt để đảm bảo an toàn tàu chạy. Riêng đối với 2 cây gòn tại phường Tân Tiến thuộc danh mục cây cổ thụ, phía công ty phải thực hiện bổ sung hồ sơ cấp phép đốn hạ, trước mắt cần hành tỉa cành, nhánh khô để đảm bảo an toàn.

Mới đây, tại cuộc họp lấy ý kiến đề xuất xử lý cây xanh nằm trong hành lang an toàn đường sắt, đại diện Công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn cho rằng công ty không có kinh phí thực hiện việc cắt tỉa, đốn hạ các cây xanh. Trong khi đó, theo lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, đối với hành lang an toàn giao thông đường sắt, thành phố chưa đầu tư dự án trồng cây xanh. Những cây mọc trong khu vực này không nằm trong thuê bao chăm sóc cây xanh đô thị của thành phố nên các đơn vị thuê bao chăm sóc cây xanh đô thị chưa được bố trí kinh phí thực hiện.

“Liên quan đến vấn đề kinh phí, phòng sẽ xin ý kiến của UBND thành phố về việc xử lý. Để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, an toàn chạy tàu, đề nghị ngành đường sắt phải có kế hoạch thường xuyên kiểm tra, tổng hợp số lượng cây xanh, xác định nguồn gốc cây xanh, đơn vị quản lý lập phương án tổ chức thực hiện, kinh phí thực hiện để đảm bảo an toàn chạy tàu, an toàn giao thông đường sắt và các công trình lân cận” - ông Tú nhấn mạnh.

Kim Liễu

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/201907/quan-tam-cat-tia-cay-xanh-gay-anh-huong-an-toan-duong-sat-2957111/