Quận Long Biên: hiệu ứng tích cực trong chuyển đổi số

Với sự quyết liệt chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân và DN trên địa bàn, quận Long Biên quyết tâm tạo chuyển biến tích cực trong công tác chuyển đổi số của các cơ quan Nhà nước,.

Đoàn thanh niên quận Long Biên giới thiệu về số hóa di tích đền Trấn Vũ và chùa Cự Linh - phường Thạch Bàn. Ảnh: Ngọc Như

Đoàn thanh niên quận Long Biên giới thiệu về số hóa di tích đền Trấn Vũ và chùa Cự Linh - phường Thạch Bàn. Ảnh: Ngọc Như

Đưa chuyển đổi số vào chủ đề hành động của năm 2024

TP Hà Nội xác định chuyển đổi số với chủ đề của năm 2024 là “Quản trị dựa trên dữ liệu số” nhằm triển khai hiệu quả các mô hình chuyển đổi số điển hình.

Trong đó, người dân, DN vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của chuyển đổi số; với mục tiêu hướng tới người dân, DN dù ở bất kỳ đâu, đều có thể tiếp cận nhanh, dễ dàng, an toàn các dịch vụ công, ứng dụng số, nền tảng số, được cung cấp thông tin đầy đủ, được phục vụ kịp thời, hiệu quả.

Là một trong hai quận được TP chọn triển khai mô hình chuyển đổi số điển hình, quận Long Biên xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2024 nói riêng và phải thực hiện thường xuyên, lâu dài nói chung. Chính vì vậy, quận chọn chủ đề “Năm hành động vì cảnh quan, môi trường đô thị và chuyển đổi số”.

Trong đó, hạt nhân chuyển đổi số là từ cơ sở, quận đã ban hành Kế hoạch số 423/KH-UBND ngày 30/10/2023 về triển khai mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp phường trên địa bàn quận Long Biên năm 2023 - 2024 với 11 mô hình thí điểm gồm: hạ tầng phục vụ chuyển đổi số; cơ quan chuyển đổi số; bộ phận một cửa “Hiện đại - Chia sẻ - Hỗ trợ”; chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước; hợp tác xã, hộ kinh doanh chuyển đổi số; thanh toán không dùng tiền mặt; trường học chuyển đổi số; cơ sở khám chữa bệnh chuyển đổi số; tổ dân phố chuyển đổi số; tổ công nghệ số cộng đồng; công dân số. Trong đó, ưu tiên triển khai thí điểm những mô hình chuyển đổi số phù hợp nhu cầu và tình hình thực tế tại các phường.

Ngay sau khi triển khai, đã có 10/11 mô hình được 14/14 phường đăng ký triển khai và bắt đầu thực hiện; đáng chú ý, 5/14 phường đã đăng ký các mô hình mới gắn với thế mạnh từng phường. Có thể kể đến như mô hình “Nhận diện khuôn mặt của công dân khi đến Bộ phận một cửa” tại Giang Biên; “Tuyến phố 4.0” tại Long Biên; “Ứng dụng công nghệ thông tin quảng bá du lịch, giáo dục truyền thống địa phương” ở Việt Hưng; “Điểm truy cập wifi công cộng tại các nhà văn hóa phường” của Ngọc Lâm.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Ngay từ đầu năm 2024, quận Long Biên đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện chủ đề công tác năm đến 100% cán bộ chủ chốt quận và cơ sở.

Riêng nội dung chuyển đổi số có 21 chỉ tiêu, 47 nhiệm vụ với trọng tâm xác định lấy sự hài lòng của DN, người dân là trung tâm của chuyển đổi số; ưu tiên triển khai các biện pháp, nhiệm vụ chuyển đổi số thuộc lĩnh vực dịch vụ hành chính công, y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm, TN&MT… để DN, người dân sử dụng và hưởng lợi từ các sản phẩm, dịch vụ số do cơ quan Nhà nước cung cấp.

Cấp quận tổ chức 14 hội nghị tuyên truyền, tọa đàm, phát động thi đua thực hiện chuyển đổi số như: ngành LĐTB&XH phát động cao điểm thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội; ngành GD&ĐT đẩy mạnh chuyển đổi số theo định hướng giáo dục thông minh; Hội Phụ nữ quận với dự án WODIMO - Phụ nữ ứng dụng công nghệ số; Đoàn thanh niên quận với đề án số hóa di tích…

Cấp phường đã tổ chức 9 chương trình phát động, lễ ra mắt các mô hình thực hiện chủ đề trên các lĩnh vực, trong đó ghi nhận nhiều hình thức mới, tiêu biểu là thực hiện chuyển đổi số trong hội nghị đại biểu Nhân dân phường năm 2024 tại Bồ Đề, Thạch Bàn, Ngọc Lâm…; quét mã QR code ủng hộ Quỹ "Vì biển, đảo Việt Nam" trên địa bàn phường Việt Hưng; gia đình chuyển đổi số ở phường Bồ Đề…

Công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin của quận được chú trọng. Cổng thông tin điện tử quận và 14 phường đã xây dựng chuyên mục “Chủ đề năm 2024” cập nhật hàng trăm tin, bài, video, hình ảnh, văn bản liên quan phản ánh kịp thời các hoạt động.

Bản tin nội bộ quận mỗi số thường xuyên có 2 bài viết nội dung thực hiện chủ đề năm được triển khai xuống tận các Chi bộ. Hệ thống đài truyền thanh 14 phường trên địa bàn quận xây dựng chuyên mục thực hiện phát thanh 3 buổi/tuần, cung cấp nhiều thông tin bổ ích, thiết thực cho người dân liên quan đến công tác chuyển đổi số quận đang thực hiện, nhất là quyền lợi của người dân được hưởng khi thực hiện chuyển đổi số.

Song song với Zalo, chính quyền điện tử, các trang Facebook, fanpage, group do quận, phường, các trường học quản lý, quận cũng mở thêm chuyên mục “Quận Long Biên chuyển đổi số” trên Cổng thông tin quận để người dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu những văn bản triển khai, thông tin hữu ích, cập nhật các dữ liệu về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số của TP và quận.

Nhiều kết quả đạt được đáng ghi nhận

Thời gian qua, quận Long Biên được TP đánh giá cao trong triển khai phần mềm quản lý: điều hành tác nghiệp; sổ tay đảng viên; giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo.

Đặc biệt, toàn quận quyết liệt thực hiện nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính với nhiều sáng kiến lần đầu được áp dụng như: số hóa các dữ liệu như hộ tịch tư pháp, quy hoạch đô thị, tài nguyên môi trường; số hóa thông tin danh mục thủ tục hành chính phải công khai phục vụ chia sẻ dữ liệu giữa quận và phường; biên tập rút ngắn thông tin giải quyết của 324 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền phục vụ người dân tra cứu; cải tiến phương án lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức khi giải quyết thủ tục hành chính giúp tiết kiệm ngân sách đầu tư hàng tỷ đồng.

Nhiều mô hình chuyển đổi số thí điểm, bước đầu đạt hiệu quả tích cực sau khi vận hành. Từ đầu năm 2024 đến nay, 100% văn bản đã được số hóa; gắn chữ ký số đối với 100% văn bản của Quận ủy và 97,2% văn bản của HĐND - UBND, các phòng, ban, đơn vị hiệp quản và UBND phường. Quản lý và kiểm soát kết quả thực hiện các Thông báo kết luận, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo trên phần mềm; đánh giá định kỳ hàng tháng.

Các phòng chuyên môn quận có thủ tục hành chính, UBND các phường rà soát, cắt ngắn thời gian giải quyết 20% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; sử dụng mã QR khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức tại bộ phận một cửa quận, phường; thay thế máy xếp hàng lấy số bằng thẻ từ số.

Cơ bản các phường đều thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi, trợ cấp xã hội hàng tháng cho 5.891 người qua tài khoản; vận động người dân sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (bằng cách phát sóng wifi không yêu cầu mật khẩu).

Quận Đoàn phối hợp với các phường thực hiện số hóa 29 di tích bằng quét mã QR code, công nghệ du lịch trực tuyến META365 và số hóa 360. Qua đó ứng dụng hiệu quả công nghệ số hóa 3D trong lĩnh vực bảo tồn di sản; hoàn thành 7/14 chợ với mô hình Chợ 4.0 và một số tuyến phố 4.0 đều không dùng tiền mặt thanh toán.

Bên cạnh đó, còn ghi nhận một số thành công bước đầu trong việc ứng dụng chuyển đổi số tiếp nhận công đức tại một số di tích; phát wifi miễn phí ở một số điểm công cộng như nhà văn hóa, công viên, vườn hoa. Hay, hầu hết các trường học trên địa bàn quận thu học phí không dùng tiền mặt.

Có thể nói, triển khai chuyển đổi số là một việc khó và có không ít thách thức. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, DN, công tác chuyển đổi số trên địa bàn quận Long Biên sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ Nhân dân tốt hơn.

Tại Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM lần thứ VI - năm 2024 của ngành GD&ĐT Hà Nội vừa tổ chức, ngành giáo dục quận Long Biên đã xuất sắc giành 21 giải với nhiều giải Nhất, thuộc top đầu TP về số lượng giải.

Ngọc Như

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quan-long-bien-hieu-ung-tich-cuc-trong-chuyen-doi-so.html