Quân đội Israel đối mặt với ác mộng đường hầm chằng chịt của Hamas

Sau khi bị Hamas tập kích bất ngờ, giới chức Israel bày tỏ quyết tâm trả đũa. Quân đội Israel nói sẵn sàng cho chiến dịch tấn công trên bộ vào Gaza. Nhưng trước mắt họ là một hệ thống đường hầm vừa sâu vừa rộng, rất lợi hại cả trong tiến công lẫn phòng ngự.

Tại Gaza, nếu tiến công vào đây, lục quân Israel sẽ đối mặt với môi trường đô thị phức tạp và nguy hiểm, trong đó các lực lượng Hamas được vũ trang đầy đủ và chuẩn bị tốt có thể ẩn nấp, gài bẫy và tung các đòn tấn công bất ngờ.

Giới chức Israel đã thề đè bẹp tổ chức Hồi giáo Hamas để đáp trả cuộc tấn công của lực lượng này vào ngày 7/10 và các ngày kế tiếp, đồng thời thể hiện quyết tâm sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào Gaza để đạt được mục tiêu này. Nhưng việc triển khai tiến công trên bộ là điều không đơn giản.

Lính Israel chuẩn bị chui vào một đường hầm gần biên giới Israel - Gaza hồi năm 2013. Ảnh: AP.

Ác mộng đường hầm Hamas

Phần tác chiến khó khăn cho lính Israel chính là dưới lòng đất Gaza, trong mạng lưới đường ngầm chằng chịt và rộng khắp mà tổ chức Hamas sử dụng cho hoạt động tấn công và phòng thủ.

Phát ngôn viên IDF Jonathan Conricus thừa nhận việc nhổ tận gốc Hamas không dễ chút nào do Hamas hòa mình vào bên trong và bên dưới dải Gaza.

Hồi năm 2021, Hamas tuyên bố sở hữu hơn 483km đường hầm bên dưới lòng đất dải Gaza - một khu vực duyên hải đông dân cư (diện tích 363km2 nhưng có tới 2 triệu dân sinh sống).

Trước đây Israel đã gọi mạng lưới đường ngầm này là “metro” hoặc “một thành phố ngầm rộng lớn” do quy mô và độ sâu của nó.

Quân đội Israel (tức Lực lượng phòng vệ Israel, viết tắt là IDF) cho hay, các đường hầm này được Hamas sử dụng để giấu và lưu trữ các loại vũ khí đạn dược, đặt các trung tâm chỉ huy, boong-ke, đồng thời cho phép chiến binh Hamas di chuyển bí mật, vận chuyển nhân lực và vũ khí cả bên dưới Gaza và vào lãnh thổ Israel. Các cửa đường hầm, theo IDF, nằm bên dưới những nơi như trường học, bệnh viện và các tòa nhà dân sự.

Các đường hầm cho phép các chiến binh Hamas di chuyển giữa một loạt các vị trí chiến đấu một cách an toàn và tự do, thậm chí cả sau khi IDF thả bom hàng trăm cân lên các nơi này.

Phần lớn mạng lưới đường hầm này là hẹp, một số đoạn bị phát hiện sâu hơn 60m. Đường hầm Hamas được gia cố bằng bê tông, thường có máy phát điện, hệ thống thông hơi, đường ống nước và các kho lương thực, giúp họ tồn tại thời gian dài khi bị bao vây phía trên.

Các chiến binh Gaza có gần 40 năm kinh nghiệm đào hầm. Năm 2022, đặc nhiệm Israel phát hiện một đường hầm Hamas sâu khoảng 70m dưới lòng đất, đủ sức chịu được các loại bom mạnh nhất của Israel.

Trong nhiều năm, Israel đã cố gắng phá bỏ hệ thống đường hầm này nhưng rất khó khăn. Ai Cập - quốc gia đã cùng Israel phong tỏa Gaza, đã cố gắng làm ngập lụt các đường hầm để ngăn chặn việc sử dụng chúng.

Chi phí xây dựng một đường hầm này cũng tương đối rẻ, như khoảng 100.000 USD/đường hầm, theo một báo cáo vào năm 2014.

Israel đã tố Hamas sử dụng các nguồn viện trợ hàng triệu USD vốn dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng dân sự, để xây dụng mạng lưới đường hầm nói trên.

Hamas có thể công thủ toàn diện từ mê cung đường hầm

Hamas tất nhiên không phải là lực lượng đầu tiên sử dụng đường hầm cho mục đích quân sự. Thời Thế chiến II, thủy quân lục chiến Mỹ đối mặt với các đường hầm Nhật Bản trong một số trận đánh ở Thái Bình Dương, bao gồm trên đảo Iwo Jima. Khi ấy, các lực lượng Mỹ buộc phải dọn sạch đường hầm bằng súng phun lửa và lựu đạn. Đường hầm lại một lần nữa làm đau đầu quân đội Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên.

Gần đây, các lực lượng phương Tây phải đương đầu với các đường hầm của tổ chức khủng bố Hồi giáo như IS và al-Qaeda ở Iraq và Afghanistan. Năm 2017, Mỹ đã phải thả một trong các quả bom phi hạt nhân có sức công phá lớn nhất của mình - bom mẹ MOAB GBU-43 vào một cụm đường hầm và boong-ke của tổ chức IS-K.

John Spencer, trưởng bộ phận nghiên cứu tác chiến đô thị tại Viện chiến tranh hiện đại thuộc Học viện quân sự West Point của Mỹ nói với Insider rằng từ góc độ phòng thủ, Hamas có thể sử dụng các đường hầm của mình để bảo vệ tất cả các tài sản của họ như nhân lực, ban lãnh đạo, vũ khí, thiết bị liên lạc, đạn dược và hàng tiếp tế. Tổ chức này cũng có thể tận dụng đường hầm để di chuyển khoảng 250 con tin họ bắt cóc từ Israel trong loạt tấn công ngày 7/10.

Việc phá hủy các đường hầm nằm sâu trong lòng đất là khó khăn hơn rất nhiều so với tấn công mục tiêu trên bề mặt đất.

Còn trên phương diện tấn công, Spencer nói, các đường hầm trên mang lại cho Hamas khả năng tiến hành tiến công bất ngờ vào các lực lượng IDF. Hệ thống đường hầm kết nối với các vị trí phóng rocket, bao gồm những điểm phóng tự động. Ngoài các điểm tự động, chiến binh Hamas có thể đưa rocket từ trong đường hầm ra bên ngoài, phóng rồi rút về đường hầm.

Hamas cũng có thể dùng đường hầm để xuất hiện bất thần sát vị trí quân Israel theo kiểu du kích, đánh rồi rút lui nhanh chóng trước khi Israel kịp bắn trả. Hamas cứ thế đánh du kích trong nhiều ngày.

Vũ khí nào giúp Israel đương đầu với thách thức đường hầm?

Nhiều lính IDF đã được huấn luyện cơ bản về tác chiến trong đường hầm. Tuy nhiên, quân đội Israel vẫn bổ sung một số năng lực xử lý các thách thức này ở Gaza. Một trong các năng lực đó là đơn vị Yahalom thuộc công binh Israel. Đây là một nhóm tinh nhuệ gồm một số đại đội chuyên về xử lý các nhiệm vụ như trinh sát công binh, vũ khí phi quy ước, gỡ mìn và tác chiến đường hầm.

Trong một bài phân tích của Spencer viết trong tuần này, IDF có trong tay một số công cụ khác phục vụ tác chiến trong đường hầm, như kính nhìn đêm, UAV và robot, cảm biến trên mặt đất và trên không, công nghệ vô tuyến điện, thiết bị khoan, và một số thứ nữa.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của quân đội Israel là quy mô thực sự của mạng lưới đường hầm và hiện không có phương thức tổng thể nào để giải quyết trọn vẹn vấn đề này. Bên dưới đó tiềm ẩn nhiều rủi ro cho binh lính Israel. Quân đội Israel không thể chỉ việc định vị rồi cho nổ tung bên trong đường hầm.

Ngoài câu chuyện đường hầm, đường phố Gaza cũng là một thách thức đối với quân Israel và có lợi cho bên phòng ngự. Lính Israel sẽ phải cận chiến với chiến binh Hamas, đồng thời luôn bị rình rập bởi các đòn tấn công lén, bẫy dựng sẵn và các chiến thuật du kích khác. Một cựu sĩ quan tình báo cấp cao của Mỹ cho rằng không quân đội chính quy nào muốn bị rơi vào cuộc đối đầu như vậy.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: Business Insider, Sputnik Globe

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/quan-doi-israel-doi-mat-voi-ac-mong-duong-ham-chang-chit-cua-hamas-post1053939.vov