Quán cà-phê với những nhân viên pha chế đặc biệt
Nằm trong khuôn viên Trung tâm Đào tạo cán bộ và Phục hồi chức năng cho người mù tại số 1 Nguyễn Thị Duệ (quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội), quán Cafe More Hanoi không đơn thuần là điểm đến để thưởng thức cà-phê, mà còn là quán cà-phê đầu tiên do người khiếm thị đứng quầy pha chế.

Quán cà-phê do người khiếm thị pha chế.
Đây là một phần trong dự án “Đào tạo nghề pha chế đồ uống và tạo việc làm cho người khiếm thị tại Việt Nam” được Trung tâm Đào tạo cán bộ và Phục hồi chức năng cho người mù thuộc Hội Người mù Việt Nam triển khai, phối hợp cùng Trung tâm Siloam International (Hàn Quốc) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA).
Dự án hướng đến mục tiêu đào tạo nghề pha chế bài bản cho 36 người khiếm thị qua 6 khóa học từ năm 2024 đến năm 2026, đồng thời mở ra 3 quán cà-phê mang thương hiệu Cafe More Hanoi, tạo điều kiện cho người khiếm thị phát triển nghề.
Bước từ ngoài vào, không gian của quán được thiết kế gần gũi, thân thiện và thoáng mát. Điều tạo nên nét riêng biệt của Cafe More nằm ở đội ngũ nhân sự đặc biệt.
Tại đây, những nhân viên đứng quầy pha chế là các bạn trẻ khiếm thị. Công việc pha chế vốn là một lĩnh vực đòi hỏi cao về sự chính xác và kỹ năng thao tác nhanh nhạy, nhưng đối với các nhân viên ở đây, những khó khăn trong việc tiếp cận nghề nghiệp không làm giảm đi quyết tâm của họ.
Là một trong sáu nhân viên pha chế tốt nghiệp khóa đầu tiên, chị Thân Thị Thu Hằng (21 tuổi, Bắc Giang) cho biết, bản thân biết đến trung tâm và tham gia học nghề thông qua lời giới thiệu của Hội Người mù tỉnh Bắc Giang. Để bắt đầu, chị Thu Hằng phải trải qua quá trình học nghề trong vòng bốn tháng.
“Khi cân đo nguyên liệu, mình sẽ đặt nguyên liệu lên cân ‘nói’. Đây là loại cân phát ra âm thanh về trọng lượng của nguyên liệu mà chúng mình sử dụng. Hay khi đo nguyên liệu, chúng mình sẽ dùng các cốc đong có vạch nổi để sờ và đếm số vạch, từ đó xác định được lượng nguyên liệu cần thiết” - chị chia sẻ.

Từng thao tác đều được các nhân viên khiếm thị thực hiện cẩn thận.
Một trong những phần khó khăn nhất trong quá trình học là làm quen với máy pha cà-phê. Không thể nhìn thấy các nút bấm, chị và các nhân viên khác phải học cách cảm nhận bằng tay và ghi nhớ thứ tự các nút trên máy.
Đặc biệt, công đoạn trang trí tốn nhiều thời gian luyện tập nhất. Để thực hiện, các nhân viên phải tưởng tượng hình ảnh cần trang trí trong đầu, rồi dùng tay để cảm nhận các món đồ trang trí, vị trí của cốc…
Nhớ lại quãng thời gian học nghề, chị Hằng kể: “Do khả năng nhìn của mình kém hơn mọi người rất nhiều nên có những thao tác phải luyện đi luyện lại nhiều lần. Có những hôm mình dành cả ngày chỉ để luyện cách rót nước vào cốc nên việc học nghề tốn nhiều thời gian và đòi hỏi sự cố gắng rất lớn”.
Nhìn vào những tách cà-phê được đưa tận tay khách hàng, ít ai hình dung rằng đó là kết quả của hàng tháng trời luyện tập không ngừng nghỉ. Dù việc học gặp nhiều khó khăn, thế nhưng Thu Hằng và các đồng nghiệp vẫn kiên trì rèn luyện để theo đuổi nghề. Họ không chỉ học để biết, mà học để sống - sống một cách chủ động, có ích và tự tin giữa cộng đồng.
Chị Trần Linh Chi (27 tuổi), phụ trách quán cho hay: “Đổ vỡ nhiều là điều không tránh khỏi. Mới đầu, các bạn còn bỡ ngỡ nên thao tác chậm và gặp nhiều sự cố, nhưng bây giờ qua nhiều tháng rèn luyện thì cũng chẳng khác người bình thường là bao”.
Mỗi ngày, Cafe More Hanoi đón hàng chục lượt khách hàng đến thưởng thức cà-phê hoặc làm việc. Qua gần nửa năm hoạt động, nơi đây trở thành địa điểm quen thuộc của nhiều người, đa số là các nhóm sinh viên, nhân viên văn phòng trong khu vực.

Cafe More Hanoi trở thành địa điểm quen thuộc của nhiều khách hàng.
Anh Nguyễn Quốc Huy (Hà Nội) bày tỏ: “Ban đầu, mình không biết quán có nhân viên là người khiếm thị, chỉ đơn giản cần một không gian thoải mái để làm việc. Sau một lần nhận ra, thì mình đã rất ấn tượng, bởi đồ uống ở đây không khác gì một ly nước người bình thường pha chế”.
Theo ông Phạm Xuân Trường - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phục hồi chức năng cho người mù, hiện cơ sở có nhiều loại hình lớp khác nhau cho người khiếm thị, trong đó, pha chế là một trong những loại hình nghề nghiệp mới.
“Đối với người khiếm thị, để tham gia vào lĩnh vực nghề nghiệp này sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng cá nhân tôi tin tưởng rằng, với kiến thức chuyên môn cùng các kỹ năng mềm được đào tạo trong khuôn khổ dự án, kết hợp với định hướng nghề nghiệp phù hợp và điều kiện thực tế của từng người, các bạn hoàn toàn có đủ năng lực để phát triển bản thân, vươn lên và cải thiện chất lượng cuộc sống một cách bền vững, tự tin” - ông Trường bày tỏ.
Đây là một bước đi mới mẻ và đầy hy vọng trong việc mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho người khiếm thị tại Việt Nam. Với thành công ban đầu từ Cafe More Hanoi, dự án đang đặt kỳ vọng vào việc mở rộng mô hình. Dự kiến, cơ sở Cafe More tiếp theo sẽ hoạt động trong tháng 7 tới.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quan-ca-phe-voi-nhung-nhan-vien-pha-che-dac-biet-post873386.html