Quản Bạ phát triển các sản phẩm OCOP đạt hạng 3, 4 sao

Được tỉnh chọn thí điểm thực hiện Đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ năm 2018, huyện Quản Bạ là địa phương đầu tiên trong tỉnh triển khai một cách bài bản, có hệ thống. Qua đó, đã làm thay đổi phương thức sản xuất của người dân theo hướng tích cực, nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Trung tâm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP huyện Quản Bạ.

Trung tâm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP huyện Quản Bạ.

Vừa qua, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã công bố huyện Quản Bạ có 16 sản phẩm OCOP đạt hạng 3, 4 sao trên tổng số 93 sản phẩm toàn tỉnh. Trong đó, có 4 sản phẩm đạt hạng 4 sao gồm: Mật ong Bạc hà Cao nguyên đá của HTX Mật ong dược liệu Thanh Vân; ví kính dệt lanh, ví dài dệt lanh và ba lô dệt lanh nhỏ của HTX Dệt lanh Cán Tỷ. Đây là những sản phẩm được đánh giá cao sau khi nghiêm túc nghiên cứu, xem xét theo đúng các tiêu chí quy định tại Quyết định 1048/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Xuất phát từ những trăn trở làm thế nào để phát huy các tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm đặc sản của huyện, gắn với việc phát triển các sản phẩm du lịch và thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, huyện Quản Bạ đã khắc phục khó khăn để thực hiện Đề án OCOP. Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện, Phạm Ngọc Pha, cho biết: “Thời điểm ban đầu triển khai đề án, huyện còn khá lúng túng; các tổ chức, cá nhân chưa nhận thức được đầy đủ về Đề án OCOP, chưa thực sự vào cuộc. Sản xuất, kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, chưa mang tính hàng hóa cao; các cơ sở sản xuất chưa mạnh dạn đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, còn tư tưởng trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của nhà nước; khả năng quản trị chưa đáp ứng yêu cầu. Sau hơn 1 năm triển khai, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dần bài bản hơn, một số sản phẩm của địa phương đã tiếp cận được với người tiêu dùng trên toàn quốc”.

Để các sản phẩm của huyện đáp ứng được các tiêu chuẩn theo bộ tiêu chí của Trung ương, Phòng Nông nghiệp - PTNT đã phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, mức độ hoàn thiện của 16 sản phẩm được lựa chọn, từ đó đưa ra các phương án, giải pháp thực hiện cụ thể: Tiến hành hoàn thiện mã số, mã vạch, mã QR và tem chống hàng giả cho các sản phẩm tham gia chương trình OCOP của huyện, đến nay có 65 sản phẩm đảm bảo có thể truy xuất thông tin nguồn gốc, xuất xứ. Sản phẩm nông nghiệp bước đầu được sản xuất theo chuỗi và được tham gia nhiều hội chợ lớn trong và ngoài tỉnh, có sức tiêu thụ lớn. Một số cơ sở sản xuất tích cực ứng dụng công nghệ vào sản xuất, lựa chọn sản phẩm, thực hiện quy trình chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn cơ sở, thiết kế nhãn mác, mẫu mã bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự liên kết và tìm được thị trường đầu ra.

Huyện Quản Bạ đã đưa Trung tâm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP vào hoạt động để quảng bá các sản phẩm; thành lập hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn với 22 sản phẩm đạt 3 sao trở lên; hoàn thiện hồ sơ nộp chấm điểm cấp tỉnh. Kết quả đánh giá, phân hạng cấp tỉnh, huyện có 16 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên gồm: 4 sản phẩm đạt 4 sao và 12 sản phẩm đạt 3 sao.

Với mục tiêu phát triển các sản phẩm đạt hạng 3, 4 và 5 sao trở lên, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong việc triển khai thực hiện OCOP cho cán bộ và nhân dân; đưa Đề án OCOP vào nghị quyết của cấp ủy, chính quyền các cấp… Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về: Xây dựng quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng và quản lý website, bán hàng online, xuất, nhập khẩu… Từ đó, giúp các tập thể, cá nhân sản xuất, kinh doanh từng bước chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế.

Bài, ảnh: LÊ HẢI

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/moi-vung-que-mot-san-pham/202001/quan-ba-phat-trien-cac-san-pham-ocop-dat-hang-3-4-sao-754449/