PJICO báo lãi tăng nhẹ, nhưng tiềm ẩn rủi ro tài chính đáng lo

Lãi sau thuế quý I/2025 tăng nhẹ 5,2%, nhưng chi phí bồi thường bảo hiểm tăng vọt 24%, dòng tiền thuần kinh doanh sụt giảm 58%. Câu hỏi đặt ra là chất lượng lợi nhuận của PJICO có thực sự bền vững?

Là một trong những tên tuổi lớn nhất trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO - mã chứng khoán PGI) tiếp tục ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trong quý I/2025. Tuy nhiên, bên dưới bức tranh lợi nhuận tích cực lại ẩn chứa hàng loạt tín hiệu tài chính đáng lo ngại - từ chi phí bồi thường tăng mạnh, dòng tiền âm, cho đến cấu trúc tài chính thiếu an toàn. Những rủi ro này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tăng trưởng bền vững của PJICO trong thời gian tới.

Rủi ro từ hoạt động kinh doanh cốt lõi

Báo cáo tài chính quý I/2025 của Tổng công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO - mã PGI) cho thấy một bức tranh tài chính có nhiều điểm cần lưu ý. Doanh thu phí bảo hiểm thuần đạt hơn 780 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là chi phí bồi thường bảo hiểm lại tăng đột biến, từ 342 tỷ lên 425 tỷ đồng - tương đương mức tăng hơn 24%.

PJICO có thể sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận ổn định cũng như đảm bảo an toàn tài chính trong các quý tiếp theo.

PJICO có thể sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận ổn định cũng như đảm bảo an toàn tài chính trong các quý tiếp theo.

Trong bối cảnh doanh thu không tăng tương ứng, sự gia tăng mạnh mẽ của chi phí bồi thường khiến biên lợi nhuận gộp từ hoạt động bảo hiểm bị thu hẹp đáng kể. Đây là dấu hiệu cho thấy hiệu quả từ hoạt động cốt lõi đang bị suy giảm - một rủi ro không nhỏ nếu xu hướng này kéo dài.

Không dừng lại ở đó, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm của PJICO cũng ghi nhận mức tăng từ 647 tỷ đồng lên 652 tỷ đồng. Riêng chi phí hoa hồng tái bảo hiểm - một chỉ số phản ánh áp lực phân phối - tăng từ 68 tỷ lên 75 tỷ đồng, tức gần 10%.

Trong bối cảnh biên lợi nhuận thu hẹp và chi phí leo thang, nếu PJICO không có biện pháp kiểm soát hiệu quả, doanh nghiệp rất dễ rơi vào trạng thái “lợi nhuận danh nghĩa” - tức ghi nhận lãi ròng trên báo cáo, nhưng thực chất dòng tiền và hiệu suất sinh lời đang bị bào mòn.

Dữ liệu tài chính quý I/2025 cũng cho thấy hơn 4.100 tỷ đồng - tương đương gần 50% tổng tài sản của PJICO - đang được phân bổ vào các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Đây là chiến lược thường thấy trong ngành bảo hiểm nhằm tận dụng dòng tiền nhàn rỗi để sinh lời. Tuy nhiên, tỷ trọng quá lớn này lại tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối thanh khoản, nhất là khi thị trường tài chính đang bước vào giai đoạn biến động mạnh cả về lãi suất và định giá tài sản.

Đáng chú ý, khoản dự phòng giảm giá đầu tư của PJICO đã tăng từ 2,8 tỷ đồng lên 3 tỷ đồng chỉ trong quý đầu năm - một chỉ dấu cho thấy một phần danh mục đầu tư đã bắt đầu bị suy giảm giá trị. Trong bối cảnh lãi suất có thể duy trì ở mức cao và nhiều kênh đầu tư biến động khó lường, việc lệ thuộc quá sâu vào danh mục tài chính ngắn hạn sẽ đặt PJICO vào thế dễ tổn thương nếu dòng vốn bị gián đoạn đột ngột.

Bên cạnh đầu tư tài chính, một rủi ro khác đang nổi lên là chất lượng khoản phải thu. Tính đến cuối quý I/2025, PJICO ghi nhận 650 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn, trong đó hơn 51 tỷ đồng đã phải trích lập dự phòng khó đòi, tương đương tỷ lệ nợ xấu lên tới 7,8%.

Đối với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính - bảo hiểm, vốn yêu cầu cao về kiểm soát rủi ro và minh bạch dòng tiền, con số này được đánh giá là cao. Việc không kiểm soát tốt khoản phải thu có thể không chỉ làm suy giảm dòng tiền kinh doanh trong ngắn hạn mà còn tạo áp lực lớn lên thanh khoản tổng thể của doanh nghiệp.

Một điểm đáng lưu tâm khác trong báo cáo quý I/2025 là sự lệch pha giữa thực tế chi trả bồi thường và trích lập dự phòng bảo hiểm. Trong khi chi phí bồi thường bảo hiểm tăng gần 25% (từ 342 tỷ lên 425 tỷ đồng), thì dự phòng bồi thường bảo hiểm lại giảm nhẹ so với đầu kỳ.

Sự bất cân đối này đặt ra vấn đề về mức độ thận trọng trong ghi nhận nghĩa vụ tài chính tương lai, đặc biệt là các khoản IBNR – bồi thường chưa báo cáo. Nếu quy trình giám định tổn thất, đánh giá rủi ro hoặc mô hình trích lập chưa đầy đủ, PJICO có thể đang đánh giá thấp quy mô nghĩa vụ phải chi trả, từ đó khiến chất lượng lợi nhuận có thể bị "thổi phồng" một cách không bền vững.

Một điểm cần đặc biệt lưu ý là dòng tiền đầu tư âm tới 60,9 tỷ đồng trong quý I. Toàn bộ khoản chi này được dùng cho mua sắm tài sản cố định, trong khi không ghi nhận bất kỳ dòng tiền thu vào nào từ thanh lý tài sản. Trong điều kiện bình thường, dòng tiền đầu tư âm không đáng lo nếu đi kèm với kỳ vọng tăng trưởng năng lực hoạt động. Tuy nhiên, trong trường hợp của PJICO - khi lợi nhuận cốt lõi đang chững lại và dòng tiền kinh doanh sụt giảm - thì chi phí đầu tư đơn phương như vậy đang bào mòn tính linh hoạt tài chính.

Lợi nhuận tăng, nhưng không đến từ bảo hiểm cốt lõi

Cấu trúc vốn của PJICO cũng đang phát đi tín hiệu cảnh báo khi tổng nợ phải trả lên tới 6.622 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 78% tổng nguồn vốn - mức đòn bẩy tương đối cao so với mặt bằng ngành bảo hiểm vốn yêu cầu duy trì hệ số an toàn tài chính chặt chẽ. Trong đó, dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm chiếm tới hơn 70% nợ, phản ánh sự phụ thuộc lớn vào các khoản trích lập kỹ thuật để giữ cân đối bảng cân đối kế toán.

Điều đáng lưu tâm là trong bối cảnh Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi yêu cầu minh bạch hóa và chuẩn hóa các mô hình trích lập dự phòng theo chuẩn quốc tế (IFRS 17), nếu việc đánh giá rủi ro không thận trọng hoặc chưa phản ánh đầy đủ nghĩa vụ chi trả tiềm tàng, PJICO có thể đối diện nguy cơ "ảo hóa" thanh khoản và mất cân đối thực tế.

Về kết quả kinh doanh, PJICO báo lãi sau thuế 71,2 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, phần tăng này không đến từ cải thiện hiệu quả hoạt động bảo hiểm, mà chủ yếu dựa vào khoản thu nhập khác tăng gấp đôi, vốn không mang tính ổn định. Điều này đặt ra vấn đề về chất lượng lợi nhuận, khi yếu tố bất thường lại đóng vai trò chính trong việc giữ hình ảnh tăng trưởng tài chính.

Tổng hòa các yếu tố, từ dòng tiền đầu tư âm, nợ phải trả chiếm tỷ trọng lớn, chi phí bồi thường tăng mạnh, cho đến dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm giảm nhẹ bất chấp rủi ro gia tăng - cho thấy nền tảng tài chính của PJICO đang xuất hiện các điểm nghẽn. Trong khi đó, lợi nhuận “dương” nhưng phụ thuộc vào yếu tố ngoài hoạt động cốt lõi lại càng làm rõ hơn tính chất thiếu bền vững của bức tranh kinh doanh hiện tại.

Nếu không có những điều chỉnh chiến lược mạnh tay - từ kiểm soát chi phí, chuẩn hóa dự phòng, tái cơ cấu danh mục đầu tư đến củng cố nguồn vốn dài hạn, PJICO hoàn toàn có thể gặp khó khăn trong các quý tiếp theo. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đang chịu cạnh tranh khốc liệt, biên lợi nhuận bị bào mòn, và khung pháp lý mới đòi hỏi năng lực quản trị rủi ro cao hơn bao giờ hết.

Mỹ Châu

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//bao-hiem/pjico-bao-lai-tang-nhe-nhung-tiem-an-rui-ro-tai-chinh-dang-lo-1106580.html