Phục hồi thị trường lao động sau dịch Covid-19, chú trọng bảo đảm thu nhập, an sinh

Một trong những giải pháp phục hồi kinh tế là tạo ra chuỗi cung ứng lao động ổn định, trong đó phải đặt người lao động là trung tâm của mọi chính sách, chú trọng đảm bảo tiền lương, thu nhập, an sinh xã hội.

Sáng 5/6, diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ tư đã khai mạc tại TP.HCM với chủ đề “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới”.

Một trong chuỗi sự kiện quan trọng của diễn đàn là hội thảo “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19”.

Dòng lao động dịch chuyển ngược

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, đại dịch Covid-19 đã làm kinh tế tăng trưởng chậm lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đứt gãy, kéo theo tình hình lao động, việc làm, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh phát biểu tại diễn đàn

Trong đó, nguồn cung lao động bị suy giảm nghiêm trọng, số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua; Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao; tiền lương, thu nhập của người lao động giảm từ 6,7 triệu đồng năm 2019 còn 5,3 triệu đồng năm 2021; quan hệ lao động bị xáo trộn…Điều này làm cho cuộc sống của người lao động càng khó khăn thêm.

Đặc biệt, sự dịch chuyển cơ cấu lao động theo ngành (nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ) và vùng miền có sự đảo chiều. Ở thời điểm quý III năm 2021, việc làm trong ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng lên và việc làm trong ngành công nghiệp và dịch vụ giảm xuống (tương ứng: 30,6%-33,1%-36,3%); khoảng 1,3 triệu lao động lao động dịch chuyển từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh.

Cũng theo ông Thanh, dù đến nay, tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, tình hình kinh tế - xã hội đã khởi sắc, hầu hết các ngành, lĩnh vực đang trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng trở lại. Theo đó, thị trường lao động dần có sự phục hồi trở lại.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khởi sắc, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra, cần có chiến lược phù hợp.

Trong đó, cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn cao.

Tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung vẫn còn ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ… Trình độ người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu công nghệ,

Cơ cấu lao động giữa khu vực chính thức và phi chính thức chưa trở lại trạng thái trước khi có dịch bệnh.

Khả năng kết nối cung - cầu, giới thiệu việc làm đáp ứng yêu cầu thị trường cũng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Lấy con người làm trung tâm

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Quốc gia, Văn phòng ILO tại Việt Nam cho biết, dịch Covid 19 đưa đến những bất ổn kinh tế và xã hội chưa từng có. Do đó, tạo ra một sự phục hồi toàn diện, bền vững và tự cường phải trở thành ưu tiên hàng đầu. Đưa ra giải pháp rõ ràng và toàn diện để phục hồi xung quanh bốn trụ cột nền tảng: Tăng trưởng kinh tế và việc làm bao trùm; bảo vệ tất cả người lao động; an sinh xã hội toàn cầu và đối thoại xã hội.

Theo bà, điều đáng mừng là Việt Nam hiện đang thực hiện tất cả các trụ cột này.

Còn TS Makiko Matsumoto (Ban việc làm bền vững ILO tại Bangkok) thì khuyến nghị, việc phục hồi thị trường lao động cần lấy con người làm trung tâm.

Cụ thể, cần nâng cao năng lực của tất cả mọi người; tăng cường thể chế làm việc; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm, tạo việc làm đầy đủ và bền vững cho tất cả mọi người.

Người lao động ồ ạt rút BHXH một lần cho thấy thị trường lao động và các chính sách liên quan còn bất cập

Còn theo UBND TP.HCM, bài học kinh nghiệm trong và sau đại dịch là đặt người lao động trong sự phát triển của doanh nghiệp.

Khi giãn cách xã hội toàn TP, việc làm giảm, mất thu nhập nhưng việc chăm lo đời sống người lao động chu toàn đã giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động, sớm quay lại hoạt động sau đại dịch.

“Việc quan tâm, chăm lo vật chất, đời sống tinh thần người lao động trong đại dịch đã giúp người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Điều này giúp giúp doanh nghiệp không đứt gãy nguồn lao động khi trở lại hoạt động trong tình hình mới”, theo UBND TP.HCM

Góp ý tại hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, cần tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, có sự điều tiết của Nhà nước.

Trong đó, phát triển số lượng lao động đi đôi với nâng cao chất lượng và tạo việc làm tốt hơn cho người lao động.

“Phải hết sức chú trọng tới việc bảo đảm tiền lương, thu nhập, an sinh xã hội và môi trường làm việc an toàn cho người lao động”, ông Hiểu nói và cho biết, chỉ có như vậy mới tạo ra thị trường lao động bền vững.

Theo các chuyên gia lao động, việc hàng nghìn người lao động rút BHXH một lần vừa qua cũng cho thấy bất cập trong chính sách này. Do đó, tạo ra thị trường lao động và việc làm bền vững cũng cần xem xét lại chế độ BHXH.

Để bao phủ BHXH diện rộng, các chuyên gia yêu cầu xem xét lại chính sách này theo hướng giảm thủ tục hành chính, giảm năm thời gian đóng BHXH (từ 20 xuống 15 năm). Nếu cơ cấu lương hợp lý, tiền đóng BHXH cao, thụ hưởng lương hưu cao thì tự thân người lao động sẽ yên tâm tính toán cho tương lai dài hơn, kéo theo tính bền vững của thị trường lao động.

Hồ Văn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/phuc-hoi-thi-truong-lao-dong-sau-dich-covid-19-chu-trong-bao-dam-thu-nhap-an-sinh-2026831.html