Phú Thọ: Sức sống mới từ Phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa'

Triển khai thực hiện từ năm đầu tiên của thế kỷ XXI, Phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' (TDĐKXDĐSVH) đã được Đảng bộ, chính quyền và đông đảo đồng bào các dân tộc trong tỉnh chung tay thực hiện bằng nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Trải qua 20 năm, phong trào đang ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng và đi vào chiều sâu. Nhờ đó, tư tưởng, đạo đức và lối sống văn hóa lành mạnh từng bước được khơi dậy; truyền thống tốt đẹp của dân tộc như 'Uống nước nhớ nguồn', 'Đền ơn đáp nghĩa', tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và ý chí tự lực, tự cường... ngày càng được phát huy. Nếp sống, không gian văn hóa mới đã hình thành, phát triển trên khắp các vùng quê.

Người dân xã Tiên Du, huyện Phù Ninh biểu diễn văn nghệ trong ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Nhiều năm nay, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được huyện Thanh Ba (Phú Thọ) triển khai lồng ghép với phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, qua đó huy động được sự tham gia vào cuộc, ủng hộ cả về vật chất và tinh thần của nhân dân trong việc xây dựng, cải tạo, hoàn thành các thiết chế văn hóa, thể thao, môi trường, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa ở cơ sở. Năm 2020, toàn huyện có 13/18 xã được công nhận nông thôn mới. Việc xây dựng khu dân cư nông thôn mới được chú trọng gắn liền với xây dựng khu dân cư văn hóa. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, huyện đã hoàn thành xây dựng 256/256 nhà văn hóa khu dân cư, đã đảm bảo điều kiện tổ chức các hoạt động cộng đồng. UBND các xã, thị trấn đều quy hoạch và bố trí diện tích đất cho khu văn hóa thể thao đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí của nhân dân. Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa được nhân dân đồng tình hưởng ứng và tham gia thực hiện. Số lượng gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa ngày càng tăng. Năm 2000 có 14.380 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 54%; đến năm 2020, toàn huyện có 30.615 hộ, đạt tỷ lệ 89,2%.

Cùng với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, cũng đạt được nhiều kết quả tích cực.

Người dân khu 8, xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập biểu diễn văn nghệ trong ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Khu Xóm Chùa, xã Tùng Khê, huyện Cẩm Khê hiện có hơn 80% hộ dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Những năm qua, nhờ thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, các phong trào, hoạt động được triển khai tại khu Xóm Chùa đã phát huy hiệu quả tích cực, thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể với nhân dân. Ông Vũ Văn Thống - Bí thư chi bộ khu Xóm Chùa cho biết: Xóm Chùa là một trong các khu trung tâm của xã tập trung nhiều hoạt động giao thương buôn bán, vì thế để thực hiện tốt phong trào xây dựng đời sống văn hóa, Ban công tác mặt trận khu đã tuyên truyền, vận động để các gia đình và tiểu thương đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, tích cực tham gia các cuộc vận động ủng hộ nhân đạo từ thiện, an sinh xã hội.

Các phong trào khác như: “Thực hiện nếp sống văn hóa, môi trường văn hóa”; “Xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”… được triển khai sâu rộng, từng bước đi vào cuộc sống, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của cán bộ và nhân dân, các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương được giữ gìn, phát huy; tệ nạn xã hội được đẩy lùi, hủ tục từng bước được xóa bỏ; đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng cao, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Những kết quả đạt được từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo sức lan tỏa sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo không khí thi đua sôi nổi ở các thôn, khu dân cư. Hàng năm, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, trong quá trình triển khai phong trào, nhiều giá trị văn hóa mới, tiên tiến được chọn lọc, tiếp thu và bồi đắp, trên cơ sở gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Đất Tổ, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Cũng từ phong trào này, hàng nghìn gương điển hình tiên tiến, tập thể kiểu mẫu trên tất cả các lĩnh vực đã được nhân rộng và tạo được sức ảnh hưởng tích cực trong xã hội. Từ đó, tạo động lực để khơi dậy, phát huy tài năng, trí tuệ của các cá nhân, tập thể trong học tập, lao động sản xuất ở các cơ quan, đơn vị, làng, bản. Đồng thời, tạo ra nền tảng tinh thần cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội... Các địa phương đã tập trung vận động nhân dân thực hiện quy ước, hương ước; quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng nếp sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ; tổ chức tốt “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” hàng năm với nhiều nội dung phong phú; giữ gìn vệ sinh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, huy động các nguồn lực để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao... Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.000 điểm vui chơi văn hóa thể thao; trên 1.800 câu lạc bộ TDTT quần chúng, trên 35% người dân tham gia luyện tập TDTT thường xuyên; trên 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đảm bảo các tiêu chí cơ quan văn hóa…

Năm 2005, toàn tỉnh có 72,5% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa đến nay, con số này đã tăng lên 88%; 87,3% khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa; 100% khu dân cư có nhà văn hóa… Các gia đình văn hóa tiêu biểu là những tấm gương sáng, khẳng định trên thực tiễn mô hình gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, gia đình vượt khó đi lên, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực, gia đình văn hóa thực sự là “tổ ấm” của mỗi người, là môi trường văn hóa lành mạnh của xã hội góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đồng thời, đây cũng là những nhân tố tích cực và quan trọng trong việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc trước các tác động của mặt trái cơ chế thị trường.

Ông Nguyễn Đắc Thủy- Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và du lịch cho biết: Thành quả từ 2 thập kỷ thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH của tỉnh đã tác động tích cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và văn hóa - tinh thần; góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đồng thời, qua thực hiện phong trào, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về vai trò của văn hóa hay nguồn lực văn hóa đã và đang có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Ninh Giang

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/phu-tho-suc-song-moi-tu-phong-trao-%E2%80%9Ctoan-dan-doan-ket-xay-dung-doi-song-van-hoa%E2%80%9D-81913