Phụ nữ 'quá cơ bắp'
Phụ nữ 'quá cơ bắp' là định kiến không chỉ bóp méo chuẩn mực vẻ đẹp mà còn phản ánh sự kỳ thị giới, sắc tộc và quyền lực tồn tại trong xã hội.
Tri Thức - Znews trích dịch bài viết trên The Guardian của Bonnie Tsui - tác giả cuốn sách On Muscle: The Stuff That Moves Us and Why It Matters.
Từ trước đến nay, một người phụ nữ cơ bắp thường bị coi là khó chấp nhận. Cách chúng ta nhìn nhận vẻ đẹp gắn với cơ bắp bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố giới và điều này vượt xa khía cạnh thẩm mỹ đơn thuần.
“Quá cơ bắp” có thể khiến người ta đặt câu hỏi về giới tính của bạn: Bạn có còn là phụ nữ thật sự nếu cơ bắp bạn vượt khỏi chuẩn mực xã hội? “Quá cơ bắp” cũng có thể là lời buộc tội: Bạn có gian lận không, có dùng steroid hay chất tăng cường hiệu suất?
Năm 2017, tại một buổi nói chuyện ở Đại học Harvard, vũ công ballet nổi tiếng Misty Copeland từng chia sẻ về những chuẩn mực khắt khe trong cái nhìn về cái đẹp: “Tại sao lại có người bảo cơ thể tôi quá cơ bắp? Đó là cách nói vòng vo của việc làn da tôi không đúng chuẩn”.
Tay vợt Serena Williams cũng từng nói trong một cuộc phỏng vấn với The Guardian năm 2016 rằng cô bị chê là “quá cơ bắp, quá nam tính, rồi lại quá gợi cảm”. Trong các lĩnh vực bị chi phối bởi người da trắng như ballet hay quần vợt, “quá cơ bắp” đôi khi chính là cách nói khác của “quá đen”, là ám chỉ những thân hình không thuộc về nơi đó - nơi mà giới tính, chủng tộc và quyền lực luôn bị pha trộn và định kiến.
Lăng kính cứng nhắc
Cụm từ “quá cơ bắp” cũng được sử dụng để hạ thấp phụ nữ chuyển giới và các vận động viên liên giới tính có mức testosterone tự nhiên cao. Cuộc tranh cãi ngày càng gay gắt về việc phụ nữ chuyển giới tham gia thi đấu thể thao xoay quanh chính những nhóm cơ này và cảm nhận về sự bất công mà các cơ bắp phát triển từ dậy thì mang lại.
Điều này làm lung lay các ranh giới truyền thống trong phân chia thể thao theo giới. Một số cuộc thi như Marathon Boston hay New York đã bắt đầu có hạng mục thi không phân biệt giới tính. Chắc chắn sẽ còn nhiều thay đổi nữa trong tương lai.
Từ lâu, các thuyết “khoa học” sai lệch đã được dùng để áp đặt lên cơ thể phụ nữ, từ đó định hình vai trò và quyền lực của họ trong xã hội. Chẳng hạn, mãn kinh từng bị cho là khiến phụ nữ mất ổn định.
Chúng ta đã quá quen nhìn cơ bắp qua lăng kính cứng nhắc. Vậy nếu ta nhìn lại cơ bắp, chỉ đơn thuần là nhóm cơ, thì điều đó có thể giúp chúng ta nới lỏng và mở rộng tư duy không?

“Quá cơ bắp” - cụm từ phơi bày định kiến về giới, sắc tộc và cái nhìn lệch lạc về vẻ đẹp nữ giới.
Tiến sĩ Amber Fitzsimmons, chuyên gia giải phẫu học hiện đại và là chủ nhiệm bộ môn vật lý trị liệu tại Đại học San Francisco (UCSF), đã chứng kiến vô số cơ thể thực tế qua công việc trị liệu của mình. Khi được hỏi “quá cơ bắp” nghĩa là gì, bà trả lời rằng người Mỹ từ lâu đã được xã hội dạy rằng không nên thấy hình thể nữ lực sĩ, đặc biệt là thân hình cơ bắp bị coi là điều cấm kỵ từ những năm 70, 80.
“‘Quá cơ bắp’ nghĩa là ‘quá nam tính’”, bà Fitzsimmons nói. “Không ai muốn bị xem là đàn ông. Và nỗi sợ đó vẫn còn tồn tại quanh phụ nữ và thể thao”.
Hiệu ứng dây chuyền
Các đồng nghiệp của bà Fitzsimmons - cũng là các giảng viên giải phẫu tại UCSF - cùng phân tích về ngôn ngữ cơ bắp và sự gán ghép giới tính lên những hình mẫu đó.
Chúng ta cho phép đàn ông có nhiều kiểu “đẹp cơ bắp” hơn, từ thân hình khô gầy của vận động viên marathon đến dáng lực lưỡng của đô vật. Ngược lại, ngay cả các vận động viên nữ cũng cảm thấy có sự đối lập giữa “cơ thể thi đấu” và “cơ thể để nhìn” trong đời sống xã hội.
Nhiều nghiên cứu ở các vận động viên nữ tại NCAA cho thấy: Họ tự hào về sự hữu dụng của cơ bắp khi thi đấu, nhưng lại lo ngại rằng cơ thể ấy khiến họ mặc quần jeans hay đầm trông không bình thường. Vì thế, họ thường giảm khối lượng tập tạ hoặc trang điểm nhiều hơn để làm nổi bật vẻ nữ tính.
Khi nói đến thân hình siêu anh hùng, thứ được ưu tiên là hình ảnh cơ bắp tượng trưng cho sức mạnh, chứ không phải chức năng thực sự. Cơ bắp ấy là sản phẩm của Hollywood và văn hóa thị giác, thứ mà chúng ta tiếp nhận mỗi ngày.
Fitzsimmons nhận định: “Bạn chỉ cần đến phòng gym và quan sát là sẽ thấy hiệu ứng dây chuyền đó”.

Khi cơ bắp nữ trở thành biểu tượng của sức mạnh, nó cũng đối mặt với sự phán xét của xã hội.
Ngay cả trong sách y khoa, hình ảnh cơ thể cũng từng bị chuẩn hóa theo những lý tưởng phi thực tế. Và điều này không chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ.
Nhà tâm lý học Jaclyn A. Siegel đã nghiên cứu về tác động tiêu cực của hình mẫu đàn ông cơ bắp lý tưởng: Nó khiến nam giới dễ bị rối loạn ăn uống, lạm dụng chất kích thích hoặc tập luyện quá mức. Những tiêu chuẩn về sự thống trị, tự tin, thành công tình dục và kiểm soát bản thân - tất cả đều gắn với cơ bắp - khiến nhiều nam giới chịu ảnh hưởng nặng nề.
Tuy vậy, những thay đổi nhỏ đang diễn ra: Sách y học đã bắt đầu cập nhật hình thể đa dạng hơn, nhiều vận động viên nổi tiếng lên tiếng về sức khỏe tinh thần và hình thể, và ngày càng nhiều phụ nữ ở mọi lứa tuổi đến phòng tập để nâng tạ. Không ít người là theo chỉ định của bác sĩ.
Có thể bạn từng nghe về “Granny Guns” - tên thật là Marlene Flowers, một hiện tượng mạng 68 tuổi. Bà bắt đầu tập tạ từ một thập kỷ trước và giờ đã có hàng triệu người theo dõi. Những video hài hước của bà là lời thách thức các định kiến về tuổi tác, giới tính và sức mạnh, và là cảm hứng cho rất nhiều người, trong đó có cả tôi.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/phu-nu-qua-co-bap-post1547840.html