Phụ nữ người Nùng vươn lên làm giàu nhờ trồng na
Nhờ cây na, những gia đình tại xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đổi đời, biến một vùng đất nghèo khó, hoang sơ thành nơi phát triển, tiến bộ.
Những năm qua, tại xã Yên Vượng, cây na đang dần trở thành một thương hiệu. Loại cây ăn quả này xuất hiện tại vườn của tất cả người dân địa phương.
Gia đình chị Đặng Thị Thu Hằng và chồng là anh Phạm Văn Hòa (ở xã Yên Vượng, người đồng bào dân tộc Nùng) sở hữu khoảng hơn 700 gốc na ta, đem về thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm.
Theo chị Hằng, cây na rất hợp với thổ nhưỡng tại địa phương - nơi có nhiều núi đá. Na được trồng ở đây cho ra quả ngọt dịu, không quá gắt hay bị chua. Một năm, cây na cho ra 2 vụ. Vụ chính vào khoảng tháng 8, 9, vụ gối mùa vào tháng 12. Vì vậy, người dân có thể tránh được tình trạng mất mùa, thất thu trắng tay cả năm.
"Trồng na cũng gặp nhiều khó khăn, vất vả. Nếu không chăm chút từ khi quả còn bé, na sẽ dễ bị sâu, bị dòi, kém mã. Từ đó, giá na sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí không thể bán", chị Hằng chia sẻ.
Khoảng 20 năm trước, xã Yên Vượng là vùng đất nghèo, hoang sơ, sống dựa vào cây lương thực như lạc, ngô, khoai... Tuy nhiên, từ khi cây na xuất hiện tại địa phương, nơi này đã "thay da đổi thịt", người dân có thu nhập cao hơn nhiều lần, đời sống được nâng cao, kéo theo nhiều lợi ích về văn hóa, xã hội.
Chị Triệu Mai Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Vượng, cũng là một phụ nữ làm kinh tế giỏi, "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Lựa chọn cây na để làm kinh tế, chị Hương hiện có khoảng 1.000 gốc na Thái, na dai.
Ngoài ra, chị Hương còn trồng bưởi, nhãn, ổi... Mỗi năm, các loại cây ăn quả thay nhau ra trái, đem về thu nhập khoảng 300-400 triệu đồng cho gia đình. Từ những kinh nghiệm tích lũy nhiều năm, chị Hương đã hướng dẫn, giúp đỡ nhiều hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn trong việc trồng, chăm sóc cây na, cây ổi để thoát nghèo.
"Giờ vợ chồng tôi cũng đã có kinh nghiệm về cây na và sẵn sàng chia sẻ cho các hội viên về việc trồng, chăm sóc cây na để có quả đẹp, ngọt, bán được giá. Để có thể vừa đảm bảo phát triển kinh tế gia đình, làm tốt công tác xã hội, tôi nhận được sự đồng hành, giúp đỡ rất lớn của chồng, con", chị Hương tâm sự.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, với cương vị là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã, chị Triệu Thị Hương đã tích cực vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững, tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Đồng thời, chị cũng tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện xây dựng người phụ nữ theo 4 chuẩn mực "Tự trọng - Tự tin - Trung hậu - Đảm đang" gắn với Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trước đây, kinh tế gia đình chị Duệ cũng như các chị em trong thôn Chục Quan chủ yếu từ các loại cây nông sản như ngô, khoai, sắn và trồng lúa nên thu nhập thấp, bấp bênh. Sau khi có chủ trương của chính quyền địa phương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm phát triển kinh tế tại vùng và thí điểm trồng cây na dai, na Thái... phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương, vợ chồng chị Duệ đã đăng ký thử nghiệm trồng.
Những ngày đầu, vợ chồng chị trồng hơn 400 gốc na dai nhưng do thiếu kinh nghiệm, chưa biết cách chăm sóc nên khi na ra quả bị đen, vẹo vọ, chất lượng ở mức trung bình, thu nhập thấp. Sau 3 vụ na cho thu nhập thấp, vợ chồng chị đã từ bỏ na để chuyển sang trồng bưởi, ổi. Tuy nhiên, thu nhập từ trồng bưởi, ổi cũng không khả quan. Chị Duệ quay lại trồng na dai, na Thái, theo sự động viên của Hội LHPN xã.
"Trồng na bây giờ sử dụng nhiều công nghệ nên quả đều, đẹp, không như trước đây. Từ khâu thụ phấn, ra hoa rồi kết quả đều được chọn lọc, quả nào đẹp thì để lại, còn không thì cắt bỏ. Hiện mỗi cây na Thái, vợ chồng tôi chỉ giữ lại khoảng 50-70 quả, có quả to nặng hơn 1kg", chị Duệ chia sẻ.
Bà Phùng Thúy Huyền, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Vượng - địa phương chủ yếu là người đồng bào dân tộc Nùng, khoảng 10 năm nay, cây na đã giúp nhiều hội viê,n phụ nữ trong xã Yên Vượng không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.