Phụ huynh chi số tiền lớn và những đứa trẻ bất hạnh vì học thêm

Khi tương lai cả gia đình phụ thuộc vào một đứa trẻ, phụ huynh Trung Quốc không ngần ngại chi số tiền lớn cho con học thêm. Điều này khiến nhiều bạn trẻ nước này không hạnh phúc.

Chiều chủ nhật, Amy Jiang ăn vội bữa trưa cùng con gái 7 tuổi bên ngoài phòng học tại một trung tâm dạy thêm tồi tàn ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Họ tranh thủ dùng cơm trong giờ nghỉ giữa hai buổi học thêm, mỗi buổi kéo dài 2 tiếng.

Tương tự hàng triệu phụ huynh ở Trung Quốc, Jiang (kỹ sư 35 tuổi) dành phần lớn thời gian của 2 ngày cuối tuần để đưa con đến nơi học thêm.

"Tôi phải ở đây hỗ trợ con trong những bài quá khó như phép hoán vị, tổ hợp trong Toán hay tiếng Trung cổ", phụ huynh 35 tuổi chia sẻ.

Nền "công nghiệp" dạy thêm một tỷ

Trung Quốc nổi tiếng với nền giáo dục đầy áp lực. Không chỉ học sinh dành hầu hết thời gian học ở lớp, học thêm và làm bài tập về nhà, phụ huynh cũng phải cùng con lao vào cuộc đua giành suất tại trường đại học danh tiếng.

Cuộc sống của hầu hết học sinh Trung Quốc chỉ xoay quanh học ở trường, học thêm và bài tập về nhà. Ảnh: Radiichina.

Theo South China Morning Post, trung bình, phụ huynh nước này chi khoảng 120.000 tệ/năm cho con học thêm. Ở những nhà khá giả hơn, số tiền này thậm chí lên đến 300.000 tệ.

Gu Mingyuan - người đứng đầu Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc - cho biết các lớp học thêm tăng nhanh chóng, làm thay đổi phương pháp học tập thông thường.

Việc chi hàng trăm nghìn tệ mỗi năm và đưa con đi học thêm 6 tiếng/tuần khiến không ít người cảm thấy bất lực.

Áp lực học tập lên đến đỉnh điểm ở lớp 12 khi học sinh phải dồn lực học tập, chuẩn bị cho Gaokao - kỳ thi tuyển sinh đại học quyết định tương lai mỗi người và gia đình họ.

Nhưng theo báo cáo thường niên của Diễn đàn Giáo dục 30, việc học nhồi nhét diễn ra phổ biến hơn ở trẻ nhỏ.

Hơn 60% học sinh tiểu học Trung Quốc học thêm các môn chính như Tiếng Anh, Ngữ văn, Toán. Tại 2 thành phố lớn Bắc Kinh, Thượng Hải, con số này là 70%.

Nhìn chung, càng lên lớp trên, tỷ lệ học sinh học thêm càng tăng. Với học sinh lớp 6, 40% phải học thêm 2 môn học.

Khảo sát năm 2015 của Trung tâm nghiên cứu Trẻ em và Thanh niên cho thấy trung bình, học sinh Trung Quốc dành 50 phút mỗi ngày trong tuần và 2 tiếng/ngày cuối tuần để học thêm.

"Các trung tâm dạy thêm thường sử dụng mô hình giáo dục sớm và dạy học với cường độ cao để cải thiện kỹ năng làm bài kiểm tra của học sinh. Phụ huynh bị cuốn theo, cố gắng hết sức đảm bảo con có thể bắt kịp", Tan Xiaoyu - chuyên gia tại Học viện Khoa học Giáo dục Thượng Hải - cho biết.

Cùng nhu cầu học tập để đạt thành tích tốt, chạy đua vào trường đại học của học sinh và phụ huynh, thị trường dạy thêm, học thêm phát triển chóng mặt.

Theo báo cáo năm 2017 của ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS (Thụy Sĩ), công nghiệp dạy thêm tại Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi về quy mô, từ 479 triệu tệ năm 2016 lên hơn một tỷ tệ vào năm 2021.

Đến năm 2020, chính phủ nước này ước tính khoảng 191 triệu học sinh học thêm. Quá trình đô thị hóa cùng cuộc cạnh tranh vào đại học hàng đầu thúc đẩy phụ huynh chi nhiều tiền hơn cho việc học của con cái.

Những đứa trẻ không hạnh phúc

Tuy nhiên, việc nhồi nhét, bắt trẻ học ngày càng gây ra những tác động tiêu cực đối với trẻ. Thậm chí, không ít người cảm thấy ám ảnh khi nghĩ lại thời học phổ thông.

Zhang Lilian - sinh viên năm nhất tại ĐH Pennsylvania, Mỹ - gọi thời đến trường ở Bắc Kinh là cơn ác mộng với chuỗi ngày học thêm liên miên.

Năm 9 tuổi, hàng ngày, mẹ cô đánh thức cô lúc 6h30 để kịp đến trường. Cô có 5 tiết học vào buổi sáng và 3 tiết học chiều. Đúng 16h30, khi chuông tan học vang lên, bố cô chờ sẵn ở cổng trường đưa cô tới lớp học thêm.

Lối học nhồi nhét và cơn ác mộng học thêm khiến trẻ em Trung Quốc không hạnh phúc. Ảnh: Alamy.

Đây là điều không thể tránh khỏi khi hầu hết bạn bè đều học thêm. Học xong, cô phải đến lớp piano và chỉ kết thúc ngày học bên ngoài lúc 20h. Lúc đó, Lilian muốn xem tivi nhưng cô cần dành thời gian làm bài tập về nhà cho kịp giờ đi ngủ.

Một ngày của cô và bạn cùng lứa tuổi không có gì ngoài học ở trường, học thêm và làm bài tập về nhà. Họ không có thời gian đi dạo, chơi bóng cùng bạn hay ngủ nướng. Áp lực Gaokao đè nặng mỗi người kể từ khi họ đặt chân vào trường học. Sau mỗi bài kiểm tra, giáo viên xếp hạng học sinh trong lớp.

"Đây là nỗi ám ảnh lớn. Theo thói quen, tôi dò danh sách xem có bao nhiêu cái tên nằm trên mình, rồi lại nhìn xuống hàng dài tên bên dưới để tự động viên. Chỉ cần ghi thêm 3 điểm, tôi loại bỏ được nhiều đối thủ", nữ sinh ĐH Pennsylvania nhớ lại.

Đúng vậy, với Lilian, bạn học trở thành đối thủ - người cạnh tranh với cô trong cuộc đua vào đại học. Lối suy nghĩ này hằn vào tâm trí cô khi cha mẹ liên tục nhắc nhở về "con nhà người ta", nào là ai đó dạt điểm A+ trong lớp tiếng Anh hay cậu bạn nhà bên vượt qua kỳ thi piano khi mới 10 tuổi.

Không chỉ riêng Zhang Lilian, phần lớn học sinh Trung Quốc phải trải qua thời đến trường đầy áp lực và không mấy vui vẻ. Những năm gần đây, thị trường dạy thêm mở rộng đồng nghĩa với áp lực học tập họ phải gánh đang tăng lên.

Trước những ảnh hưởng tiêu cực của lối học nhồi nhét lên sự phát triển của trẻ, chính phủ nước này đưa ra nhiều biện pháp nhằm kêu gọi phụ huynh giảm giờ học thêm cho con, bao gồm việc quy định trẻ em có quyền lợi được ngủ 10 tiếng mỗi ngày. Nhưng chúng không mấy hiệu quả.

"Dù kỳ thi tuyển sinh vào các trường trung học công lập được xóa bỏ, cuộc cạnh tranh căng thẳng vào các trường 'điểm' vẫn tồn tại khiến học sinh phải học tập quá sức", Gu Mingyuan giải thích.

Cùng quan điểm, Tan Xiaoyu cho rằng việc giảm giờ học ở trường hay hạn chế học thêm không giúp trẻ có thêm thời gian vui chơi, nghỉ ngơi. Thay vào đó, phụ huynh sẽ phải đảm nhận trách nhiệm dạy học hoặc giám sát con học.

Theo ông, khi giáo dục vẫn duy trì hệ thống thi cử chọn lọc, cạnh tranh cao, học sinh vẫn phải học thêm nhiều. Số tiền chi cho việc học thêm của con vẫn là gánh nặng không thể tránh khỏi đối với nhiều gia đình.

Nguyễn Sương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/phu-huynh-chi-so-tien-lon-va-nhung-dua-tre-bat-hanh-vi-hoc-them-post898671.html