Phòng vệ khi Mỹ - Trung 'so găng' tiền tệ: Xuất khẩu ứng phó sớm

Khi hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ khó khăn hơn do thuế cao, các doanh nghiệp Việt có thể tận dụng cơ hội để tăng năng suất, chất lượng nhằm nâng sức cạnh tranh, tìm cơ hội mới

Trong bối cảnh đồng nhân dân tệ (NDT) lần đầu tiên rớt khỏi "lằn ranh đỏ" kể từ giữa năm 2008 khi tỉ giá tham chiếu giữa USD và NDT ở mức 6,9225 - tức 1 USD đổi được 6,9225 NDT, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động mối lo lắng về 2 thị trường xuất khẩu lớn là Mỹ và Trung Quốc.

Mất và được

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho biết gạo Việt Nam đã bị "nghẽn đường" sang Trung Quốc từ nửa cuối năm 2018 do nhu cầu của thị trường này giảm mạnh. Động thái phá giá NDT của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) làm trầm trọng thêm tình hình xuất nhập khẩu gạo nói riêng và nông sản nói chung giữa Việt Nam và Trung Quốc. "Phải tốn nhiều NDT hơn nữa để quy đổi USD phục vụ cho nhập khẩu gạo Việt Nam nên phía Trung Quốc chắc chắn sẽ cân nhắc. Sản lượng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc dự báo sụt giảm hơn" - ông Bình lo ngại.

Tác động đến nông dân và DN xuất khẩu của Việt Nam còn khốc liệt hơn ở chỗ mặc dù đã nỗ lực tìm thị trường mới nhưng dường như vẫn chưa thể bù đắp phần sụt giảm từ thị trường Trung Quốc. Chưa kể, nguồn cầu gạo nói chung trên thế giới hiện cũng đang đi xuống. Do đó, mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2019 của Việt Nam giảm cả về sản lượng và giá trị.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, NDT rớt giá chắc chắn ảnh hưởng đến nhóm DN xuất hàng qua Trung Quốc bởi giá quy đổi hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng lên. "Tuy không được giá khi xuất hàng qua Trung Quốc nhưng Việt Nam còn nhiều thị trường tiềm năng khác trên thế giới, nhất là khi Trung Quốc từ nước xuất khẩu thủy sản đã trở thành nước nhập khẩu mặt hàng này lớn và không còn là đối thủ mạnh của Việt Nam" - ông Lĩnh vẫn lạc quan.

Tương tự, ông Huỳnh Quang Thanh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến gỗ Hiệp Long, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương - chỉ ra thực trạng đồ gỗ Trung Quốc có thể ồ ạt xuất sang Việt Nam do ưu thế giá nhờ tác động của đồng NDT yếu đi nhưng phần lớn là sản phẩm bắt mắt về mẫu mã mà không đạt chất lượng cao nên chỉ đáp ứng được một số đối tượng tiêu dùng. Do đó, đồ gỗ chất lượng cao của Việt Nam vẫn còn dư địa trên thị trường.

Ông Phạm Trung Cang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng, cũng cho biết hoạt động xuất khẩu nhựa của DN chưa bị tác động từ động thái leo thang của Trung Quốc trong thương chiến, thậm chí có phần thuận lợi hơn. Gần đây, các đơn hàng từ Trung Quốc đã dịch chuyển sang Việt Nam để né thuế cao từ Mỹ, giúp DN có nhiều sự lựa chọn hơn về đơn hàng, khách hàng.

Chế biến hạt điều tại một nhà máy ở Bình PhướcẢnh: AN NA

Tích cực phòng vệ

Diễn biến "lạ" trong ngành điều là trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc tăng 53,2% về lượng và tăng 24,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, đạt 28.200 tấn, trị giá 221,47 triệu USD. Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), nhận định có khả năng khách hàng Trung Quốc lường tính trước được diễn biến của xung đột tiền tệ Mỹ - Trung nên đã đẩy mạnh mua hàng trong 6 tháng đầu năm 2019.

"Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu điều hàng đầu của Việt Nam với thị phần xuất khẩu năm 2018 lần lượt là 32% và 13%. Việc Trung Quốc phá giá NDT ở mức sâu có thể làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa vào thị trường nước này trong ngắn hạn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin tưởng tỉ giá USD/VNĐ, NDT/VNĐ ổn định ở ngưỡng có lợi cho hoạt động xuất khẩu. Thực tế, hoạt động xuất nhập khẩu hạt điều đang diễn ra bình thường, các DN đang tiếp tục giao hàng cho các đối tác Mỹ, Trung Quốc thực hiện các hợp đồng đã ký trước đó" - ông Giang lạc quan.

Bị ảnh hưởng đáng kể từ thương chiến, Công ty Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) năm nay không thể xuất khẩu bánh trung thu sang Mỹ, trong khi năm ngoái xuất tới 60.000 chiếc. Dù vậy, nhìn ở góc độ tích cực, ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc ABC Barkery, cho rằng khi hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ khó khăn hơn do thuế cao, các DN Việt có thể tận dụng cơ hội để nâng cao năng suất, chất lượng để tăng sức cạnh tranh, tìm kiếm cơ hội mới trên thị trường. Thực tế, dù không xuất khẩu bánh trung thu nhưng thời gian qua, các mặt hàng khác của ABC Barkery xuất qua Mỹ, Nhật Bản đều tăng trưởng khả quan.

Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhận xét: "Chủ nghĩa bảo hộ ở nhiều nước đang ở quá mức cần thiết, trong đó xung đột thương mại Mỹ - Trung đang là rào cản cho xuất khẩu của Việt Nam". Ông Chinh dẫn chứng trong 7 tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh, chỉ tăng 0,3%, đạt 16,68 tỉ USD. Hai mặt hàng xuất khẩu ghi nhận sản lượng sụt giảm mạnh là gạo và điện thoại với tổng trị giá sụt giảm 1 tỉ USD. Trong khi đó, xuất khẩu hiện phụ thuộc nhiều vào mặt hàng điện thoại nên khi mặt hàng này sụt giảm đã kéo tốc độ tăng trưởng chung của xuất khẩu chậm lại.

"Xung đột Mỹ - Trung tiếp tục leo thang là yếu tố cần đặc biệt quan tâm khi tính toán các phương án cho xuất khẩu. Trong xung đột Mỹ - Trung có vấn đề chống gian lận xuất xứ. Trước đây, chủ yếu kiểm tra xuất xứ hàng hóa với các mặt hàng công nghiệp thì hiện thêm cả các mặt hàng nông sản (như xuất lá tía tô sang Nhật...). Về phía các hiệp hội, cần cảnh báo kịp thời với từng mặt hàng, từ đó Cục Xuất nhập khẩu sẽ có biện pháp kiểm soát kịp thời" - ông Chinh khuyến cáo.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/phong-ve-khi-my-trung-so-gang-tien-te-xuat-khau-ung-pho-som-20190808220822515.htm