Phong Phú (Tuy Phong): Thất thu nông sản do mưa trái mùa
Đã chuẩn bị bước qua tháng chạp, cũng là dịp Tết Nguyên đán 2025 cận kề. Thế nhưng, với nông dân ở xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, những cơn mưa trái mùa trong tháng 12 dương lịch, đã gây thất thu hàng tấn táo xanh đang ở lứa thu hoạch. Mưa cũng khiến gần như toàn bộ diện tích lúa vụ mùa của xã bị sâu đục thân phá hoại, sụt giảm năng suất. Sự thất thu ấy khiến bà con lo lắng cho một cái tết thiếu sung túc sắp tới.
Táo, lúa thiệt hại nặng
Đối với các hộ trồng táo xanh tại xã Phong Phú – địa phương vốn nổi tiếng là nơi “thiếu mưa, thừa nắng” lại xảy ra mưa trái mùa dịp cuối năm, ảnh hưởng đến sản lượng nông sản. Có mặt ở vùng trồng táo xanh đặc trưng của huyện Tuy Phong thời điểm này, chúng tôi chứng kiến một số hộ dân tháo dỡ nhà màng, chặt tỉa cành táo, trơ trọi lá. Hỏi ra mới biết, đó là những vườn bị hư hại do ảnh hưởng mưa thời gian gần đây. Bà con đành phải chặt bỏ cành để dưỡng lại, phải đến mấy tháng sau mới khôi phục lại.
Đứng dưới giàn táo có nhiều trái bị hư trước khi thu hoạch, nhiều trái bị rụng, bà Trần Thị Lệ ở thôn 2, xã Phong Phú cho biết: Mấy cơn mưa xảy ra từ ngày 8 - 20/12 gây hư hại cây trồng. Do đó, thu nhập mỗi hộ bị thất thu hàng chục triệu đồng. Điển hình như con gái bà Lệ là chị Trần Thị Bích Thắm, thôn Tuy Tịnh 1, xã Phong Phú có 5 sào táo, nhưng mưa xuống khiến trái táo bị vàng, héo, thiệt hại khoảng 5 tấn và phải chặt cành để dưỡng cây.
Bà Lệ nhẩm tính, hiện tại giá táo xanh bán tại vườn loại 1 từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, còn lại tùy theo chất lượng được phân loại từ 3.000 - 8.000 đồng/kg. Nhưng do thất thu, trái hư hại nên nhiều gia đình không có sản phẩm bán.
Còn ông Kinh Văn Hùng, thôn Tuy Tịnh 2 chia sẻ thêm, gia đình ông có 3 sào trồng táo và 5 ha lúa. Đợt thu hoạch vụ mùa năm nay, cả 2 loại nông sản này đều bị thất thu hàng chục triệu đồng. Ở một số vùng lúa khác trong huyện, vụ mùa này vẫn đạt năng suất cao, từ 8 tạ/sào, nhưng ở xã Phong Phú, sâu đục thân phá hoại, khiến năng suất chỉ còn khoảng 30%, không đủ chi phí đầu tư. Hộ nào năng suất khá cũng chỉ đạt 5 tạ/sào, còn lại chỉ đạt từ 2 – 3 tạ/sào, thậm chí có một số hộ mất trắng. Ông Hùng lo lắng, với thiệt hại này, tết năm nay gia đình ăn tết chắc sẽ đìu hiu hơn.
Chú trọng phòng trừ sâu bệnh
Toàn xã Phong Phú hiện có trên 3.500 ha gieo trồng. Trong đó, diện tích táo gần 1.000 ha/299 hộ. vụ mùa năm 2024, diện tích lúa của xã 977 ha đang được nông dân bắt đầu thu hoạch.
Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi, làm ảnh hưởng đến các loại cây ăn trái trên địa bàn. Nhất là tình hình sâu đục thân gây hại trổ bông bạc xảy ra những tháng cuối năm làm giảm năng suất. Có 4 ha bị thiệt hại nặng trên 60%, 80 ha bị từ 25-35%, các diện tích còn lại bị từ 5-10%. Đặc biệt 274 ha trà lúa thứ 3 đang tiếp tục gây hại và theo dõi. Nguyên nhân là hiện tượng bướm gây hại xuất hiện ngày càng nhiều, di chuyển từ nơi khác đến.
UBND xã Phong Phú khuyến cáo nông dân các biện pháp như sử dụng giống lúa xác nhận, kháng sâu bệnh hại, làm đất kỹ để tránh sâu bệnh trú ẩn. Đồng thời bà còn cần áp dụng sản xuất từ 2 - 3 loại giống, giảm lượng giống, bón phân cân đối… Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp Tuy Phong cũng cảnh báo sâu đục thân gây hại lúa trong giai đoạn đòng – trổ vụ đông xuân năm 2024 - 2025 khu vực tuyến kênh Tuy Tịnh. Theo đó, hiện nay bướm sâu đục thân đang nở rộ trên đồng ruộng, dự báo trong những ngày tới sâu non tuổi 1 - 2 sẽ nở rộ.
Vì vậy, để ngăn ngừa sâu đục thân phát sinh, phát triển và gây hại trên diện rộng, ảnh hưởng năng suất lúa, Trung tâm đề nghị một số xã, thị trấn thông báo cho nông dân thăm đồng thường xuyên nhằm phát hiện kịp thời và phòng trừ đúng lúc. Trong đó, sử dụng các biện pháp canh tác như bón phân cân đối, không thừa đạm, điều tiết nước hợp lý, tạo điều kiện cho lúa làm đòng. Phát hiện sớm và phun thuốc khi sâu non tuổi 1 - 2.