Phòng chống thiên tai: Chủ động trước mùa mưa bão
Năm nay tiếp tục được dự báo là năm có diễn biến thời tiết bất thường, nguy cơ mưa lớn gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở mức báo động, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, sinh hoạt, tài sản và tính mạng của người dân. Với tinh thần chủ động ứng phó, ngay từ những tháng đầu năm, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã xây dựng phương án phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn cho người dân, nhà ở và các công trình xây dựng…

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên tổ chức lớp tập huấn lái xuồng, tìm kiếm cứu nạn năm 2025 (từ ngày 7 đến 9-5). Ảnh: T.L
Phòng là chính
Đây là phương châm được tỉnh đưa ra trong các mùa mưa bão hàng năm. Theo đó, trước mùa mưa bão năm 2025, UBND tỉnh đã tập trung kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) các cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
Căn cứ vào nhiệm vụ của từng ngành, đơn vị, địa phương, tỉnh xây dựng phương án, kế hoạch PCTT-TKCN năm 2025 bảo đảm nội dung và sát với thực tế của từng địa phương, đơn vị.
Nhằm chủ động ứng phó với bão lũ, thiên tai, các cấp, ngành chức năng thường xuyên kiểm tra địa bàn, nắm tình hình cơ sở, báo cáo chính xác thông tin. Đồng thời có kế hoạch di dời khẩn cấp các hộ dân trong vùng nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá đến nơi an toàn (trong đó có một số hộ ở các huyện Định Hóa, Đồng Hỷ, Võ Nhai).
Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và PCTT tỉnh, cho biết: Chúng tôi đã tham mưu với tỉnh trong việc chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động xử lý hiệu quả các tình huống thiên tai phát sinh. Đặc biệt là chủ động triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư để ứng phó với bão lũ, thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
Sở Nông nghiệp và Môi trường (cơ quan thường trực) sẽ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang triển khai phương án phòng, chống mưa lũ, sạt lở đất khi có thiên tai xảy ra. Những ngày mưa to, nước các hồ, đập, sông, suối dâng cao, tỉnh chỉ đạo các địa phương bố trí lực lượng canh gác tại những khu vực cầu tràn, đường tràn bị ngập sâu bảo đảm an toàn về người và phương tiện tham gia giao thông…
Đặc biệt, vào những ngày mưa bão, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp bảo đảm công tác trực ban 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình, báo cáo kịp thời khi có tình huống xảy ra. Nhất là thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo 2 chiều từ tỉnh xuống cơ sở và ngược lại.
Để việc chuyển tải thông tin nhanh, gọn, ngoài báo cáo bằng văn bản, các địa phương, đơn vị thường xuyên liên lạc, trao đổi qua điện thoại, nền tảng mạng xã hội (Zalo). Đồng thời tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng tránh, ứng phó với thiên tai…

Tỉnh đã chủ động gia cố các công trình hồ, đập trên địa bàn để ứng phó với bão lũ, thiên tai.
Tăng cường gia cố các công trình thủy lợi
Để chủ động ứng phó với bão lũ, thiên tai, đến nay Thái Nguyên đã lập, điều chỉnh bổ sung quy trình vận hành được 52/435 hồ chứa nước, lập quy trình bảo trì cho 103 hồ; lập và lưu trữ hồ sơ đập, hồ chứa nước cho 67 hồ.
Đặc biệt, tỉnh đã lắp đặt thiết bị và quan trắc công trình đập, hồ chứa nước được 101 hồ; lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng cho 54 hồ; kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước cho 30 hồ.
Cùng với đó, tại một số hồ chứa nước lớn của tỉnh, lực lượng chức năng còn tiến hành lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du đập; cắm mốc phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước. Việc lập và thực hiện phương án ứng phó thiên tai, tình huống khẩn cấp cho các hồ chứa cũng được đặc biệt quan tâm.
Trước và sau mùa mưa lũ trên cơ sở tự kiểm tra, đánh giá của các đơn vị được giao quản lý, khai thác công trình thủy lợi và kết quả kiểm tra, đánh giá của đoàn công tác liên ngành, Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập hồ chứa thủy lợi, UBND các huyện, thành phố và Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã lập phương án và kế hoạch bảo trì các công trình cần sửa chữa, khắc phục; đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Tài chính thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Đến nay, tỉnh đã thực hiện lập quy trình bảo trì đối với 104 hồ chứa (các công trình còn lại các địa phương, đơn vị được giao quản lý, khai thác đang tiếp tục triển khai thực hiện theo quy định). Đồng thời thực hiện tốt phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước; ứng phó với thiên tai và ứng phó với tình huống khẩn cấp.
Dù vậy, những khó khăn vẫn đang hiện hữu khi trong quá trình thực hiện lập phương án ứng phó thiên tai vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do hiện chưa có quy định cụ thể về cấp báo động đối với hồ chứa. Từ đó ảnh hưởng tới việc đề xuất kiến nghị với địa phương trong việc huy động lực lượng, phương tiện tham gia ứng cứu khi có mưa lũ xảy ra.
Rất nhiều công trình ở xa khu dân cư, công tác trực ứng phó thiên tai bất lợi. Khi mưa to, thường xảy ra ngập lụt, đặc thù công trình miền núi là ở vùng sâu vùng xa, địa bàn và đường giao thông đi lại bị chia cắt, qua nhiều ngầm tràn, nên thực tế khi mưa to, lũ cuốn việc huy động phương tiện, nhân lực không thể ứng cứu kịp thời được để bảo đảm an toàn cho lực lượng TKCN.
Mặt khác, trên địa bàn một số xã, huyện có rất nhiều công trình thủy lợi, nhân lực, vật tư có hạn khó có thể ứng phó với toàn bộ công trình một lúc.
Trong xây dựng và thực hiện phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, do phạm vi ảnh hưởng rộng nên công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân về mức độ ảnh hưởng của các tình huống khẩn cấp khi thiên tai xảy ra còn gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống bão lũ, thiên tai, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành, vẫn cần sự chủ động, tích cực từ phía người dân.