Phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Tiêu độc, khử trùng, tiêm vắc-xin đầy đủ, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là những giải pháp hiệu quả, thiết thực để phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm (GSGC) tốt nhất.

Đối với những khu vực chuồng trại đã xảy ra dịch bệnh, cần có thời gian cách ly và vệ sinh đúng quy trình trước khi tái đàn

Đối với những khu vực chuồng trại đã xảy ra dịch bệnh, cần có thời gian cách ly và vệ sinh đúng quy trình trước khi tái đàn

Người chăn nuôi chủ động phòng dịch

Xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An là địa phương chăn nuôi gà đẻ công nghiệp lớn nhất tỉnh, với hơn 700.000 con của 99 hộ, chủ yếu chăn nuôi quy mô nông hộ. Vì vậy, nơi đây tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên GC như H5N1, H5N6, H5N8,... rất cao.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lân - Nguyễn Minh Hiếu thông tin: Thời gian qua, xã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo các hộ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, quản lý dịch bệnh, nhất là thường xuyên sát khuẩn, vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng vắc-xin đầy đủ.

Gia đình bà Hồ Thị Kim Phượng là một trong những hộ chăn nuôi gà đẻ công nghiệp có quy mô lớn tại xã Tân Lân, với hơn 16.000 con. Trung bình mỗi ngày, gia đình bà cung cấp ra thị trường khoảng 12.000 trứng gà. Cả gia đình bà sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi gà đẻ công nghiệp mấy chục năm qua. Với bà, bảo vệ đàn gà trước các loại dịch bệnh cũng đồng nghĩa bảo vệ tài sản của gia đình mình. Do đó, bà vệ sinh, sát khuẩn chuồng trại thường xuyên, cũng như tiêm phòng đủ các loại vắc-xin như H5N1, H5N6, H5N8 định kỳ.

Bà Phượng chia sẻ: “Mỗi buổi sáng, gia đình tôi vệ sinh chuồng trại. Hàng tuần, gia đình tôi phun thuốc sát khuẩn, khử trùng 1 lần. Nước uống của gà được xử lý qua hệ thống lọc trước khi cho gà uống. Chuồng gà được thiết kế cao ráo, xa mặt đất, xa khu dân cư. Phân gà được xử lý bằng vôi để tránh mùi và diệt các loại vi khuẩn”.

Người chăn nuôi cần chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi giai đoạn chuyển mùa

Người chăn nuôi cần chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi giai đoạn chuyển mùa

Cách đây 5 năm, đàn heo của gia đình ông Nguyễn Văn Lô (xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh) không may bị bệnh dịch tả heo châu Phi nên phải tiêu hủy hết, với tổng trọng lượng hơn 12 tấn. Vậy là bao nhiêu vốn liếng đầu tư nuôi heo của gia đình ông kể như mất trắng.

Khi được địa phương hỗ trợ chi phí cho những hộ bị ảnh hưởng bệnh dịch tả heo châu Phi, ông Lô tiếp tục gầy dựng lại đàn heo mới. Dù vậy, ông vẫn không dám tái đàn nhiều. Nguyên nhân là bệnh dịch tả heo châu Phi vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa, trong khi đó dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn nhiều. Một nguyên nhân khác là giá thức ăn tăng cao nhưng giá heo hơi ở mức thấp, người chăn nuôi có lợi nhuận rất thấp.

Ông Nguyễn Văn Lô cho biết: “Hiện tại, tôi vừa nuôi heo nái và heo thịt, với 4 con heo nái và gần 30 heo con. Rút kinh nghiệm từ lần chăn nuôi trước, tôi chủ động vệ sinh chuồng trại thường xuyên, hàng tuần đều phun thuốc sát khuẩn. Đặc biệt, tôi hạn chế người ra, vào chuồng trại, kể cả người thân trong gia đình”.

Phòng bệnh giai đoạn chuyển mùa

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện đàn heo toàn tỉnh hơn 115.900 con, đàn GC hơn 9.630 triệu con, đàn bò hơn 115.320 con và đàn trâu hơn 5.500 con. Từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi, cúm GC và bệnh dại đã xuất hiện trở lại với quy mô nhỏ, lẻ trên địa bàn tỉnh.

Để chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh trên động vật phát sinh và lây lan diện rộng, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và hoạt động sản xuất của người chăn nuôi, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai, thực hiện kế hoạch tổng vệ sinh, khử trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh trên GSGC; đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng định kỳ trong môi trường chăn nuôi, tích cực hưởng ứng các đợt tiêu độc, khử trùng do tỉnh phát động, góp phần khống chế mầm bệnh, không để phát sinh dịch bệnh, nâng cao hiệu quả công tác chăn nuôi.

Người chăn nuôi cần chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi giai đoạn chuyển mùa

Người chăn nuôi cần chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi giai đoạn chuyển mùa

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Lê Thị Mai Khanh, vào giai đoạn chuyển mùa, khi thời tiết thay đổi, sức đề kháng của vật nuôi giảm, khiến cơ thể yếu cộng thêm yếu tố mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể khiến vật nuôi dễ có nguy cơ mắc bệnh. Đặc biệt là GSGC sơ sinh và GS đang có thai rất nhạy cảm khi thời tiết mưa nắng thất thường. Bên cạnh việc nuôi dưỡng trong điều kiện tốt, người chăn nuôi phải nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.

Cụ thể, người chăn nuôi cần thường xuyên kiểm tra chuồng trại, tu sửa, tránh để ẩm ướt, hạn chế tối đa sự tồn tại của mầm bệnh; di dời đàn vật nuôi lên cao để tránh úng ngập. Khi nhiệt độ môi trường xuống thấp, cần bổ sung thêm chất độn chuồng hoặc sưởi để giữ ấm cho vật nuôi; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi. Định kỳ 1-2 lần/tuần, phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột để tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi. Luôn để GSGC nơi khô ráo, sạch sẽ bằng mọi biện pháp vì GSGC trong môi trường ẩm ướt, lạnh chân sẽ rất dễ mắc bệnh. Chú ý giữ ấm cho GSGC, hạn chế tăng đàn trong mùa mưa. Cung cấp đầy đủ thức ăn sạch, dễ tiêu, bảo đảm chất lượng, phù hợp với từng lứa tuổi của vật nuôi.

Song song đó, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho GSGC theo đúng lịch trình phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi. Khi nghi ngờ GSGC mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm GC, lở mồm long móng, tai xanh, phải báo ngay cho nhân viên thú y hoặc chính quyền địa phương để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh./.

Minh Tuệ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/phong-chong-dich-benh-tren-gia-suc-gia-cam-a177117.html