Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S làm việc với Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam

Chiều 31/3, tại TP Bảo Lộc, đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc với Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam về tình hình phát triển phát triển của ngành dâu tằm tơ trên địa bàn toàn tỉnh. Dự buổi làm việc, có lãnh đạo các sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh; lãnh đạo thành phố Bảo Lộc cùng đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tơ lụa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thuộc Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam.

Đại diện các doanh nghiệp đóng góp ý kiến, kiến nghị cho chiến lực phát triển ngành dâu tằm tơ tỉnh Lâm Đồng

Đại diện các doanh nghiệp đóng góp ý kiến, kiến nghị cho chiến lực phát triển ngành dâu tằm tơ tỉnh Lâm Đồng

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng, thời gian qua, tuy còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Tính đến đầu năm 2021, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có hơn 9.350 ha dâu, chiếm hơn 80% diện tích dâu tằm cà nước. Trong đó, nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển mạnh tại các địa phương như Lâm Hà, Đạ Tẻh, Đức Trọng và TP Bảo Lộc… Phần lớn diện tích dâu người dân đang trồng là các giống dâu lai có năng suất cao, chất lượng tốt như S7 - CB, VA - 201, TBL - 03 và TBL - 05…

Theo thống kê, nhu cầu trứng giống tằm để phát triển nghề trồng dâu, nuối tằm trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng là từ 300.000 - 350.000 hộp/năm. Tuy nhiên, hiện tại việc việc sản xuất, cung ứng trứng giống tằm lưỡng hệ trong nước chưa đảm bảo năng suất, chất lượng. Do vậy, gần 100% trứng giống tằm phục vụ sản xuất phải nhập khẩu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của ngành dâu tằm tơ trong tỉnh. Cùng với đó, phần lớn các doanh nghiệp ươm tơ, dệt lụa đang gặp phải nhiều khó khăn về nguồn vốn để tái đầu tư sản xuất do chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid - 19; hiện tượng tranh mua, tranh bán giữa các tiểu thương và doanh nghiệp vẫn còn xảy ra khiến giá cả nguồn nguyên liệu đầu vào và các sản phẩm của ngành dâu tằm tơ không đảm bảo tính bình ổn; việc đầu tư trang thiết bị, máy móc và công nghệ sản xuất, chế biến tơ tằm, dệt lụa từng bước được chú trọng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng tơ lụa của địa phương…

Khó khăn lớn nhất của ngành dâu tằm tơ Việt Nam đang đã và đang phải đối diện là việc nhập khẩu giống trứng tằm từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch

Khó khăn lớn nhất của ngành dâu tằm tơ Việt Nam đang đã và đang phải đối diện là việc nhập khẩu giống trứng tằm từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch

Tại buổi làm việc, đại diện các cơ sở, doanh nghiệp ươm tơ, dệt lụa trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều kiến nghị, đóng góp quan trọng tới các sở, ngành và chính quyền các cấp xem xét, đề ra những giải pháp đúng đắn đưa ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng ngày càng phát triển ổn định và bền vững. Theo đại diện các doanh nghiệp và Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, khó khăn lớn nhất đối với ngành dâu tằm tơ vẫn là nguồn cung ứng trứng giống tằm còn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Song việc nhập khẩu trứng giống tằm bằng đường tiểu ngạch tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, các sở, ngành liên quan cần có sự tham mưu để UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị các bộ, ngành trung ương ký kết Hiệp định về việc nhập khẩu trứng giống tằm bằng đường chính ngạch đảm bảo năng suất và chất lượng tốt; cần có các chính sách ưu đãi hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tơ lụa trên địa bàn; việc quy hoạch quỹ đất để các cơ sở, doanh nghiệp ươm tơ, dệt lụa di chuyển ra khỏi khu dân cư nhằm đảm bảo vệ sinh, môi trường; công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm tơ lụa trên thị trường trong nước và quốc tế còn nhiều hạn chế; cần xây dựng các trung tâm bảo quản, dự trữ trứng giống tằm để đảm bảo nhu cầu cung ứng cho người dân phát triển sản xuất nghề trồng dâu, nuôi tằm; cần có chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống trứng tằm trong nước nhằm tạo sự cân đối đảm bảo nguồn nguyên liệu cho ngành sản xuất, kinh doanh tơ lụa phát triển bền vững trong tương lai…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo, các sở, ngành của tỉnh đã thẳng thắn tiếp thu những kiến nghị, đóng góp tâm huyết của các doanh nghiệp để làm cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh Lâm Đồng bổ sung vào Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh trong 5 năm tới.

Phó Chủ UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu kết luận, chỉ đạo tại buổi làm việc

Phó Chủ UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu kết luận, chỉ đạo tại buổi làm việc

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao những ý kiến, kiến nghị đóng góp tâm huyết của các doanh nghiệp và các thành viên Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam. Đây là cơ sở để UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá, xem xét nhằm đề ra những chính sách, giải pháp góp phần đưa ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung ngày càng phát triển bền vững. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam cần tuyên truyền các chính sách ưu đãi theo Quyết định số 1371 ngày 25/6/2019 của tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ giai đoạn 2019 - 2023 tới các doanh nghiệp để có hướng hỗ trợ đầu tư phát triển; đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm tơ lụa trong nước và quốc tế; chủ động nắm bắt nhu cầu của thi trường thế giới để tuyên truyền tới các doanh nghiệp chủ động đầu tư trang thiết bị, công nghệ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam cần tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng xây dựng các tiêu chuẩn để trình Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận chuỗi giá trị cho sản phẩm tơ lụa Lâm Đồng.

Đối với các sở, ngành liên quan phải thẳng thắn tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp để có những đề xuất, phương án tham mưu UBND tỉnh đưa ra các chính sách, giải pháp phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ trong thời gian tới.

Đối với nội dung nhập khẩu trứng giống tằm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S thông tin, UBND tỉnh đã có văn bản gửi các bộ, ngành trung ương xem xét ký Hiệp định nhập khẩu trứng giống tằm bằng đường chính ngạch từ Trung Quốc trong thời gian tới; đồng thời, khuyến khích và có chính sách ưu đãi dành cho các nhà khoa học có tâm huyết nghiên cứu, lai tạo ra các giống tằm đạt năng suất, chất lượng cao phục vụ cho ngành dâu tằm tơ của tỉnh. Cùng với đó, UBND tỉnh sẽ giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai các mô hình sản xuất giống tằm lai lưỡng hệ LĐ - 09 để đánh giá năng suất, chất lượng và triển khai tới người trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới.

HẢI ĐƯỜNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202103/pho-chu-tich-ubnd-tinh-lam-dong-pham-s-lam-viec-voi-hiep-hoi-dau-tam-to-viet-nam-3050152/