Phổ biến, giáo dục pháp luật: Hướng mạnh về cơ sở, lấy người dân làm trung tâm

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1521/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1521/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Kế hoạch đã xác định 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức tự giác, tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể Nhân dân, gồm:

1. Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong triển khai công tác PBGDPL;

2. Đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn;

3. Tổ chức triển khai công tác PBGDPL toàn diện, rộng khắp đến các đối tượng, địa bàn, lĩnh vực trong phạm vi cả nước, có trọng tâm, trọng điểm;

4. Hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác PBGDPL để tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới;

5. Tăng cường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL;

6. Huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác PBGDPL;

7. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác PBGDPL;

8. Đổi mới tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước về PBGDPL;

9. Tăng cường công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL.

Công tác hòa giải ở cơ sở góp phần quan trọng trong PBGDPL cho người dân (ảnh: Thanh Hải)

Trong đó, Kế hoạch nêu rõ, trong quý 4/2020, Thủ trưởng các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phải tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng, toàn diện nội dung Kết luận số 80-KL/TW bằng hình thức phù hợp đến các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; gắn việc triển khai Kết luận với thực hiện các nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Theo Kế hoạch, hàng năm, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức thông tin, phổ biến pháp luật trong các lĩnh vực, phạm vi do mình quản lý tới toàn thể cán bộ và Nhân dân bằng hình thức phù hợp; chú trọng PBGDPL về các chính sách, pháp luật được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận, nhất quán trong thực thi chính sách, pháp luật.

Đồng thời, đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm, hướng mạnh về cơ sở. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, tập trung PBGDPL trên Cổng/Trang thông tin điện tử PBGDPL của bộ, ngành, địa phương hoặc của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp và các ứng dụng trên thiết bị di động; thi tìm hiểu pháp luật, tập huấn pháp luật trực tuyến; nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong PBGDPL…

Đồng thời, tổ chức đối thoại chính sách pháp luật, giải đáp pháp luật và các vướng mắc phổ biến trong áp dụng pháp luật về các lĩnh vực, phạm vi do mình quản lý cho Nhân dân, doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp.

CBCCVC phải gương mẫu trong thực thi pháp luật

Theo Kế hoạch, cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm và nghĩa vụ chủ động trong tìm hiểu và gương mẫu trong thực thi pháp luật; gắn việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ với việc thông tin, phổ biến pháp luật tới Nhân dân; vận dụng kỹ năng dân vận khéo trong PBGDPL, gắn phổ biến pháp luật với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; đồng thời, vận động, khuyến khích công dân tìm hiểu, sử dụng, chấp hành, tuân thủ pháp luật.

Ưu tiên nguồn lực PBGDPL cho các nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế, dân tộc thiểu số, các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn trọng yếu về quốc phòng an ninh…

Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng quy các bộ, ngành căn cứ vào Kế hoạch chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch bảo đảm có chất lượng, hiệu quả và chịu trách nhiệm về kết quả triển khai công tác PBGDPL tại địa phương.

Bộ Tài chính thường xuyên rà soát, đôn đốc, hướng dẫn cụ thể việc bố trí kinh phí triển khai công tác PBGDPL cho các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận và địa phương./.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/pho-bien-giao-duc-phap-luat-huong-manh-ve-co-so-lay-nguoi-dan-lam-trung-tam-212840.html