'Phố Bà Triệu có 1 triệu Bà Vân' và ma trận hàng quán 'chính hiệu' ở Hà Nội khiến thực khách hoa mắt chóng mặt
'Cửa hàng bún chả số 1 Hàng Mành bên cạnh là giả mạo! Xin quý khách lưu ý', là nội dung in trên biển quảng cáo một cửa hàng bún chả trên phố Hàng Mành (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Không chỉ có vậy, tấm biển quảng cáo còn được chủ quán cẩn thận đem dịch song ngữ Việt - Anh, như một cách để khẳng định độ chính hiệu bún chả số 1 Hàng Mành với bạn bè quốc tế.
Bún chả Hàng Mành
Khi được hỏi tại sao lại có tấm biển quảng cáo "dị" thế, cô Huyền - quản lý quán bún chả Đắc Kim cho biết quán mình là quán xịn, có từ thời ông bà, cái tên Đắc Kim cũng là từ tên ông Đắc, bà Kim mà ra.
“Quán đã có từ năm 1966, bún chả ở đây là một thương hiệu lâu đời rồi. Tuy nhiên, quán bún chả bên cạnh họ lại đặt theo tên phố Hàng Mành. Việc có quá nhiều quán xuất hiện khiến khách không biết đâu là thật, là giả nên chúng tôi bắt buộc phải treo biển như vậy”, cô Huyền nói.
Trong khi đó, đi sang quán bún chả được cho là giả mạo bún chả Hàng Mành, chúng tôi nhận được câu trả lời khá bất ngờ, người quản lý quán ở đây cho rằng, họ treo biển là thật, giả là việc của họ, quan trọng khách ăn ngon là được.
“Tuy tên cùng là bún chả Hàng Mành nhưng công thức làm bún của chúng tôi khác nhau, ăn vào thì có thể cảm nhận khác nhau hoàn toàn. Việc người ta nói thật giả thì cứ đề vậy thôi chứ tôi cũng không biết làm thế nào. Tôi khẳng định bún chả thật giả là do khách thưởng thức và đánh giá”, người quản lý quán cho hay.
Hàng Mành có rất nhiều quán bún chả số 1 Hàng Mành
Chẳng riêng phố Hàng Mành, trên nhiều tuyến phố khác ở Hà Nội cũng xuất hiện chi chít những hàng quán san sát nhau, gắn tên với một đặc sản Hà Nội lâu đời nào đó. Tất nhiên, quán nào cũng tự nhận mình là "quán chính hiệu" và dùng đủ mọi chiêu trò để hút khách. Trong khi đó khách hoang mang ngơ ngác, chẳng biết đường nào mà lần.
Ngan cháy tỏi Hàng Thiếc
Cách Hàng Mành không xa là Hàng Thiếc, nơi đây có món ăn rất được giới trẻ hiện nay yêu thích với thực phẩm chính là thịt ngan, đó chính là món ngan cháy tỏi. Với hương vị khá lạ miệng và thơm cay, ăn xong đủ để ấm sực toàn thân, đây là món ăn rất được ưa chuộng vào mùa đông hay những ngày thu se lạnh.
Thế nhưng, cũng giống như phố Hàng Mành, sau khi có 1 quán ngan cháy tỏi xuất hiện, hàng loạt những quán khác cũng xuất hiện theo.
Có rất nhiều quán ngan cháy tỏi "đặc biệt", "lâu năm", "chính hiệu"... trên phố Hàng Thiếc
Bên cạnh đó, thực khách cũng bị ảnh hưởng, họ có thể vào nhầm quán và thưởng thức món ăn không được như quảng cáo, chắc chắn họ sẽ rất thất vọng. "Về luật pháp, mình chỉ cấm họ đặt tên giống quán ăn nhà mình còn đặt như ngan cháy tỏi Hàng Thiếc thì không ai cấm được”, chị Chi, quản lý quán ngan cháy tỏi Dũng Huyền chia sẻ.
Cách quán của chị Chi vài mét, nhân viên ở quán ngan cháy tỏi khác cũng tự nhận mình là thương hiệu “chuẩn 100%” ở phố Hàng Thiếc. Đáng chú ý, để cạnh tranh với những quán ăn khác, quán này đặc biệt treo lên trước cửa tấm băng rôn với dòng chữ: “Hương Hàng Thiếc, quán cũ lâu năm”.
"Phố Bà Triệu có 1 triệu Bà Vân"
Hay như phố Bà Triệu, người đi đường sẽ thấy gần chục quán với cái tên “Lạc rang húng lìu bà Vân” na ná giống nhau từ biển hiệu, lời quảng cáo tới cách bày bán sản phẩm. Mọi người hay nói vui với nhau đây là con phố có nhiều tên Vân nhất Việt Nam.
Ngoài bà Vân còn có chị Vân, rồi cả cụ Vân. Khi được khách hàng hỏi mua thì họ đều kèm câu khẳng định chắc nịnh: "Yên tâm, hàng chính hiệu". Nhưng khi được hỏi về tại sao quán có lên là “Lạc rang húng lìu bà Vân” thì chính người bán hàng cũng lắc đầu “không biết”.
...mà hàng nào cũng "chính hiệu"
Chắc chắn, mỗi khi lên phố muốn mua một gói lạc rang chính hiệu, khách hàng sẽ bối rối giữa ma trận "phố lạc" nơi đây. Thời gian trôi qua, đến chủ quán còn chẳng biết tại sao lại là "lạc rang Bà Vân" nữa thì chịu...
Bánh cốm Hàng Than
Bánh cốm Hàng Than từ lâu đã là một thương hiệu lâu đời ở Hà Nội. Có mặt từ năm 1865, cụ tổ của dòng họ Nguyễn Duy là người đầu tiên làm ra chiếc bánh cốm. Cái tên "Nguyên Ninh" có hàm nghĩa bánh cốm sẽ mang trọn nguyên gốc làng Yên Ninh, do trước kia phố Hàng Than thuộc làng Yên Ninh, tổng Yên Thành, ngoại thành Hà Nội.
Những người sống ở Hà Nội lâu năm đều biết bánh cốm Nguyên Ninh chỉ bán duy nhất tại cửa hiệu số 11 Hàng Than. Nhưng hiện nay, con phố này lại mọc lên hàng chục hiệu bánh cốm, đều lấy tên Nguyên Ninh hoặc nhái đi như Nguyễn Ninh. Điều này khiến người mua gặp nhiều hoang mang trong việc tìm kiếm những chiếc bánh chính hãng.
Thay vì trưng biển quảng cáo bánh cốm bắt mắt, Nguyên Ninh gốc ở số 11 Hàng Than lại khiêm tốn hơn, không phô trương, không bày bánh ra hẳn mặt đường, không tráp nhỏ tráp to như nhiều cửa hàng.
Không chỉ bún chả Hàng Mành, lạc rang húng lìu bà Vân, ngan cháy tỏi mà còn nhiều thương hiệu lâu đời khác bị “ăn theo”. Những thương hiệu gia truyền cho tới ngày nay đều trải qua thời gian thử thách khốc liệt mới có thể chiếm được lòng tin yêu của thực khách, vì vậy, thật thiệt thòi cho họ khi có những cơ sở kinh doanh giả mạo để trục lợi cá nhân, làm xấu đi món ăn lâu đời mà chỉ Hà Nội mới có.