Phim Ngày Độc lập 2/9/1945 và câu chuyện bí ẩn 75 năm

Ngày Quốc khánh 2/9 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã là một đề tài khó trong sáng tác văn học nghệ thuật. Rất ít tác phẩm mang tính tư liệu như phim tài liệu, hay sáng tác như phim điện ảnh, văn học, âm nhạc về Ngày Độc lập. Đặc biệt với bộ phim tư liệu 75 năm trước vẫn phủ một chút bí ẩn ly kỳ thú vị.

Trong số những tư liệu đó thì 5 phút phim tư liệu hình ảnh về ngày 2/9/1945 ở Quảng trường Ba Đình, vào thời điểm 14 giờ, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gần như là sự tìm kiếm trong mơ hồ có hay không, đã được thấy trong một sự tình cờ đến ly kỳ và bí ẩn.

Bộ phim

Ngày Độc lập 2/9/1945

30 năm sau, tính từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, bộ phim Ngày Độc lập 2/9/1945 do NSND - Đạo diễn Phạm Kỳ Nam mới được sản xuất và công chiếu vào lễ Quốc khánh 2/9/1975 cho cả đất nước thống nhất cùng xem, trong đó có 5 phút phim tư liệu quý. Những thước phim đen trắng làm người xem xúc động với hình ảnh những đoàn người nô nức kéo về Quảng trường Ba Đình, nắm tay vung cao và hát vang bài “Diệt phát xít”, cùng lời tuyên thệ Độc lập của quốc dân vang động quảng trường. Giọng nói ấm áp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng hình ảnh cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió trong giờ phút khai sinh ra nước Việt Nam độc lập đã trở thành bất tử.

Bức ảnh tư liệu chụp Quảng trường Ba Ðình ngày 2/9/1945 của nhiếp ảnh gia người Pháp Philippe Devillers.

Vì các cảnh quay về Ngày Độc lập rất ít nên đoàn làm phim đã phải quay bổ sung một số cảnh như: Khu Di tích 48 Hàng Ngang nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập, cảnh lá cờ tung bay trong gió được quay trên nóc Sân vận động Hà Nội... đồng thời đi đến nhiều nơi tìm cảnh đẹp trên khắp đất nước để ghép vào bộ phim. Nhóm làm phim cũng bỏ ra hàng tháng trời lục trong kho tư liệu để có những cảnh thực dân Pháp, phát xít Nhật xâm chiếm đô hộ nước ta. Để kéo dài đoạn phim sang 2 cuốn, nhóm làm phim đã phối hợp với nhà quay phim kỹ xảo Nguyễn Kim Khánh phóng to các hình ảnh đã có, từ 1 cảnh phóng ra 4 cảnh (bao gồm hình ảnh toàn cảnh, trung cảnh, cận cảnh và cảnh lật ngược) để dựng phim. Và 5 phút phim ấy đã được dựng cùng với những hình ảnh khác, trên nền nhạc bài Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi, ghép thêm lời bình và lời quốc dân tuyên thệ, bộ phim Ngày Độc lập 2/9/1945 được hoàn thành bởi đạo diễn kỳ tài Phạm Kỳ Nam và nhà dựng phim Lê Mạnh Thích. Hai đạo diễn đã tái tạo lại không khí náo nức, sôi động của ngày 2/9/1945 với lời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của Bác Hồ trước hàng triệu đồng bào ta và thế giới: “Nước Việt Nam kể từ nay có quyền và xứng đáng được hưởng quyền tự do và độc lập!”. Sau 3 tháng nỗ lực làm việc, bộ phim tài liệu dài 18 phút đã được hoàn thành.

Ngày 2/9/1975, nhân dân cả nước đã được xem những thước phim thiêng liêng về ngày lễ trọng đại của dân tộc, ghi nhận thành quả của những ngày tháng kháng chiến trường kỳ với máu và nước mắt.

Bí ẩn 5 phút phim tư liệu

Ngày Độc lập

Năm 1974, đoàn làm phim Tài liệu khoa học gồm biên kịch Hồng Hà, đạo diễn Phạm Kỳ Nam, quay phim Như Ái, được cử sang Pháp, sang Anh để thực hiện bộ phim Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, ghi lại những nơi Bác Hồ hoạt động cách mạng từ năm 1917 - 1923 ở châu Âu. Trước khi đi, đoàn vào thăm Nhà sàn Bác Hồ. Tại đây, đồng chí Trường Chinh đã giao nhiệm vụ “Đi tìm những thước phim tài liệu quay về ngày 2/9/1945 ở Hà Nội. Nếu may ra mà tìm được, phải mua bao nhiêu tiền thì Đảng và Nhà nước cũng sẽ cấp đủ tiền để đoàn làm phim mua bằng được!”. Đoàn làm phim đã đến nhiều nước Tây Âu, tìm toàn bộ những thông tin, tư liệu và hình ảnh về Bác Hồ, Việt Nam và Đông Dương, nhưng những tư liệu quý về Ngày Độc lập 2/9/1945 vẫn không tìm thấy.

Sau đó, đoàn đã gặp đạo diễn phim tài liệu người Hà Lan Joris Ivens để nhờ giúp đỡ. Đạo diễn Joris Ivens lúc đó cho biết ông cũng không có tư liệu mà đoàn làm phim cần. Nhưng 1 tuần sau, đạo diễn Joris Ivens đã gọi điện cho đoàn làm phim cho biết có một người bạn của ông còn lưu trữ nhiều tư liệu phim về Đông Dương. Đoàn làm phim đã tìm đến người bạn giấu tên này. Khi đoàn làm phim tới, được chủ nhà dẫn xuống kho lưu trữ phim ở tầng hầm. Ông chủ nhà soạn ra và nói rằng tặng cho đoàn 3 hộp phim về Đông Dương, ông cũng nói thêm rằng, không biết có đoạn phim đoàn làm phim cần không.

Đoàn quay phim đưa bản dựng xem ngay, trong 3 hộp có 2 hộp phim còn khô xem trước nhưng nội dung không liên quan gì đến ngày 2/9. Hộp thứ 3 bị gỉ một góc, mở ra xem thì đoạn đầu của cuộn phim đã bị mục, nhiều đoạn bị chảy nước nên phải cắt bỏ các đoạn hỏng. Cuối cùng lấy đoạn khô còn lại đưa lên bàn dựng xem. Đầu tiên thấy một số cảnh Hà Nội, tiếp đến là cảnh đám đông nhân dân cầm biểu ngữ mừng Ngày Độc lập, tiếp đó là cảnh đoàn xe đi vào Quảng trường có cảnh sát đi xe đạp hộ tống hai bên. Rồi bất ngờ xuất hiện hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lễ đài. Đúng là cảnh Ngày 2/9/1945 đây rồi, đúng là những thước phim đi tìm suốt mấy tháng ở Paris.

Cho đến nay, 75 năm đã trôi qua, những người liên quan đến bộ phim đều đã trở thành người thiên cổ. Chỉ có thể khẳng định rằng, cho dù có những bí mật cùng 29 năm lưu lạc (1945 - 1974), những thước phim tư liệu đó cũng đã tìm được đường về với đất nước. Đó là một sự may mắn bí ẩn vô cùng lớn của dân tộc Việt Nam.

Hoài Hương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phim-ngay-doc-lap-2-9-1945-va-cau-chuyen-bi-an-75-nam-n179669.html