Philippines xem xét hợp pháp hóa việc ly hôn
Dự luật Ly hôn Tuyệt đối đã được Hạ viện Philippines thông qua và nếu được Thượng viện chấp thuận, việc ly hôn sẽ trở thành hợp pháp.
Ngoài Vatican, Philippines là quốc gia duy nhất trên thế giới mà vợ chồng không thể kết thúc cuộc hôn nhân một cách hợp pháp, ngay cả trong trường hợp ngoại tình hoặc có bạo lực gia đình. Tuy nhiên, Dự luật Ly hôn Tuyệt đối đã được Hạ viện nước này thông qua và nếu được Thượng viện chấp thuận, việc ly hôn sẽ trở thành hợp pháp.
Michelle Bulang sống cùng 4 đứa con ở tỉnh Rizal, ngay bên ngoài Manila. Cô bỏ người chồng vũ phu của mình 6 năm trước nhưng sau tất cả những gì đã trải qua cô vẫn không thể ly hôn.
Cô nghẹn ngào cho biết, mọi người khi bước vào một mối quan hệ đều không có ý định ly hôn. Tuy nhiên, khi không thể tiếp tục, nếu không thể chi trả thủ tục hủy hôn tốn kém và khó khăn, Bulang không có cách nào chấm dứt cuộc hôn nhân của mình.
Song, khả năng Dự luật Ly hôn Tuyệt đối được Thượng viện Philippines thông qua sẽ mang lại hy vọng cho nhiều người mong mỏi ly hôn nhưng chưa thể thực hiện.
Tổng thống Ferdinand Marcos Jr bày tỏ sự cởi mở trong việc hợp pháp hóa ly hôn khi ông nhậm chức năm 2022. Bà AJ Alfafara (Liên minh Ly hôn PILIPINAS) cho biết việc ly hôn có thể dễ dàng hơn.
Theo một cuộc khảo sát do tổ chức nghiên cứu Social Weather Stations thực hiện tháng 3, 50% người trưởng thành Philippines ủng hộ việc hợp pháp hóa ly hôn và 31% phản đối. Người Philippines có thể nộp đơn xin ly thân hợp pháp, cho phép vợ chồng sống riêng nhưng không thể chấm dứt hôn nhân… Họ cũng có thể nộp đơn xin hủy bỏ hôn nhân - một việc tốn kém và yêu cầu bằng chứng rõ ràng rằng cuộc hôn nhân đó không còn giá trị.
Tuy nhiên, việc phản đối ly hôn hợp pháp có liên quan đến một nhóm vận động hành lang Công giáo bảo thủ mạnh mẽ và có ảnh hưởng về mặt chính trị, gồm nhà thờ lớn nhất đất nước Iglesia ni Cristo, vốn cấm giáo dân ly hôn.
Rào cản ly hôn
Cô Bulang kể lại việc kết hôn ở tuổi 26 sau một tuổi thơ khó khăn, cha mẹ cô cãi vã và đôi khi ngược đãi cô.
“Không ai nói cho tôi biết tình yêu là gì. Không ai hướng dẫn tôi cả” - cô kể - “Khi còn nhỏ, tôi nghĩ hôn nhân giống như một câu chuyện cổ tích”. Bulang nhớ lại mình đã yêu chồng tương lai mà không biết nhiều về anh ta và nhanh chóng đồng ý kết hôn.
Tuy nhiên, cô cho biết, anh ta thường xuyên uống rượu và đánh đập mình. Khi tức giận, anh sẽ từ chối đưa cô tiền mua thức ăn. Bốn đứa con của họ (ở độ tuổi từ 7 - 18) đã học cách chờ đợi cơn thịnh nộ của bố mình.
Bulang tìm cách ly thân hợp pháp, nhưng trong quá trình đó, cô phát hiện ra chồng mình trước đây đã kết hôn với một phụ nữ khác, có nghĩa là cuộc hôn nhân của cô ngay từ đầu chưa bao giờ hợp pháp cả.
Tuy nhiên, cô đang bế tắc vì không đủ khả năng tài chính để tiến hành thủ tục tố tụng tại tòa án nhằm chứng minh hợp đồng hôn nhân của mình không có giá trị.
Cô Janine Aranas, luật sư cấp cao của Văn phòng Luật De Leon Arevalo Gonzales có trụ sở tại thành phố Quezon, cho biết, thông thường chi phí thuê luật sư để nộp đơn yêu cầu hủy bỏ hôn nhân là khoảng 4.000 USD, cộng với phí trình diện của luật sư khoảng 100 USD cho mỗi ngày điều trần. Ngoài chi phí, các tòa án ở Philippines rất nguyên tắc và sẽ bỏ yêu cầu hủy hôn nhân nếu thiếu bất kỳ giấy tờ nào.
Cô Aranas cho biết, trong trường hợp của Bulang, cô cần cung cấp hợp đồng hôn nhân ban đầu và hợp đồng hôn nhân trước đó của chồng cô. Nếu không có hợp đồng này thì tòa án có thể từ chối đơn yêu cầu của cô. Bulang không còn liên lạc với chồng và sẽ không có cách nào để có giấy tờ đó.
Một số người Philippines thực hiện các biện pháp cực đoan để thoát khỏi cuộc hôn nhân của mình, thậm chí sang nước khác với mục đích chính là nộp đơn xin ly hôn lên tòa án ở nước ngoài, sau đó hy vọng thủ tục này được công nhận ở Philippines.
Cô Aranas kể đã làm việc với một khách hàng bị chồng cưỡng hiếp và đe dọa bằng con dao dài, sắc dùng để giết thịt động vật khi họ đánh nhau. Tuy nhiên, cô không thể vô hiệu hóa cuộc hôn nhân của người phụ nữ đó và việc ly thân hợp pháp sẽ không bảo vệ cô ấy khỏi chồng mình.
“Hãy tưởng tượng bạn đang ở trong một mối quan hệ nhất định và sau đó, sau tất cả, bạn vẫn kết hôn với người đó. Họ vẫn có quyền đến thăm con bạn” – cô Aranas nói - “Nỗi đau vẫn không kết thúc”.
Khoảng 1,6 triệu người Philippines được liệt vào danh sách hủy hôn, ly thân hoặc ly hôn theo cuộc điều tra dân số năm 2020 của Cơ quan Thống kê Philippines.
Những chướng ngại
Tuy nhiên, vẫn có sự phản đối mạnh mẽ đối với việc ly hôn ở quốc gia có đa số người theo đạo Công giáo, nơi nhiều người có niềm tin sâu sắc rằng hôn nhân là thiêng liêng và chỉ nên xảy ra một lần.
Mới đây, hơn 40 nhóm đã hợp tác để thành lập Siêu liên minh chống ly hôn, nhằm mục đích “làm việc cùng nhau để ngăn chặn các luật chống gia đình và chống sự sống được thông qua tại Quốc hội”, Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines cho biết trên Facebook.
Tim Laws, nhà vận động của Liên minh Quỹ Gia đình Philippines, Inc. (ALFI) cho biết: “Ly hôn làm tan vỡ các gia đình trên quy mô lớn”. Ông Laws đã kết hôn với một người Philippines hơn 25 năm. Ông lo lắng hàng trăm nghìn người Philippines có thể gửi đơn lên tòa để ly hôn nếu dự luật được thông qua trong tình trạng hiện tại.
Thay vào đó, các thành viên của ALFI ủng hộ thực hiện thủ tục ly thân miễn phí hoặc với chi phí thấp, ít nhất là trong các trường hợp hôn nhân bị bạo hành. Ông Laws ủng hộ việc ly thân hợp pháp hơn là ly hôn vì ông cho rằng những người gặp người khác và tái hôn có xu hướng có tỷ lệ ly hôn cao hơn.
Bà Alfafara lạc quan rằng, dự luật ly hôn sẽ được Thượng viện thông qua. Bà nói, Liên minh Ly hôn PILIPINAS đã liên hệ với các thành viên Quốc hội ở mức độ chưa từng xảy ra trước đây.
Trong khi đó Bulang không biết liệu cô có tìm cách tái hôn hay không nếu cô ly hôn với chồng. “Tôi muốn cảm nhận khoảnh khắc tự do” - cô nói - “Chúng tôi không phải là tội phạm. Ở đây chúng tôi đều là nạn nhân”.
Theo Al Jazeera
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/philippines-xem-xet-hop-phap-hoa-viec-ly-hon-post701623.html