Không quân Philippines vào ngày 19 tháng 5 năm 2024 xác nhận việc họ tiếp nhận 2 chiếc trực thăng tấn công T129 cuối cùng đẵ đặt mua từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc giao hàng này ban đầu dự kiến vào năm 2023, tuy nhiên đã bị trì hoãn tới tháng 5 năm nay.
Các máy bay trực thăng T129 đã đến Căn cứ Không quân Thiếu tá Danilo Atienza ở Cavite vào ngày 17 tháng 5 năm 2024.
Hai chiếc trực thăng này, có mã số 1505 và số 1506, là trực thăng T129 Atak thứ năm và thứ sáu được mua theo thỏa thuận giữa chính phủ Philppines với Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 269 triệu USD.
Trực thăng T129 ATAK do hãng AugustaWestland (Italia) và Tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) hợp tác phát triển cho nhiệm vụ chống tăng - thiết giáp, chi viện hỏa lực bộ binh...
T-129 được nghiên cứu vào năm 2009 và giới thiệu ra mắt công chúng vào năm 2014.
T129 thực ra là bản phái sinh dựa trên A129 Mangusta do AugustaWestland phát triển cho Không quân Italia.
Máy bay sử dụng chủ yếu hệ thống điện tử hàng không tối tân, hệ thống vũ khí, máy tính nhiệm vụ, hệ thống phòng vệ do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.
So với năng lực tác chiến của các trực thăng tấn công AH-1Z của Mỹ và Mi-24 của Nga, trực thăng T-129 không hề kém cạnh, thậm chí có một số tình huống chúng còn thể hiện xuất sắc hơn cả đại diện từ Nga và Mỹ.
Buồng lái của T-129 được thiết kế với 2 chỗ ngồi (phi công và sĩ quan điều khiển vũ khí – hoa tiêu).
Ngoài tên lửa chống tăng, rocket, bom, trực thăng tấn công T-129 còn có khả năng mang được cả tên lửa không đối không.
Một pháo xoay 3 nòng cỡ 20mm với 500 viên đạn được bố trí ở mũi máy bay để tiêu diệt sinh lực địch.
Cách bố trí hỏa lực trên T-129 khá giống với các mẫu trực thăng tấn công AH-64 Apache (Mỹ) hay Mi-24, Mi-28 (Nga).
Hai bên hông máy bay được bố trí 2 cánh nhỏ với 4 điểm treo cho phép mang rocket, tên lửa.
Ngoài ra, trên T-129 còn có 4 ống phóng rocket cỡ 70mm có điều khiển Cirit do Thổ Nhĩ Kỳ tự phát triển, dùng đầu tự dẫn lade bán chủ động, tầm bắn 1,5-8km.
Trực thăng T-129 còn có thể mang theo tên lửa không đối không (có thể là loại AIM-92 Stinger hay MBDA Mistra).
T-129 không được trang bị hệ thống radar sóng mm như trên AH-64D hay Mi-28N mà chỉ có tổ hợp ngắm quang – điện dùng để trinh sát, dẫn đường tên lửa đặt ngay trước mũi, trên ụ pháo 20mm.
Trực thăng T-129 có chiều dài 12,2m; chiều cao 11,9m, trọng lượng cất cánh tối đa của T-129 là 5.000kg; tải trọng vũ khí: 1.150kg.
Máy bay được lắp 2 động cơ LHTEC CTS800-4A do liên doanh Rolls-Royce của Anh và Honeywell của Mỹ chế tạo, cho tốc độ tối đa 278 km/h, tốc độ hành trình 269 km/h.
T-129 có trần bay 6.096 m, tầm bay 1.000 km, vận tốc leo cao 14 m/s.
Trong tác chiến hiện đại, trực thăng vũ trang luôn được coi là cơn ác mộng số 1 đối với xe tăng chiến đấu chủ lực, nhất là khi bên phía đối thủ thiếu các hệ thống phòng không lục quân hiện đại.