Philippines: Không nước nào được kiểm soát toàn bộ biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nhấn mạnh không một cường quốc nào được kiểm soát hoàn toàn biển Đông nhằm tránh nguy cơ xảy ra những xung đột quân sự trong tương lai.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 18 diễn ra tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana bày tỏ quan điểm cho rằng chính vì biển Đông là một trong những tuyến giao thương hàng hải quan trọng nhất thế giới, việc tôn trọng và giữ quyền tự do di chuyển tại khu vực này là hết sức quan trọng, theo tờ báo Philippines Manila Bulletin.
“Cái mà tất cả chúng ta đều nên đồng ý chính là quyền tự do hàng hải và tự do hàng không trong các tuyến hàng hải quốc tế là một bộ phận không thể tách rời đối với hòa bình và ổn định của các khu vực đó.” - Ông Lorenzana nói.
Theo ông, “Dưới góc nhìn của chúng tôi, không một cường quốc nào được giao quyền kiểm soát hoàn toàn đối với những tuyến hàng hải như vậy, ví dụ như biển Đông. Chúng ta phải cùng chung tay bảo vệ khu vực quốc tế này.”
Phát biểu của Bộ trưởng Delfin Lorenzana được đưa ra cùng với sự có mặt của những người đồng cấp của ông đến từ các nước ở khu vực Đông Nam Á và nhiều quan chức an ninh đến từ những quốc gia khác.
Hiện tại, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố lãnh thổ gần như toàn bộ khu vực biển Đông một cách trái phép. Bên cạnh đó, chính quyền Bắc Kinh chiếm đóng và cải tạo, quân sự hóa các thực thể mà họ chiếm giữ trái phép, bao gồm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Các cường quốc khác như Mỹ đã tiến hành đưa lực lượng quân sự của mình vào biển Đông nhằm thách thức Bắc Kinh và đều gặp phải những cảnh báo và đe dọa từ lực lượng hải quân Trung Quốc.
Cũng theo Bộ trưởng Lorenzana, việc Trung Quốc vươn lên thành một cường quốc có sức ảnh hưởng trên trường quốc tế chỉ trong một thời gian ngắn như thế đã có ảnh hưởng đáng kể đến cục diện địa chính trị hiện nay của châu Á.
Trước tình hình đó, ông đưa ra cảnh báo “Nếu không có biện pháp kiểm soát, thì những thay đổi dù mới mẻ nhưng đầy tai hại này sẽ có khả năng làm cản trở tiến trình ‘toàn cầu hóa’. Việc tháo gỡ chỉ một sợi dây liên kết của mạng lưới kết nối các nền kinh tế của chúng ta sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến đối đầu và chiến tranh. Nỗi sợ lớn nhất của tất cả các nước chính là chúng ta vô tình mà bước vào một cuộc xung đột mang tầm vóc quốc tế.”
Sau cùng, ông cho rằng giới lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á nên theo đuổi một cách tiếp cận tập trung vào đối thoại hòa bình, đàm phán thỏa hiệp và tuân thủ luật pháp và các quy định quốc tế đối với các mâu thuẫn trong khu vực.
Mặc dù vậy, Trung Quốc lâu nay không bao giờ thừa nhận các phán quyết từ Liên Hiệp Quốc cũng như các tổ chức pháp lý quốc tế nếu như các phán quyết đó không có lợi cho mình, điển hình là phán quyết của Tòa trọng tài 2016. Theo đó, Tòa bác bỏ hoàn toàn yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng luôn tìm cách diễn giải luật pháp quốc tế theo hướng có lợi cho họ, bất chấp cách hiểu chung của cộng đồng quốc tế.