'Phiên tòa giả định' xét xử vụ án về bạo lực học đường cho học sinh dân tộc thiểu số

Bằng việc tổ chức 'phiên tòa giả định' một cách trực quan, sinh động với các tình huống giả định về trường hợp phạm tội liên quan đến bạo lực học đường sẽ giúp nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề này.

Ngày 16/9, Ban Công tác phía Nam – Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng tổ chức chương trình truyền thông Dự án 8 tại Trường THCS Thạnh Thới An (xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng). Chương trình có sự tham gia của hơn 600 phụ nữ, người dân và các em học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Theo đó, các chuỗi hoạt động thiết thực, ý nghĩa sẽ được tổ chức tại Sóc Trăng như: Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm truyền thông Dự án 8. Tại đây, các sản phẩm truyền thông gồm: phim, sách lật điện tử, tờ gấp, câu chuyện truyền thanh… nhằm truyền tải nội dung Dự án 8.

Phiên tòa giả định, xét xử tội phạm "Cố ý gây thương tích" được Chi hội Luật sư - Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM tổ chức tại Sóc Trăng.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật sân khấu (kịch nói) về phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc. Vở kịch sẽ xoay quanh đề tài về gia đình thời hiện đại với những áp lực công việc, kinh tế, ứng xử vợ chồng, mối quan hệ xã hội… dẫn đến bạo hành gia đình; Vở kịch "Đừng im lặng" do NSƯT, đạo diễn, diễn viên Ngô Phạm Hạnh Thúy biên kịch và đạo diễn cùng sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ nổi tiếng ở TPHCM đã cung cấp nhiều kiến thức, hướng dẫn phụ nữ, trẻ em biết bảo vệ bản thân trước nạn bạo hành gia đình…

Đặc biệt là việc tổ chức "phiên tòa giả định" tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường. Đây là phiên tòa giả định, xét xử tội phạm "Cố ý gây thương tích" được Chi hội Luật sư - Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM thực hiện một cách trực quan sinh động thông qua các tình huống giả định về trường hợp phạm tội liên quan đến bạo lực học đường. Qua đó, nâng cao nhận thức của học sinh và trách nhiệm của phụ huynh và thầy, cô giáo trong việc quan tâm, giáo dục con em, học sinh của mình trước vấn đề bạo lực đối với học sinh trong và ngoài trường học, góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật.

Với chương trình "Ngày hội cùng em vui đọc sách", "Tiếp sức cho em đến trường", kết hợp tổ chức không gian văn hóa đọc và chương trình phim hoạt hình đến với trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi tạo sân chơi để các em được gặp gỡ, giao lưu, đọc sách.

Cũng trong chương trình, Ban Công tác phía Nam - Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam kết nối, đồng hành cùng nhà tài trợ trao tặng học bổng toàn phần năm học 2023-2024 trị giá 80 triệu đồng cho 61 em học sinh mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Trường THCS Thạnh Thới An; Ban Công tác phía Nam - Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng trao tặng sổ tiết kiệm - học bổng toàn phần và sinh hoạt phí năm học 2023-2024 trị giá 100 triệu đồng cho 16 em sinh viên, học sinh lớp 12, trẻ em mồ côi vượt khó học giỏi của tỉnh Sóc Trăng (10 triệu đồng/sổ tiết kiệm, 5 triệu đồng/suất học bổng); Chương trình "Triệu phần quà san sẻ yêu thương" trao tặng 100 phần quà các mặt hàng thiết yếu cho hộ nghèo xã Thạch Thới An.

Dự án "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" năm 2023 (gọi tắt là Dự án 8) thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTSMN giai đoạn 2021-2030 nhằm đẩy mạnh, chăm lo đến đối tượng yếu thế, như phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số.

Thông qua chương trình thúc đẩy quyền, trao cơ hội cho họ vươn lên, khẳng định vai trò chủ thể của mình trong tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng quê hương phát triển bền vững.

Vân Nhi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phien-toa-gia-dinh-xet-xu-vu-an-ve-bao-luc-hoc-duong-cho-hoc-sinh-dan-toc-thieu-so-169230916075040014.htm