Phía sau những người giữ nhà giàn DK1

Phía sau những người lính giữ nhà giàn DK1luôn có những người vợ chấp nhận thiệt thòi để người lính biển chắc tay súng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Vất vả, thiệt thòi nhưng chị Hiên luôn là giáo viên dạy giỏi, người mẹ thảo hiền

Để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên thềm lục địa phía nam Tổ quốc, nhiều người lính quê Hải Dương đã dành cả tuổi trẻ của mình trên nhà giàn DK1. Phía sau các anh luôn có những người vợ chấp nhận thiệt thòi để người lính biển chắc tay súng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Dành cả thanh xuân cho nhà giàn

Trung tá chuyên nghiệp Phạm Văn Hướng quê ở thôn Châu Bội, xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) năm nay 50 tuổi, đang công tác tại nhà giàn DK1. Anh đã ở hết 14 nhà giàn trong suốt 26 năm, chỉ có 4 cái Tết ở bên gia đình và vài lần nghỉ phép ngắn ngủi. Đó là những gì chúng tôi được nghe chị Ngô Thị Hiên, vợ anh Hướng, hiện là giáo viên Trường Tiểu học Hiệp Hòa kể về chồng mình. Năm 1996, họ quen nhau trong một lần anh về nghỉ phép. Chỉ sau 20 ngày gặp gỡ, anh chị quyết định đi đến hôn nhân. Sau đám cưới, chị chỉ được ở gần anh 1 tháng rồi anh lại lên đường. 2 năm sau ngày cưới, anh mới được về nghỉ phép và mãi đến năm 1999 anh chị mới có con trai đầu lòng. "Ngày ấy, thông tin liên lạc chỉ thông qua thư tay. Khi tôi mang thai cháu lớn, anh Hướng viết thư về dặn nếu sinh con trai thì đặt tên là Phúc Tần (tên nhà giàn anh đang làm việc) nhưng lá thư đó 6 tháng sau tôi mới nhận được. Điện thoại thì vô cùng khó khăn, mình ở trong này muốn gọi ra không được mà chỉ chờ anh thông qua Đài Phát thanh duyên hải đăng ký mã số, đăng ký số điện thoại ở đất liền rồi hẹn ngày liên lạc. Cả tháng mới nói chuyện được với nhau 1 lần, mỗi lần chừng 10-15 phút nhưng sóng kém, nhiều lúc nghe không rõ", chị Hiên kể.

Câu chuyện về trung tá Kim Văn Mệnh, Chỉ huy trưởng nhà giàn Tư Chính khiến chúng tôi không khỏi thán phục. Anh Mệnh cũng có tới 26 năm ở nhà giàn. Theo chị Nguyễn Thị Chuyền ở thôn Tiền, xã Hiệp Lực (Ninh Giang), vợ anh Mệnh, tháng 7.1993 anh Mệnh tốt nghiệp Trường Sĩ quan lục quân I và được điều động về công tác tại Lữ đoàn 171. Từ đó, cuộc đời anh gắn liền với biển. Suốt 26 năm sống trên cánh sóng, anh đã ở 4 nhà giàn Huyền Trân, Phúc Tần, Ba Kè và Tư Chính. Năm 2000, anh chị quen nhau qua một người bạn, khi ấy anh Mệnh đã 33 tuổi. Sau lần gặp đầu tiên, tình cảm nảy sinh, họ nhanh chóng tổ chức đám cưới trước khi anh Mệnh lên đường. Năm 2003, sau lần anh Mệnh về nghỉ phép, chị Chuyền sinh con gái đầu lòng. 3 năm sau, khi anh Mệnh về phép lần tiếp theo, con gái đã 3 tuổi. "Lúc anh bước vào nhà, con gái chạy ra ngơ ngác chào... chú. Anh ôm chầm lấy con, nhưng con khóc vùng chạy", chị Chuyền mắt đỏ hoe kể lại. Chị Chuyền cũng cho biết thêm nhiều lần có chính sách cho cán bộ ở miền Bắc được chuyển công tác về gần gia đình nhưng anh Mệnh luôn nói biển đảo đã ăn vào máu thịt, anh không nỡ rời xa. Mỗi lần nghe vậy, chị Chuyền chỉ biết đồng lòng, động viên chồng.

Hậu phương vững chắc

Để giữ được toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, không chỉ có tinh thần dấn thân, sẵn sàng chấp nhận gian khó của mỗi người lính biển mà còn có cả sự hy sinh thầm lặng của những người vợ nơi hậu phương. Họ chính là điểm tựa để các anh yên tâm vững tay súng nơi đầu sóng ngọn gió.

Nhớ lại những ngày gian khó một mình nuôi hai con nhỏ, chị Ngô Thị Hiên nghẹn ngào: "Cả hai lần tôi sinh con, anh Hướng đều không ở nhà. Ông bà nội ngoại đều già yếu nên tôi phải tự xoay xở. Những lúc con ốm chẳng biết kêu ai. Vất vả nhất là năm 2014, khi cháu trai thứ hai bị viêm não không rõ nguyên nhân phải điều trị gần 2 năm mới ổn định. Thời gian đó, anh Hướng được về phép 2 tháng giúp tôi chăm con rồi lại đi biền biệt... Ở ngoài nhà giàn, anh cũng liên tục gọi điện về động viên. Nhiều lần giọng anh ấy nghẹn lại, tôi biết anh ấy đang khóc vì thương con". Vất vả, thiệt thòi là thế nhưng nhiều năm qua chị Hiên luôn là giáo viên dạy giỏi của Trường Tiểu học Hiệp Hòa. Với gia đình, chị luôn làm tròn trách nhiệm là người con dâu thảo hiền, người mẹ chăm lo chu đáo cho các con.

Với chị Chuyền, vợ anh Mệnh, cưới nhau 19 năm, thời gian ở bên chồng chỉ đếm trên đầu ngón tay nên mọi việc gia đình đều một tay chị gánh vác. Chị luôn tự nhủ bản thân phải mạnh mẽ, kiên cường, làm chỗ dựa tinh thần để anh yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ... Giờ con gái lớn đã vào lớp 11, cháu thứ hai đã lên lớp 7. Hai chị em đều là học sinh giỏi nhiều năm. Chị đang là Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ninh Thành. Chị Chuyền nói: “Vợ lính đã thiệt thòi, vợ lính biển còn thiệt thòi hơn rất nhiều nhưng bù lại tôi được hai bên gia đình nội ngoại giúp đỡ nên mấy mẹ con cũng bớt buồn". Tháng 9 này, anh Mệnh được nghỉ chế độ theo quy định, song do yêu cầu của đơn vị anh lại làm nhiệm vụ thêm 1 năm. Biết tin chị Chuyền không khỏi buồn bởi chị chờ đợi ngày này từ rất lâu nhưng rồi chị lại một lần nữa động viên và chờ anh trở về.

Những người vợ lính nhà giàn luôn là hậu phương bình yên nhất để các anh vững niềm tin giữ vùng biển Tổ quốc.

TRƯƠNG HÀ

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/phia-sau-nhung-nguoi-giu-nha-gian-dk1-114725