Phát triển văn hóa đọc trong học sinh phổ thông

Những năm gần đây, bên cạnh việc trang bị những kiến thức cần thiết theo chương trình giáo dục, việc phát triển văn hóa đọc cho học sinh được các nhà trường, các cấp học quan tâm theo hướng đầu tư xây dựng và đưa hệ thống thư viện mở trong nhà trường hoạt động tương đối hiệu quả. Để phát triển văn hóa đọc, tạo thói quen đọc sách cho học sinh, các nhà trường, cấp học đã chủ động, linh hoạt tổ chức các hoạt động thư viện, phong trào đọc sách theo hướng đa dạng hóa về nội dung và hình thức.

Tại thị xã Duy Tiên, trong quá trình tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trường lớp cho các cấp học, những năm qua, thị xã cũng quan tâm xây dựng hệ thống thư viện trong các trường học ngày càng hoàn thiện. Qua đó, góp phần tích cực cho việc duy trì thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong cán bộ, giáo viên, học sinh. Hiện nay, 100% trường học trên địa bàn thị xã có thư viện trường học với đa dạng các loại hình, như: thư viện xanh, thư viện di động, tủ sách lớp học… tạo điều kiện đọc sách mọi lúc, mọi nơi, hình thành thói quen đọc sách cho học sinh. Đồng thời, phát huy hiệu quả hoạt động thư viện thân thiện, khuyến khích học sinh nâng cao ý thức tự học, tự nghiên cứu và phát triển ngôn ngữ tiếng Việt hướng tới xây dựng môi trường văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.

Thực hiện mục tiêu phát triển phong trào đọc sách trong học sinh, công tác xây dựng thư viện trường học của Trường Tiểu học Tiên Sơn B (thị xã Duy Tiên), được triển khai đồng bộ. Cô giáo Trần Thị Thu Hường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đến nay, nhà trường đã mua sắm, kêu gọi ủng hộ, vận động xã hội hóa để có được lượng sách, báo, tạp chí, tranh ảnh giáo dục số lượng lớn và phong phú, đa dạng về chủng loại. Cùng với quan tâm phát triển thư viện trường học, nhà trường còn đẩy mạnh phát triển tủ sách lớp học, thư viện xanh. Mỗi lớp có một tủ sách thân thiện, huy động học sinh tự nguyện đóng góp và trao đổi các loại sách, báo, tạp chí. Trong khuôn viên sân trường có tủ sách “Thư viện xanh” đáp ứng tốt nhu cầu đọc sách trong các giờ ra chơi của học sinh. Tại thư viện nhà trường, các đầu sách, tài liệu cơ bản phục vụ tốt yêu cầu công tác dạy và học của giáo viên, học sinh.

Một tiết đọc thư viện của học sinh Trường Tiểu học Tiên Sơn B (Duy Tiên).

Một tiết đọc thư viện của học sinh Trường Tiểu học Tiên Sơn B (Duy Tiên).

Trên địa bàn tỉnh, hoạt động của các thư viện trường học đã đi vào nền nếp, hiệu quả, góp phần tạo ra môi trường học tập phong phú và hấp dẫn, tỷ lệ học sinh tới thư viện đọc sách và mượn sách ngày càng tăng. Để phát huy tối đa giá trị của hệ thống thư viện, các trường học còn thực hiện tốt quy định tổ chức một tiết đọc thư viện; duy trì hiệu quả các hoạt động, như: hội thi, ngày hội sách, triển lãm, giới thiệu sách…, đưa phong trào đọc sách trở thành một nét đẹp văn hóa, thói quen hằng ngày cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Hơn thế, do thấy rõ được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách, các trường học đã phát động phong trào đọc sách sâu rộng trong giáo viên, học sinh và tích cực tổ chức nhiều hoạt động, hình thức vận động học sinh đọc sách, như: phát thẻ đọc cho học sinh đọc sách tại thư viện nhà trường trong giờ ra chơi, luân chuyển sách từ thư viện nhà trường đến tủ sách các lớp học và thư viện xanh; giao học sinh tự quản các tủ sách, thư viện xanh, thi kể chuyện và đọc thơ trong các buổi sinh hoạt tập thể và sinh hoạt lớp…

Bằng việc quan tâm đầu tư, kêu gọi xã hội hóa, thực hiện có nền nếp hoạt động luân chuyển sách, đến nay, thư viện của hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh có khối lượng sách, báo, tạp chí tương đối lớn với hàng triệu đầu sách các loại, như: sách nghiệp vụ, tài liệu tham khảo, sách giáo khoa và các ấn phẩm báo, tạp chí, tập san… phù hợp và đáp ứng tốt nhu cầu tìm đọc của học sinh.

Hiện nay, từ sự phát triển nhanh, mạnh của công nghệ và các yêu cầu về chuyển đổi số, hệ thống thư viện trường học của tỉnh cũng đã nắm bắt kịp thời nhu cầu này, có sự đầu tư khá tốt về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ và từng bước phát triển, khai thác tốt hoạt động thư viện điện tử (TVĐT). Tại nhiều trường học, cơ sở vật chất của thư viện được xây dựng đáp ứng cao nhu cầu đọc, nghiên cứu của học sinh và giáo viên với đủ phòng đọc; mỗi phòng đọc đều có một góc TVĐT, được trang bị máy tính kết nối internet. Trong các tiết hoạt động tại thư viện hằng tuần, hay vào các buổi chiều hằng ngày, số lượng học sinh sử dụng máy tính để khai thác thông tin khá cao.

Theo đánh giá của cô giáo Nguyễn Thị Vũ Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Tân (Thanh Liêm), việc phát triển TVĐT trong các nhà trường là xu hướng tất yếu để tạo ra cơ hội tiếp cận vốn tài liệu và nguồn lực thông tin, không bị giới hạn về không gian và thời gian, giúp các nhà trường có được nguồn thư viện phong phú, đa dạng hơn. TVĐT có sự tác động tích cực đối với hoạt động dạy và học, nhất là với các khối lớp đang thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Học sinh đang được tiếp cận, học chương trình mở, hệ thống các câu hỏi mở, được khuyến khích sử dụng các ngữ liệu ngoài sách giáo khoa nên việc khai thác thêm thông tin, ngữ liệu từ kênh TVĐT rất hữu ích. Hơn thế, giúp nâng cao hơn các kỹ năng của học sinh trong quá trình học tập.

Trong các giờ đọc thư viện, học sinh có nhiều hứng thú với việc khai thác, tìm đọc các thông tin ở TVĐT. Em Chu Minh Dương, học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt (Kim Bảng) cho biết: Để tăng cường vốn kiến thức và kỹ năng học tập, ngoài việc tự đọc, tự học qua sách vở, tài liệu “cứng”, em còn dành nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu nội dung kiến thức các bài học qua hệ thống tài liệu “mềm” từ TVĐT của nhà trường. Qua những lần khai thác, sử dụng, em thấy TVĐT của nhà trường hoạt động ổn định, đường truyền tốt, các kho tài liệu phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu của em.

Nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của hệ thống thư viện trong phát triển giáo dục chung, các trường học trên địa bàn tỉnh đều khá linh hoạt trong việc chỉ đạo nâng cao chất lượng mọi mặt của thư viện, không để thư viện tồn tại như một loại hình cần phải có, hoạt động kém hiệu quả. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về kinh phí đầu tư mở rộng nguồn sách, đầu sách, nhưng các nhà trường đã mạnh dạn thực hiện xã hội hóa, tăng cường thực hiện luân chuyển sách giữa các thư viện trường học với các nhà văn hóa địa phương hoặc giữa các thư viện trường học với nhau, giúp hệ thống thư viện trong các trường học dần được hoàn thiện về điều kiện cơ sở vật chất, cải thiện chất lượng phục vụ, chất lượng hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh được đọc sách và duy trì thói quen đọc sách.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/phat-trien-van-hoa-doc-trong-hoc-sinh-pho-thong-130123.html