Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân ở những xã vừa đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Phát triển sản xuất chính là yếu tố quan trọng nhất để 14 xã nói trên nâng cao thu nhập bình quân cho người dân một cách hiệu quả. Qua tổng hợp từ Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của các xã này đều tăng ít nhất 2 lần so với thời điểm mới đạt chuẩn xã NTM.

Mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao tại xã Tây Hồ (Thọ Xuân). Ảnh: Lê Đồng

Những ngày cuối cùng của năm 2020, có tới 14 xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao (NTMNC). Đây là đợt công nhận xã NTMNC nhiều nhất từ trước đến nay, đưa tổng số địa phương đạt 15 tiêu chí của xã NTMNC toàn tỉnh lên con số 24. Qua đánh giá, tổng hợp từ Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, các tiêu chí về tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế ở những xã vừa đạt chuẩn này được thực hiện khá tốt.

Trong số những “tân binh” NTMNC này, có 3 xã đầu tiên ở khu vực miền núi, gồm: Ngọc Phụng (Thường Xuân), Thành Hưng (Thạch Thành) và Hải Long (Như Thanh). Lần công nhận này, Thọ Xuân là huyện có tới 3 xã trong danh sách, gồm: Xuân Bái, Thọ Lập và Tây Hồ; huyện Hoằng Hóa có 2 xã là Hoằng Đồng và Hoằng Lộc; huyện Vĩnh Lộc cũng đóng góp 2 xã gồm Minh Tân và Vĩnh Tiến. Các huyện: Triệu Sơn, Nông Cống, Yên Định và TP Thanh Hóa, đều có 1 xã đạt chuẩn NTMNC lần này, lần lượt là: Đồng Tiến, Vạn Thắng, Định Long và Hoằng Đại.

Đa phần các xã đều thực hiện có hiệu quả việc kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất trên địa bàn để tạo thêm việc làm cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Điển hình như xã Minh Tân (Vĩnh Lộc) có tới 238 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ, giải quyết việc làm thường xuyên cho 3.800 lao động. Xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) cũng phát triển và kêu gọi được 15 doanh nghiệp, trong đó có Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động địa phương và các xã trong huyện. Cách đó không xa, xã Hoằng Lộc (huyện Hoằng Hóa) cũng có 13 doanh nghiệp địa phương, giải quyết việc làm cho 300 lao động. Xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân còn có doanh nghiệp sản xuất giày da với hơn 1.000 lao động địa phương.

Thành công trong thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư về địa phương đã giúp nhiều xã NTMNC này chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác hiệu quả. Điển hình như xã Định Long (Yên Định) đã có 1.250 lao động vốn làm nghề nông được chuyển sang làm công nhân tại các công ty, doanh nghiệp ngay tại quê nhà. Ngoài ra, xã vùng ven thị trấn Quán Lào này còn có 164 người đang đi xuất khẩu lao động, gửi về nguồn ngoại tệ hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Tương tự, xã miền núi Thành Hưng cũng đang có 890 lao động đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thạch Thành. Qua báo cáo từ các địa phương, cả 14 xã vừa đạt chuẩn NTMNC này đều có tỷ lệ lao động được giải quyết việc làm đạt từ 94,81% đến 99,33% tổng số người trong độ tuổi lao động.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã phát huy được quỹ đất nông nghiệp để phát triển trang trại chăn nuôi cũng như các mô hình trồng trọt nhằm mang lại thu nhập cao cho người dân. Đơn cử như xã Minh Tân (Vĩnh Lộc) hiện có 4 trang trại nuôi lợn quy mô lớn với tổng đàn 200 lợn nái và hơn 400 lợn thịt/lứa, mỗi năm xuất chuồng trung bình 3 lứa lợn, đem lại lợi nhuận trung bình hơn 6 tỷ đồng mỗi năm. Xã Định Long cũng có 5 trang trại chăn nuôi lớn, luôn duy trì tổng đàn lợn hơn 2.000 con. Tận dụng lợi thế của xã ven đô, xã Hoằng Đại (TP Thanh Hóa) đã chuyển đổi thành công 50 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển các trang trại chăn nuôi. Các mô hình trồng trọt theo hướng liên kết gắn với thị trường đầu ra cho sản phẩm. Xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng được vùng chuyên canh rau theo hướng an toàn được 31 ha. Riêng Thành Hưng (Thạch Thành) còn được đánh giá “nhỉnh” hơn một số xã ở khu vực đồng bằng về xây dựng mô hình sản xuất. Hiện xã có 12 trang trại trung bình và lớn, được quy hoạch xây dựng xa khu dân cư để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Trên địa bàn xã miền núi này còn phát triển mạnh nghề nuôi ong, hiện có 2 HTX hoạt động hiệu quả, trong đó HTX mật ong Hưởng Hoa đã xây dựng được nhãn hiệu sản phẩm và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao tỉnh Thanh Hóa.

Phát triển sản xuất chính là yếu tố quan trọng nhất để 14 xã nói trên nâng cao thu nhập bình quân cho người dân một cách hiệu quả. Qua tổng hợp từ Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, đến nay thu nhập bình quân đầu người của các xã này đều tăng ít nhất 2 lần so với thời điểm mới đạt chuẩn xã NTM. Vào năm 2013, xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) đạt chuẩn NTM với tiêu chí thu nhập bình quân 22 triệu đồng/người/năm, thì nay đã tăng lên 2,5 lần với hơn 56 triệu đồng/người/năm. Tương tự, bình quân thu nhập của xã Đồng Tiến (Triệu Sơn) vào năm 2015 đạt 19 triệu đồng/người, nay đã đạt gần 49 triệu đồng/người/năm. Xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc) cũng tăng chỉ tiêu đánh giá này từ 21,5 triệu đồng vào năm 2014 lên gần 50 triệu đồng vào thời điểm hiện tại. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người xã miền núi Thành Hưng (Thạch Thành) đạt 58,3 triệu đồng, tăng gấp 2,4 lần so với thời điểm vừa đạt chuẩn NTM vào năm 2015. Các xã còn lại trong số này hiện đều có thu nhập bình quân từ 55 triệu đồng/người/năm trở lên.

Đời sống Nhân dân của 14 xã này theo đó cũng ngày càng khá giả. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của 10/14 xã chỉ còn dưới 1%, gồm: Thành Hưng, Đồng Tiến, Vĩnh Tiến, Minh Tân, Xuân Bái, Tây Hồ, Định Long, Hoằng Lộc, Hoằng Đồng, Hoằng Đại. Từ sự phát triển sản xuất cũng giúp các xã huy động sức dân tốt hơn trong xây dựng kết cấu hạ tầng, tác động tích cực trở lại cho phát triển kinh tế cũng như đời sống của các tầng lớp Nhân dân.

Đồng Lê

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-san-xuat-nang-cao-thu-nhap-cho-nguoi-dan-o-nhung-xa-vua-dat-chuan-nong-thon-moi-nang-cao/130384.htm