Phát triển nuôi thủy sản theo hướng bền vững

Xác định nuôi thủy sản là lĩnh vực thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Thanh Miện đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển bền vững nghề này.

Xã Đoàn Kết có 120 ha nuôi thủy sản, giá trị sản xuất đạt khoảng 250 triệu đồng/ha/năm

Xã Đoàn Kết có 120 ha nuôi thủy sản, giá trị sản xuất đạt khoảng 250 triệu đồng/ha/năm

Có của ăn của để nhờ nuôi cá

Khu đồng chua trũng ở thôn Tòng Hóa, xã Đoàn Kết từng khiến nông dân ngao ngán vì khó canh tác, chỉ cấy được một vụ lúa bấp bênh. Nhưng chỉ sau hơn chục năm, nơi đây đã trở thành vùng mang lại thu nhập cao cho người dân trong thôn. Do cấy lúa kém hiệu quả, năm 2005, UBND xã đã quyết định cho người dân chuyển 56,27 ha ruộng trũng sang nuôi thủy sản tập trung. Sau khi đi vào sản xuất ổn định, mỗi năm vùng này cho sản lượng 750 tấn cá với nguồn thu hơn 22 tỷ đồng. Nhận thấy nuôi cá mang lại giá trị cao, năm 2017 xã tiếp tục chuyển thêm 31,5 ha đất lúa sang nuôi thủy sản.

Đến nay, xã Đoàn Kết có 120 ha nuôi thủy sản, giá trị sản xuất đạt khoảng 250 triệu đồng/ha/năm, là địa phương đi đầu về nuôi thủy sản tập trung trong huyện. Để thuận lợi trong việc trao đổi kỹ thuật nuôi cũng như tiêu thụ sản phẩm, các hộ đã chủ động thành lập HTX Thủy sản Đoàn Kết. Anh Nguyễn Văn Thượng ở thôn Tòng Hóa chia sẻ: "Gia đình tôi có 1,5 mẫu ruộng, trước cấy lúa chỉ đủ ăn còn giờ nuôi cá đã có của ăn của để. Không chỉ nhà tôi mà các hộ khác cũng phất lên nhờ nuôi cá".

Năm 2020, năng suất cá của huyện ước đạt 7,8 tấn/ha, giá trị sản xuất đạt 230-250 triệu đồng/ha/năm

Năm 2020, năng suất cá của huyện ước đạt 7,8 tấn/ha, giá trị sản xuất đạt 230-250 triệu đồng/ha/năm

Những năm qua, xã Lam Sơn đã tích cực rà soát, chuyển đổi diện tích cấy lúa bấp bênh sang nuôi thủy sản. Ngoài gần 40 ha mặt nước nuôi thủy sản, xã còn xây dựng mô hình nuôi cá kết hợp cấy lúa với diện tích 4 ha. Ông Trương Mậu Nhân, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Nuôi cá mang lại hiệu quả cao, gấp từ 2-3 lần cấy lúa nên địa phương khuyến khích người dân phát triển kinh tế theo hướng này. Để bảo đảm hiệu quả bền vững, xã định hướng người dân không nên thực hiện tự phát mà phải sản xuất theo vùng tập trung". Hiện Lam Sơn đã quy hoạch được vùng nuôi thủy sản tập trung với diện tích 9 ha. Thời gian tới, xã sẽ cân nhắc mở rộng vùng nuôi thủy sản.

Thanh Miện hiện có hơn 900 ha nuôi thủy sản với 12 vùng nuôi tập trung tại các xã Đoàn Kết, Ngũ Hùng, Phạm Kha, Lam Sơn, Chi Lăng Bắc, Cao Thắng... Năm 2020, năng suất cá ước đạt 7,8 tấn/ha, giá trị sản xuất đạt 230-250 triệu đồng/ha/năm. Năng suất và giá trị kinh tế từ nuôi cá ngày càng cao nên diện tích thủy sản của huyện mỗi năm tăng hơn 50 ha.

Tập trung gỡ khó

Mặc dù mang lại giá trị kinh tế cao nhưng nuôi thủy sản ở huyện vẫn còn nhiều bất cập. Hạ tầng các vùng nuôi tập trung chưa đồng bộ nên người dân gặp khó khăn trong sản xuất. Nguồn nước phục vụ nuôi thủy sản ngày càng ô nhiễm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cá. Hơn nữa, thị trường tiêu thụ cá còn bấp bênh, thiếu ổn định nên không ít thời điểm nông dân chỉ hòa vốn.

Vùng nuôi thủy sản tập trung của xã Đoàn Kết có diện tích gần 90 ha

Vùng nuôi thủy sản tập trung của xã Đoàn Kết có diện tích gần 90 ha

Theo ông Đặng Xuân Quyện, Giám đốc HTX Thủy sản Đoàn Kết, nuôi cá nhiều năm nên nông dân đã làm chủ được kỹ thuật thâm canh, song năng suất cá còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chất lượng nước có vai trò quyết định. Hiện nguồn nước nuôi cá tại địa phương chủ yếu lấy từ sông Cửu An nhưng do nước sông ô nhiễm nên cá dễ bị nhiễm dịch bệnh, chết nhiều. Các thành viên trong HTX vừa mới trải qua giai đoạn khó khăn do cá bị dịch bệnh. "Chúng tôi mong chính quyền các cấp sớm có giải pháp để cải thiện nguồn nước, từ đó tạo thuận lợi hơn cho người nuôi cá", ông Đặng Xuân Quyện nói.

Để thúc đẩy nuôi thủy sản phát triển, thời gian qua, ngoài quan tâm xây dựng các vùng nuôi thủy sản tập trung, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, có chính sách hỗ trợ người dân xây dựng hạ tầng đường giao thông, điện... Trước đây, đường vào khu nuôi thủy sản tập trung của xã Ngũ Hùng chủ yếu là đường đất nhỏ, lầy lội vào mùa mưa, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại, vận chuyển, thu mua cá của người dân. "Năm 2019, được sự quan tâm của cấp trên, xã xây dựng, mở rộng hơn 3 km đường giao thông vào khu nuôi thủy sản tập trung với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Hệ thống điện, mương dẫn nước cũng được đầu tư, xây dựng", ông Vũ Văn Lừng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Hùng cho biết.

Nhờ đầu tư có trọng tâm nên các vùng nuôi thủy sản của huyện Thanh Miện phát triển cả về diện tích, quy mô, cơ cấu và năng suất. Theo bà Phạm Thị Nhung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch các vùng nuôi thủy sản tập trung, đánh giá thế mạnh và hạn chế của từng vùng để có giải pháp phù hợp. Trước mắt, huyện tiếp tục nghiên cứu, rà soát các diện tích cấy lúa kém hiệu quả để chuyển đổi sang nuôi thủy sản kết hợp với chăn nuôi, trồng trọt. Từ đó, quy hoạch, xây dựng các vùng nuôi thủy sản tập trung, góp phần tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục huy động nguồn lực, thu hút đầu tư các trại sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, hướng đến tự chủ con giống.

ĐỖ QUYẾT-NGUYỄN MƠ

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep/phat-trien-nuoi-thuy-san-theo-huong-ben-vung-143211