Phát triển nghề truyền thống góp phần xây dựng nông thôn mới

Các làng nghề và ngành nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã có bước phát triển đáng kể, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kiên Giang tập trung triển khai thực hiện tốt 11 nội dung thành phần của chương trình. Bên cạnh việc chú trọng thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh còn thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, khôi phục và phát triển thêm các làng nghề và ngành nghề truyền thống.

Bên cạnh việc tập huấn hướng dẫn người dân hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ đăng ký công nhận nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị cho 111 cơ sở kinh doanh ngành nghề truyền thống từ dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn với tổng kinh phí trên 1,3 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn, giai đoạn 2015-2022, UBND tỉnh Kiên Giang xem xét và công nhận 52 ngành, nghề truyền thống. Nhiều làng nghề đã tồn tại, duy trì và phát triển lên đến vài chục năm; toàn tỉnh có khoảng 1.350 cơ sở kinh doanh sản xuất các ngành, nghề truyền thống. Sự phát triển của các làng nghề và nghề truyền thống đã tạo việc làm cho khoảng 8.500 lao động nhàn rỗi tại địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đến nay đạt 57,8 triệu đồng/người/năm.

Người dân xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) có việc làm ổn định nhờ nghề truyền thống đan dây nhựa.

Nhiều sản phẩm từ làng nghề và nghề truyền thống đã được phát triển thành các sản phẩm OCOP như nước mắm Phú Quốc, bánh tráng Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), sản phẩm thủ công từ cỏ bàng của làng nghề truyền thống đan cỏ bàng huyện Giang Thành (Kiên Giang), rượu nếp Kênh 5, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang)…

Chị Lê Thị Kim Thoa - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cho biết, nghề đan lục bình của xã Phong Đông đã được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống năm 2022. Cơ sở đan lục bình có cơ hội để mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhận thêm đơn hàng, từ đó giúp được nhiều chị em phụ nữ có việc làm ổn định. Đến nay, cơ sở đã thu hút được hơn 100 chị em tham gia.

Tuy nhiên, sự phát triển của các ngành, nghề truyền thống, làng nghề trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng và lợi thế. Phần lớn người dân sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, tự phát, còn lạc hậu trong sản xuất. Các cơ sở chưa có định hướng phát triển lâu dài; thiếu vốn đầu tư nâng cấp, cải tiến trang thiết bị, dụng cụ sản xuất, dẫn đến sản lượng thấp, chất lượng sản phẩm truyền thống chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chưa hấp dẫn khách du lịch, khả năng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường còn yếu.

Theo Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Huỳnh Thanh Liêm - Phó chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Kiên Giang, để giữ gìn và phát triển các làng nghề, ngành, nghề truyền thống nông thôn hiện nay, các địa phương cần xác định ngành, nghề truyền thống có tiềm năng để tập trung phát triển. Khuyến khích các nghệ nhân mở lớp truyền nghề, các lớp đào tạo thợ lành nghề cho lực lượng lao động tại địa phương. Hỗ trợ, tạo điều kiện để các hộ, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực ngành, nghề nông thôn được vay vốn trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi nhằm đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất mặt hàng mới.

Các địa phương cần khuyến khích các cơ sở thuộc làng nghề đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị, hiện đại hóa công nghệ sản xuất. Phát triển dịch vụ du lịch gắn với làng nghề truyền thống, vừa mở ra cơ hội thuận lợi cho việc phát triển sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống và góp phần bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi làng nghề.

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của các làng nghề cùng với sự quan tâm đầu tư đúng hướng, chính sách phù hợp, sát thực tiễn sẽ giúp cho những làng nghề, ngành, nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Kiên Giang vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần đưa chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh về đích đúng kế hoạch đề ra.

Bài và ảnh: THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//kinh-te/phat-trien-nghe-truyen-thong-gop-phan-xay-dung-nong-thon-moi-15929.html