Phát triển du lịch tại quần thể di tích đền Bà Triệu (Bài 1): Định hướng trở thành trọng điểm du lịch

Quần thể di tích đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc), là minh chứng sống động về một thời kỳ đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Cùng với các giá trị to lớn về mặt kiến trúc nghệ thuật, nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa phi vật thể hết sức đặc sắc, hấp dẫn.

Du khách thập phương tham dự lễ hội đền Bà Triệu

Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu là quần thể những công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật và cảnh quan sinh thái; là nơi thờ tự, tưởng nhớ công lao của tiền nhân trong công cuộc chống ngoại xâm thời đầu Bắc thuộc. Không những thế, nhiều tài liệu, hiện vật còn được bảo lưu trong di tích còn giúp hậu thế hiểu rõ hơn về nguồn gốc, quá trình hình thành phát triển, truyền thống văn hóa, kinh tế của làng Phú Điền - một làng Việt cổ có lịch sử lâu đời. Với các giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học, năm 2014 quần thể di tích Đền Bà Triệu đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của người dân xứ Thanh mà còn góp phần thúc đẩy du lịch của địa phương phát triển.

Di tích đền Bà Triệu vừa là điểm đến tâm linh, vừa là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Nhận thức rõ điều đó, những năm qua các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã quan tâm xây dựng Quần thể di tích Đền Bà Triệu trở thành một trong những khu du lịch trọng điểm trong quy hoạch và chiến lược phát triển du lịch của tỉnh. Điển hình như, ngày 19-11-2010 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4139/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng văn hóa, lịch sử của quần thể di tích Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, có quy mô 136 ha, với tính chất là khu tưởng niệm và tái hiện những hình ảnh, hoạt động gợi nhớ về Bà Triệu; đồng thời là công viên văn hóa của đô thị Bà Triệu. Cùng với đó, ngày 7-11-2012 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3667/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề cương quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Khu Di tích lịch sử văn hóa đền Bà Triệu đến năm 2020. Qua đó, quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng, gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, nhằm sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, cảnh quan, dịch vụ môi trường.

Đặc biệt, để quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu Di tích Bà Triệu nhằm tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của di tích; phát triển Khu Di tích Bà Triệu trở thành điểm du lịch quan trọng của tỉnh Thanh Hóa và cả nước, ngày 17-1-2022 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 283/QĐ-UBND phê duyệt Đề án đổi mới công tác quản lý, khai thác, phát triển du lịch tại Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Khu Di tích Bà Triệu, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030 với tổng kinh phí trên 604 tỷ đồng. Theo đó, từ nay đến năm 2030 tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa Khu Di tích Bà Triệu và khu vực lân cận; tập trung phát triển các thị trường khách du lịch trọng điểm theo từng giai đoạn cụ thể; định vị chính xác sản phẩm du lịch đặc thù và thị trường du lịch của khu di tích. Hình thành tổ hợp không gian du lịch lịch sử - tâm linh - văn hóa - sinh thái với đa dạng các sản phẩm du lịch, xác định khu vực hạt nhân tạo đòn bẩy phát triển là đền Bà Triệu. Thực hiện nghiên cứu, rà soát, trình lập quy hoạch Khu Di tích Bà Triệu và các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Đổi mới sản phẩm du lịch, định vị sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh gắn với tìm hiểu di sản; từng bước xây dựng các sản phẩm du lịch mới dựa trên các di tích và giá trị văn hóa hiện có của di tích.

Bên cạnh đó, tăng cường kết nối sản phẩm du lịch tại di tích Bà Triệu với sản phẩm du lịch tại các khu, điểm du lịch khác trong tỉnh để thu hút du khách. Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch mới, trong đó định vị sản phẩm du lịch chủ đạo là du lịch văn hóa - tâm linh gắn với du lịch sinh thái, các hoạt động nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí đa dạng, tạo nên trải nghiệm mới mẻ cho du khách; tiếp tục khai thác, phát triển sản phẩm du lịch tìm hiểu lịch sử, lễ hội…

Ngoài ra, nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật của khu di tích cũng được quan tâm, đầu tư như: xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; hệ thống điện, thông tin liên lạc, biển báo; nhà đón tiếp; trang thiết bị phục vụ công tác thuyết minh… Từ đó, phấn đấu đến năm 2025 di tích đón khoảng 71.150 lượt khách; trong đó có 650 lượt khách quốc tế và 70.500 lượt khách nội địa; tổng doanh thu từ du lịch đạt 7.170 triệu đồng.

Nhóm PV CT-XH

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/phat-trien-du-lich-tai-quan-the-di-tich-den-ba-trieu-bai-1-nbsp-dinh-huong-tro-thanh-trong-diem-du-lich-nbsp/26526.htm