Phát triển điện mặt trời mái nhà: Doanh nghiệp tiết giảm chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh
Điện mặt trời mái nhà không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi Việt Nam gia nhập các FTA
Tại Diễn đàn “Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào chiều ngày 11/4, các chuyên gia, doanh nghiệp đã nêu bật tầm quan trọng cũng như lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, nền kinh tế khi phát triển điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp. Đặc biệt hơn, phát triển điện mặt trời mái nhà cũng là chủ trương được Chính phủ đề cập tại Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII).
Theo ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Với tốc độ tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, việc cung ứng điện cho doanh nghiệp sẽ luôn gặp khó khăn nếu Việt Nam không tận dụng các nguồn năng lượng khác, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Trong đó, sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà đang là một lựa chọn không thể thiếu đối với doanh nghiệp.
“Với việc sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà, doanh nghiệp sẽ chủ động được nguồn điện ổn định trong quá trình sản xuất kinh doanh, hưởng các lợi ích về kinh tế, tiết giảm kinh phí sản xuất” – ông Hoàng Quang Phòng khẳng định.
Cũng theo đại diện VCCI, Việt Nam đã và đang tham gia 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, đây cũng chính là cơ sở đưa Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu. Tại EU và một số quốc gia khác, sản phẩm, hàng hóa khi nhập khẩu vào các thị trường này nếu muốn được hưởng cơ chế ưu đãi buộc phải có chứng chỉ xanh. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào sân chơi toàn cầu để được hưởng ưu đãi ngoài các điều kiện cơ bản như quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng thì tiêu chuẩn về xanh hóa cũng buộc doanh nghiệp phải đáp ứng.
“Như vậy có thể nói, sử dụng điện mặt trời mái nhà không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh mà còn là điều kiện không thể thiếu trong quá trình hội nhập quốc tế”, ông Hoàng Quang Phòng thông tin.
Cũng đánh giá về lợi ích của điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp, PGS, TS Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Lắp đặt và vận hành hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các khu, cụm công nghiệp mang lại lợi ích to lớn. Nhiều đơn vị triển khai điện mặt trời mái nhà đã tiết kiệm được nhiều tỷ đồng so với sử dụng điện hệ thống.
Nguồn năng lượng này vừa giúp doanh nghiệp giảm chi phí năng lượng, vừa có thể đáp ứng tiêu chuẩn xanh hóa sản xuất, tạo ra sản phẩm đạt chứng chỉ xanh xuất khẩu vào các thị trường lớn như châu Âu. Với quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn như Việt Nam, chứng chỉ xanh cho hàng hóa xuất khẩu có ý nghĩa quan trọng.
Cũng theo PGS. TS Nguyễn Anh Thu, là điểm đến hấp dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả, Việt Nam đang định hướng thu hút có chọn lọc các nhà đầu tư, các dự án công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế. Để thực hiện được chủ trương này, đòi hỏi rất nhiều điều kiện, trong đó, điều kiện quan trọng là cần có nguồn năng lượng sạch.
TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định: Việt Nam là quốc gia có mức độ phát thải CO2 trên GDP cao trong khu vực châu Á. Do đó, Việt Nam đã cam kết đạt mức 0% vào năm 2050 và để đạt được điều này, cần nhanh chóng tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.
Đánh giá sơ bộ lợi ích của điện mặt trời mái nhà về mặt kinh tế, ông Nguyễn Quốc Việt cho rằng, Việt Nam có nhiều khu công nghiệp và là một trong những nơi tiêu thụ năng lượng nhiên liệu và điện chính đang tiếp tục tăng mạnh khi đầu tư nước ngoài tăng nhanh. Điều này cho thấy việc sử dụng năng lượng trong khu công nghiệp dự kiến sẽ có sự tăng trưởng mạnh trong những năm tới.
Trong khi đó, điện mặt trời mái nhà mang lại sự an toàn hơn về đảm bảo và chủ động hơn nguồn cung cấp điện; đồng thời nâng hiệu quả sản xuất và kinh doanh doanh nghiệp, giúp khu công nghiệp tuân thủ các quy định về môi trường, tạo lợi thế thu hút doanh nghiệp lớn ở trong và ngoài nước.
Với các doanh nghiệp sản xuất, nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời mái nhà giúp tiết kiệm chi phí năng lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, nhất là trong bối cảnh thị trường quốc tế tăng cường các quy định, cơ chế về giảm phát thải, bao gồm lượng phát thải gián tiếp từ điện năng tiêu thụ… Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiến cao hơn trong chuỗi sản xuất, cũng như cạnh tranh được với các đối thủ trong khu vực trong các lĩnh vực dệt may, da giày…
Cũng đánh giá cao lợi ích của việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà đối với doanh nghiệp, nhưng ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, còn một số khó khăn đối với doanh nghiệp trong quá trình lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Cụ thể, điều kiện thời tiết, cơ chế về điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp, khu công nghiệp chưa rõ ràng.
Theo đó, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị, các cơ quan cần đưa ra những quy định dưới luật để giải thích rất rõ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai. Ví dụ, định nghĩa xác định về “tự sản tự tiêu” trong khu công nghiệp, chủ thể trong các khu công nghiệp để sử dụng điện mặt trời áp mái. Cùng với đó, việc điều kiện thời tiết thuận lợi sẽ dư thừa điện tại các dự án điện mặt trời mái nhà cũng gây khó cho doanh nghiệp.
Ông Trần Viết Nguyên - Phó Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Giai đoạn 2017 - 2020, điện mặt trời mái nhà phát triển mạnh có nhiều đóng góp cho công suất, điện năng, hỗ trợ cho ngành điện và EVN đỡ áp lực trong nguồn điện. Hiện nay, toàn quốc hơn 103 nghìn dự án điện mặt trời mái nhà với công suất đạt hơn 9.500 MW, trong đó hơn 50% công suất huy động từ các khu công nghiệp.
Bên cạnh những lợi ích mang lại thì sự phát triển điện mặt trời mái nhà thời gian qua cũng đặt ra một số khó khăn. Hiện nay, Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định quy định cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà và EVN đang tích cực đề xuất cơ chế chính sách.