Phát triển công nghiệp sáng tạo phải thương mại hóa được sản phẩm sáng tạo
Gần một nửa trong tổng số 185 công trình công nghiệp ở Hà Nội đã bị phá hủy và chuyển đổi. Tình trạng những công trình có giá trị về kiến trúc và lịch sử, có giá trị sâu sắc về tinh thần với người dân bị thay thế bởi các công trình mới xây dựng đang được nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo.
Nếu được phát huy đúng cách và đầu tư tương xứng, các di sản này có thể trở thành những trung tâm sáng tạo, đóng góp lớn cho phát triển công nghiệp văn hóa. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Kiến trúc sư (KTS) Đoàn Kỳ Thanh - một trong những người góp phần tạo dựng nên nhiều tổ hợp sáng tạo thành công như Zone 9, X98, Hà Nội Creativity City và ông là cố vấn nhiều sự kiện về thiết kế sáng tạo Hà Nội những năm gần đây.
PV: Nhà máy xe lửa Gia Lâm – biểu tượng công nghiệp Việt Nam một thời từng bị lãng quên, đã thu hút trên 200.000 lượt người trong dịp Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, phần nào chứng minh tiềm năng của di sản công nghiệp. Những đồn đoán về công trình hơn trăm năm tuổi sẽ bị thay thế bởi các công trình xây dựng mới, khiến không ít người tiếc nuối. Ngược lại, không ít ý kiến nghi ngại việc bảo tồn nhưng không phát huy hiệu quả lâu dài nhà máy này và các di sản tương tự là một sự lãng phí lớn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
KTS Đoàn Kỳ Thanh: Có lẽ đây là lần đầu tiên, một lễ hội về thiết kế sáng tạo quy mô lớn được tổ chức ở bên kia sông Hồng, thuộc ngoại ô Thủ đô Hà Nội. Khi mới bắt đầu có ý tưởng chọn Nhà máy xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) là địa điểm chính để tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, có rất nhiều câu hỏi đặt ra với Ban tổ chức, trong đó có những băn khoăn, lo lắng về việc tổ chức sự kiện như thế này ở một địa chỉ xa khu vực trung tâm như thế thì có thu hút được người tham gia hay không?
Khi ấy, tôi đã khẳng định, những sự kiện nhỏ ở xa trung tâm có thể khó thu hút công chúng, nhưng sự kiện lớn, nổi bật thì sẽ không như thế. Nhà máy xe lửa Gia Lâm có không gian lớn, có diện tích đủ lớn để cho nhiều người đến tham gia sự kiện cùng lúc. Long Biên cũng là khu vực có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp sáng tạo, có thể sẽ là trung tâm mới của Hà Nội, là quận sáng tạo mới. Thực tế, các nghệ sĩ, nhà sáng tạo đến thực địa tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm đều bất ngờ và nhận định đây là “thánh đường” cho sáng tạo nghệ thuật. Kết quả là lễ hội không chỉ hấp dẫn nghệ sĩ mà thu hút rất đông công chúng, như các bạn đã thấy.
Nhìn rộng ra, chúng ta cũng phải nhận thấy, không chỉ với riêng Hà Nội, về các mặt hoạch định, quy hoạch của đất nước, ở các vùng lõi của trung tâm, rất nên hạn chế xây nhà ở, chung cư. TP Hồ Chí Minh đã mất đi cảng Ba Son, một di sản công nghiệp tuyệt vời. Việc xây chung cư, nhà ở có thể có lợi cho một số người, nhưng ở đây mình cần tính đến lợi ích của hàng triệu người, không chỉ là về tiền bạc mà còn là về tinh thần. Tôi thật sự rất tiếc khi TP Hồ Chí Minh mất đi di sản cảng Ba Son và không muốn Hà Nội lặp lại sai lầm ấy nữa. Tôi mong muốn những không gian trống, không gian còn lại của đô thị, các di sản giá trị được gìn giữ, phát huy, không phải chỉ cho ngày hôm nay mà còn cho các thế hệ sau này.
Đây sẽ là các không gian sáng tạo để các nghệ sĩ, nhà làm sáng tạo có cơ hội để gặp gỡ, làm việc, tích cực đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp sáng tạo, cho kinh tế - xã hội, không chỉ của riêng địa phương, mà còn của cả nước. Tôi tin, ngành công nghiệp sáng tạo là cơ hội để đất nước phát triển, có sự bứt phá.
PV: Nhưng nếu các di sản chỉ nhất thời thu hút công chúng mà chưa giải quyết được bài toán tài chính, ít nhất là có đủ nguồn kinh phí để nuôi chính di sản này thì sẽ khó thuyết phục được cơ quan quản lý, người dân để giữ lại các di sản, nhất là các di sản có diện tích lớn, ở các “khu đất vàng”, thưa ông?
KTS Đoàn Kỳ Thanh: Mọi người đã biết Zone 9 (không gian sáng tạo trên khu đất vốn thuộc Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2, quận Hai Bà Trưng – PV) trước đây từng là một điểm sáng trong nỗ lực khai thác các khu vực hoang tàn thành không gian sáng tạo rất hiệu quả, cả về mặt tinh thần lẫn vật chất. Đây chỉ là một trong những minh chứng cho thấy, nếu làm đúng cách, chúng ta không chỉ đầu tư cho nó một chiều mà có thể thu lợi được từ việc tổ chức các không gian, hoạt động như thế này.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia phát triển đã cho thấy, các di sản công nghiệp khi được chuyển đổi thành các không gian sáng tạo và đi vào vận hành, nó không những tự nuôi được chính mình mà còn sản sinh lợi nhuận, đóng góp trực tiếp vào GRDP của thành phố, GDP của quốc gia.
Tôi tin rằng, nếu thành phố nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển các khu vực như Nhà máy xe lửa Gia Lâm, chuyển từ sản xuất công nghiệp sang thương mại, dịch vụ du lịch, kinh tế đêm, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ thì di sản này hoàn toàn có cơ hội trở thành điểm đến ở tầm cỡ khu vực và thế giới, chứ không phải chỉ trong vùng Long Biên hay Hà Nội. Nếu Hà Nội triển khai, chúng tôi cũng sẽ sẵn sàng đóng góp kinh nghiệm, kiến thức, hiểu biết, kết nối những cộng đồng có sẵn của chúng tôi để chung tay xây dựng “cái tổ” cho cộng đồng sáng tạo nghệ thuật ở Hà Nội.
Về mặt tài chính, theo quan điểm của tôi, chúng ta xây dựng, phát triển ngành công nghiệp sáng tạo thì phải thương mại hóa được các sản phẩm sáng tạo, các sản phẩm nghệ thuật. Để xây dựng cái nền cho công nghiệp sáng tạo thì không chỉ tổ chức các sự kiện mà phải xây dựng đời sống sáng tạo, nghệ thuật và phải có hệ sinh thái sáng tạo. Khi các khu vực, trong đó có các di sản công nghiệp được sử dụng cho mục đích đó, chúng ta hoàn toàn có thể có những quy hoạch, có những hoạt động, chương trình, kế hoạch cho một năm hay nhiều năm. Chính sự hội tụ của các nghệ sĩ hay các nhà sáng tạo nội dung ở trong nước và nước ngoài đến làm việc sẽ tạo ra sự giao thoa, sự gặp gỡ giới nghệ thuật, sáng tạo sẽ tạo sự cộng hưởng về giá trị ở trong nội hàm khu này.
PV: Khai thác di sản thành các không gian sáng tạo, nếu không cẩn trọng, sẽ tác động tiêu cực đến di sản. Theo ông, làm thế nào để giải quyết bài toán này?
KTS Đoàn Kỳ Thanh: Ứng xử với di sản phải có sự tư vấn của các chuyên gia về di sản. Với các nghệ sĩ, chỉ ứng xử với di sản thôi đã là bài học cho sáng tạo rồi. Để bảo tồn và phát huy hiệu quả di sản, chúng ta cần phải có quy hoạch, có kế hoạch, có quản lý, sự phối hợp từ nhiều cơ quan, ban, ngành nhằm đảm bảo về mọi mặt như an ninh, an toàn, môi trường, bảo vệ di sản. Trong quá trình quy hoạch, triển khai từng dự án, cơ quan quản lý sẽ phải tham vấn ý kiến của các chuyên gia về di sản văn hóa.
PV: Ông thấy hiện nay các nghệ sĩ, những người làm sáng tạo nội dung đã có đủ không gian sáng tạo chưa? Để phát triển công nghiệp sáng tạo, chúng ta cần phải làm gì?
KTS Đoàn Kỳ Thanh: Chúng ta đang có quá ít không gian sáng tạo. Tại Hà Nội, đáng lẽ các khu vực như Nhà máy xe lửa Gia Lâm, khu Cao – Xà – Lá phải để dành cho không gian sáng tạo. Ngoài các di sản công nghiệp, Hà Nội còn có rất nhiều khu vực khác có thể khai thác thành không gian sáng tạo, các khu bờ vở sông Hồng, các khu đất bỏ hoang ở cạnh sông Hồng, các thiết chế văn hóa chưa được phát huy hiệu quả như các nhà văn hóa. Thậm chí, ngay cả cái điếm canh đê cũng có thể trở thành nơi sáng tạo được. Tất nhiên, phát triển công nghiệp văn hóa thì phải cần bài bản, có hệ thống. Chúng ta đã nhận thức được tầm quan trọng của công nghiệp sáng tạo.
Nhưng phát triển công nghiệp văn hóa cũng giống như các ngành công nghiệp chế tạo, chúng ta phải có quy hoạch quỹ đất dành cho nó, có chính sách và đầu tư cho nó về mặt cơ sở hạ tầng… Hiện nay, nhiều lãnh đạo đã hiểu và quan tâm đến phát triển công nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, từ chuyện quan tâm, định hướng cho đến triển khai, biến chủ trương thành hiện thực thì cần có sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!