Phát triển chăn nuôi ở xã biên giới Điện Biên

Gần đây nông dân gặp khó do bệnh dịch song chăn nuôi vẫn đem lại thu nhập. Qua đó, góp phần giúp bà con xóa đói, giảm nghèo.

Diện mạo nông thôn ở Na Ư đã có nhiều khởi sắc.

Diện mạo nông thôn ở Na Ư đã có nhiều khởi sắc.

Tiếp cận nguồn vốn...

Na Ư là xã biên giới, đặc biệt khó khăn của huyện Điện Biên. Địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, nguồn nước khan hiếm, tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân còn lạc hậu, hệ lụy từ hoạt động của tội phạm ma túy gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, là những nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao. Hiện nay Na Ư có trên 23% hộ nghèo. Người dân nghèo chưa tìm được mô hình sản xuất phù hợp nên chưa tận dụng được đất sản xuất. Thiếu vốn đầu tư, cũng gây khó khăn cho người nghèo nơi đây trong việc tìm hướng thoát nghèo. Để người dân trên địa bàn tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, những năm gần đây chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực vận động nhân dân tiếp cận các nguồn vốn phát triển chăn nuôi để tận dụng đất đai, tăng thu nhập.

Ông Ly Nình Vàng – Chủ tịch UBND xã Na Ư nói: “Về phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn xã, phong tục tập quán của nhân dân thì canh tác rất hạn chế. Được sự quan tâm chỉ đạo của huyện, đời sống nhân dân cơ bản ổn định, phát triển nhất là chăn nuôi, các vấn đề khác thì rất khó khăn”.

Gia đình ông Vừ Khua Nu ở bản Na Ư có trên 2 ha nương dốc. Nhiều năm gia đình ông gieo ngô, lúa luân canh nhưng năng suất thấp, thu nhập không cao nên những năm gần đây ông chuyển đổi sang chăn nuôi trâu bò. Cách đây 5 năm gia đình ông có vay vốn ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng mua giống trâu bò và mua giống cỏ. Chỉ sau ít năm chăn nuôi ông đã trả hết vốn, lãi cho ngân hàng và dần tích lũy cho gia đình. Có hai bãi chăn thả rộng, cách xa với các nguồn bệnh, đàn trâu, bò của gia đình ông Vừ Khua Nu liên tục phát triển, có lúc lên tới 50-60 con. Đó là nguồn tích lũy để bán hoặc sử dụng những lúc cần thiết.

Ông Vừ Khua Nu chia sẻ: “Gia đình thì chỉ làm ruộng và chăn nuôi. Làm ruộng thì vụ chiêm bỏ, vụ mùa mới làm vì thiếu nước, mùa mưa có ít nước tưới vào mới đủ nước để làm. Gia đình chủ yếu chăn nuôi trâu bò, gieo cỏ được hơn 1 ha. Cỏ mình gieo bò ăn hết rồi, các loại cỏ khác nó mọc lên, mình phải thuê người nhổ đi. Có hai bãi, chỗ này vài tháng xong lại đổi cho bên kia vài tháng mới đủ cho gia súc ăn quanh năm. Gia đình nuôi cả trâu, cả bò với khoảng 50 con. Năm nào mình không đủ mua thuốc cỏ, phân bón thì bán đi một đôi thì mới đủ. Thóc gạo thì đủ ăn chỉ chi tiêu một số thuốc cỏ với phân bón cho cây trồng”.

Ông Vừ A Khua đang chăm sóc đàn bò của gia đình mình.

Ông Vừ A Khua đang chăm sóc đàn bò của gia đình mình.

Đổi đời...

Không chăn nuôi trâu, bò, gia đình anh Và A So chọn chăn nuôi lợn sinh sản và lợn thương phẩm để tăng thu nhập. Mỗi lứa, anh So nuôi từ 50-100 con lợn. Giống lợn anh chọn nuôi là giống lợn đen tai bé của địa phương. Giống lợn địa phương có đặc tính ít bệnh tật, giá lại cao hơn các giống lợn lai nên rất dễ bán ra thị trường. Năm nay anh So đang học tập nuôi thêm giống lợn địa phương lai lợn rừng. Anh hy vọng sẽ có thu nhập cao hơn từ giống lợn này. Cần cù, tiết kiệm giúp kinh tế gia đình anh So ngày một phát triển.

Và A So cho biết: “Bà con ở đây thì chủ yếu làm nương, làm ruộng và chăn nuôi. Lúc đầu mình chỉ có ít vốn thôi, nhưng gia đình phải làm dần dần. Ví dụ như năm nay gia đình mình bán hàng, năm sau thì bổ sung thêm chăn nuôi gia súc gia cầm. Hiện tại gia đình đang chăn nuôi lợn, cũng giúp cho gia đình rất nhiều. Kỹ thuật mình cũng không có nhưng mình tự tìm tòi, giống lợn mình tự phát triển. Ngày trước mình bỏ một đống tiền để mua giống nhưng bây giờ thì mình có giống rồi. Mình chọn nuôi lợn bản thì tiêu thụ sang thành phố nó dễ tiêu thụ hơn. Mình chăn nuôi được 5-6 năm rồi, mình thấy rất tốt, trừ chi phí đi rồi vẫn còn khoảng 200 triệu”.

Cũng như Na Ư, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên có trên 18% hộ nghèo và trên 65% hộ cận nghèo. Làm ruộng, làm nương thu nhập thấp, chăn nuôi là nghề quan trọng với người dân nơi đây.

Gia đình chị Quàng Thị Hải cũng là một trong các hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi ở bản Mường Pồn 2. Chăm chỉ lao động, có ý chí vươn lên, từ 50 triệu đồng vốn vay ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi, gia đình chị Hải dần tích lũy làm được nhà ở và có cuộc sống no ấm hơn. Không còn là hộ nghèo, đó là lời khẳng định đầy tự hào về sự nỗ lực vươn lên của gia đình chị Hải nói riêng và của hàng chục nông hộ đã thoát nghèo nói chung ở xã Mường Pồn.

Chị Quàng Thị Hải nói: “Năm 2013 được Nhà nước hỗ trợ nuôi bò, nuôi con bò mẹ đẻ rồi lại chuyển cho hộ nghèo. Giờ gia đình cũng được mấy con rồi. Cũng vay bên Ngân hàng Chính sách xã hội để mua bò, bán đi gia đình cũng làm nhà thoát được hộ nghèo năm 2020. Gia đình cũng sẽ cố gắng phát triển kinh tế nuôi nhiều bò để trang trải cuộc sống”.

Là xã vùng cao, biên giới khó khăn, người dân Mường Pồn sống dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Dựa vào các chương trình hỗ trợ sản xuất của Nhà nước như: Hỗ trợ nuôi bò sinh sản theo hình thức luân chuyển, hỗ trợ cây, con giống để người nghèo trồng trọt chăn nuôi và hỗ trợ tín dụng ưu đãi, người dân xã biên giới này đang từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Năm 2022 xã Mường Pồn có trên 40 hộ gia đình nghèo thoát nghèo nhờ phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình. Tuy mỗi năm có hàng chục hộ nghèo thoát nghèo, nhưng làm thế nào để người dân thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu vẫn là điều trăn trở ở các xã miền núi, biên giới như Mường Pồn.

Kông Thao

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phat-trien-chan-nuoi-o-xa-bien-gioi-dien-bien-post645300.html