Phát triển bảo hiểm vi mô góp phần bảo đảm an sinh xã hội

Bảo hiểm vi mô là loại hình bảo hiểm mang tính xã hội, nhân văn rất cao vì hướng tới bảo vệ các đối tượng yếu thế, người thu nhập thấp, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) ngày 29/10.

Phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) ngày 29/10.

Ngày 29/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), trong đó nội dung về bảo hiểm vi mô nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Cần thiết phát triển bảo hiểm vi mô

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nhận định bảo hiểm vi mô giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Các sản phẩm bảo hiểm vi mô được thiết kế, cung cấp cho người nghèo, người có thu nhập thấp và những người yếu thế trong xã hội với đặc điểm đơn giản, dễ hiểu, phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu tiết kiệm và bảo vệ trước những rủi ro có thể xảy ra trong cuộc sống.

“Bảo hiểm vi mô là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, giúp người nghèo hình thành thói quen tích lũy tài chính. Có thể nói, bảo hiểm vi mô rất cần thiết, đặc biệt là đối với các nhóm yếu thế, mang lại lợi ích rất lớn cho toàn xã hội”, đại biểu Sang cho hay.

Đại biểu Lâm Văn Đoan (Lâm Đồng) phát biểu tại điểm cầu hội trường Diên Hồng.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Lâm Văn Đoan (Lâm Đồng) chia sẻ, kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy chính phủ các nước đều coi việc phát triển bảo hiểm vi mô nói riêng và tài chính toàn diện nói chung là một trong các giải pháp để cải thiện cuộc sống của người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp.

Do đó, hầu hết các nước đang phát triển ở khu vực châu Á, Mỹ La tinh đều triển khai các loại hình bảo hiểm vi mô như Thái Lan (tỷ lệ dân số tham gia là 14%), Philippines (20%), và Chile, Peru, Brazil (10-15%).

Nhấn mạnh sự cần thiết của bảo hiểm vi mô, song các đại biểu cũng cho rằng các quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật còn khả mỏng và chung chung. Thực tế cho thấy, việc thiếu hành lang pháp lý về bảo hiểm vi mô cũng là nguyên nhân khiến cho bảo hiểm vi mô dù có thời gian dài thí điểm 10 năm nhưng tỷ lệ người tham gia rất thấp.

Cần bổ sung quy định về bảo hiểm vi mô để bảo đảm tính khả thi

Dự thảo Luật dành một chương nói về bảo hiểm vi mô, tuy nhiên chỉ gồm 2 điều quy định đặc điểm cơ bản của sản phẩm bảo hiểm vi mô và tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô. Theo một số đại biểu, cần bổ sung cụ thể hóa các quy định về bảo hiểm vi mô để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả khi thực hiện trên thực tế.

Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đề nghị quy định rõ khung pháp lý, tổ chức, điều kiện triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô, bổ sung các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chuyên sâu thực hiện bảo hiểm vi mô.

Nhận định đây là một loại hình bảo hiểm, cũng chứa đựng rủi ro, đại biểu Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) cho rằng, những nội dung trọng yếu như là về tiêu chí, điều kiện của doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tương hỗ, việc quản trị rủi ro hoạt động nghiệp vụ hay là quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức tương hỗ thì cần phải quy định trong luật thay vì giao cho Chính phủ quy định như trong dự thảo.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) phát biểu tại phiên thảo luận.

Trong khi đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang có những phân tích kỹ hơn về tình hình thực hiện bảo hiểm vi mô trong thời gian qua. Đại biểu nêu rõ, việc triển khai tại Việt Nam chưa thật sự phát triển, do bộ phận chủ yếu hướng đến của sản phẩm bảo hiểm vi mô thường ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận, chi phí triển khai thường lớn hơn các sản phẩm bảo hiểm thông thường nhưng rủi ro nhiều hơn nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam. Một nguyên nhân khác là khoảng trống về chính sách pháp luật đối với loại hình bảo hiểm vi mô.

“Tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được cấp phép thành lập và hoạt động để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho chính các thành viên của mình. Tuy nhiên xét về mặt pháp lý của các tổ chức tương hỗ, quy định tại dự thảo luật chưa chặt chẽ, không cụ thể về ngăn ngừa rủi ro. Trong khi đó đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển, đối tượng tham gia rất đông và nếu có rủi ro thì tác động rất lớn đến xã hội”, đại biểu Sang nêu quan điểm.

Để xác thực tính đặc thù và tăng cường tính khả thi của sản phẩm bảo hiểm vi mô, đại biểu Lâm Văn Đoan (Lâm Đồng) đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần tham vấn, lấy ý kiến đối thoại trực tiếp với các công ty bảo hiểm, các tổ chức bảo hiểm nước ngoài, các tổ chức bảo hiểm Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội có nhu cầu tham gia kinh doanh bảo hiểm vi mô để tìm hiểu, phân tích nhu cầu các khó khăn, rào cản trong việc thực hiện các sản phẩm bảo hiểm vi mô để từ đó xây dựng một khung pháp lý phù hợp, sát với thực tiễn.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phát biểu giải trình sau phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và bổ sung các nội dung cần thiết vào chương về bảo hiểm vi mô như điều kiện thành lập, tổ chức tương hỗ, sản phẩm, nguyên tắc hoạt động, sản phẩm bảo hiểm vi mô, nhằm bảo đảm tính khả thi phục vụ cho cuộc sống, trợ giúp người nghèo, người yếu thế.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/phat-trien-bao-hiem-vi-mo-gop-phan-bao-dam-an-sinh-xa-hoi-671736/