Phát huy vai trò tổ chức đoàn trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em

Với phương châm 'Tất cả vì đàn em thân yêu', thời gian qua, các cấp bộ đoàn trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, triển khai nhiều hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh và tạo điều kiện cho trẻ em được vui chơi, rèn luyện, phát triển toàn diện.

Tỉnh đoàn cùng các nhà tài trợ thăm, tặng quà cho trẻ em điều trị tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trong Tháng Thanh niên năm 2024, Tỉnh đoàn đã phối hợp với các nhà tài trợ tổ chức thăm, động viên, tặng quà những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Cầm trên tay món quà của Tỉnh đoàn trao tặng, chị Hà Thị Ngân (Bá Thước) - mẹ của bệnh nhân nhi đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và sơ sinh, chia sẻ: “Chúng tôi rất cảm động khi nhận được những món quà của tổ chức đoàn. Món quà giúp gia đình tôi vơi bớt khó khăn và là động lực để chúng tôi chiến đấu với bệnh tật”.

Cùng với Tỉnh đoàn, các cấp bộ đoàn, đội trên toàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thăm, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh nhân tháng thanh niên cũng như trong suốt cả năm. Có được kết quả đó, ngay từ đầu năm, các cấp bộ đoàn đã xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động chăm sóc, bảo vệ, giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng. Bám sát kế hoạch theo từng tháng, từng giai đoạn, các cấp bộ đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc, bảo vệ, giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng. Cụ thể như, tổ chức Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi 1-6; tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao; hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, xây nhà khăn quàng đỏ; thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh...

Thực hiện cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu”, từ năm 2023 đến nay các cấp bộ đoàn đã huy động được nguồn lực hỗ trợ cho hơn 53.000 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, các cơ sở đoàn đã triển khai rà soát, đánh giá chất lượng, cải tạo, xây mới các khu/điểm vui chơi, nhà vệ sinh cho trẻ em, xây nhà khăn quàng đỏ. Nhờ đó, trong năm 2023 có 110 điểm vui chơi, 58 nhà vệ sinh, 25 nhà khăn quàng đỏ được xây dựng với tổng trị giá 5,6 tỷ đồng.

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa cho trẻ em được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn triển khai thực hiện, thông qua nhiều cuộc vận động, hoạt động như: Cuộc vận động xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam; cuộc vận động xây dựng hình ảnh đẹp của thanh niên Thanh Hóa trong thời kỳ mới; diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường”; mô hình “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách, một tấm gương sáng”, ngày hội thiếu nhi “Vui khỏe, tiến bước lên đoàn”...

Các hoạt động giáo dục lịch sử, truyền thống, cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thiếu nhi thường được gắn với các ngày lễ kỷ niệm như kỷ niệm 80 năm ngày hy sinh của Anh hùng Liệt sĩ Kim Đồng - người đội trưởng đầu tiên của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Đồng thời, các cấp bộ đoàn đã triển khai hoạt động về nguồn. Thông qua các hoạt động, giúp trẻ em có nhận thức đúng, đủ về truyền thống, lịch sử cách mạng cũng như đạo đức, lối sống để có hành động đẹp và rèn luyện bản thân.

Một trong những nội dung được các cấp bộ đoàn chú ý chăm sóc, giáo dục đó là giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống xâm hại và phòng chống đuối nước trẻ em. Hằng năm, các cấp bộ đoàn đã đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức các chương trình giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống đuối nước cho trẻ em. Mỗi năm cấp bộ đoàn đã phát hàng nghìn tờ rơi và cẩm nang tuyên truyền về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn đuối nước, các biện pháp phòng ngừa, xử lý khi gặp các tình huống nguy hiểm; tổ chức nhiều buổi truyền thông, nói chuyện chuyên đề, tập huấn giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Để trẻ em được lên tiếng, thể hiện quan điểm, mong muốn của mình, các cấp bộ đoàn đã triển khai nhiều mô hình, sân chơi, câu lạc bộ cho trẻ em, như các câu lạc bộ về quyền trẻ em, đảm bảo an toàn giao thông, phòng, chống bạo lực học đường, bình đẳng giới... Thông qua các câu lạc bộ, trẻ em được vui chơi, tham gia các hoạt động; giao lưu học hỏi, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và thể hiện mong muốn của bản thân hay những lo lắng, rủi ro nguy hiểm có thể xảy ra. Đồng thời, các em được nâng cao kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, bảo vệ bản thân, kiến thức về Luật Trẻ em, quyền trẻ em. Từ đó, tổ chức đoàn, đội và đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở trở thành những người bạn thực sự của trẻ em, có thể nắm bắt phát hiện những điều bất thường xung quanh trẻ để xây dựng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ kịp thời.

Những hoạt động thiết thực của các cấp bộ đoàn đã góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng với trẻ em; giúp trẻ em cảm nhận được tình yêu thương, sẻ chia của cộng đồng, từ đó có ý thức học tập, vươn lên, trở thành người có ích. Đặc biệt, các hoạt động này đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành môi trường an toàn, lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Bài và ảnh: Quỳnh Chi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phat-huy-vai-tro-to-chuc-doan-trong-nbsp-bao-ve-cham-soc-giao-duc-tre-em-213126.htm