Phát huy vai trò tín dụng chính sách xã hội

trong xây dựng nông thôn mới Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là giải pháp chủ yếu, quan trọng và có tính chiến lược để thực hiện thành công Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để thực hiện chủ trương trên, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Thanh Hóa là đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh và NHCSXH đã thực hiện tốt chủ trương này.

Nhờ vốn tín dụng của NHCSXH tỉnh, doanh nghiệp đã có thêm vốn đầu tư nhà máy nước sạch phía Nam Nga Sơn phục vụ Nhân dân các xã trên địa bàn.

Nhờ vốn tín dụng của NHCSXH tỉnh, doanh nghiệp đã có thêm vốn đầu tư nhà máy nước sạch phía Nam Nga Sơn phục vụ Nhân dân các xã trên địa bàn.

Sau 15 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) XDNTM, Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới. Theo đó chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện, nâng cao. Kết quả đó là sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân, trong đó có NHCSXH từ tỉnh đến cơ sở. Với chức năng của mình, những năm qua, NHCSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội, tập trung nguồn lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, XDNTM, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Năm 2023, NHCSXH tỉnh đã tập trung giải ngân các chương trình tín dụng chính sách đến với người dân nhanh chóng, thuận lợi, vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư cho tất cả xã, phường, thị trấn, trong đó ưu tiên cho vay khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, biên giới. Ưu tiên nguồn vốn cho vay thực hiện 3 chương trình MTQG... Nhờ đó đã có 82 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay đạt 4.542 tỷ đồng; góp phần giúp giảm 14,6 nghìn hộ nghèo trên toàn tỉnh; thu hút, tạo việc làm cho trên 11 nghìn lao động; xây dựng trên 57 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; 751 căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác...

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã trực tiếp góp phần thực hiện 6/11 nội dung thành phần của Chương trình MTQG XDNTM và 8/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM. Riêng chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn đã giải ngân được 576 tỷ đồng để đầu tư xây dựng trên 57 nghìn công trình, dư nợ chương trình này đạt 2.268 tỷ đồng với 119 nghìn khách hàng còn dư nợ. Đây là chương trình không nhằm mục tiêu kinh doanh mà phục vụ an sinh xã hội, giúp các hộ gia đình ở nông thôn có vốn để đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp công trình nước sạch và công trình vệ sinh theo tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Qua đó, nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Chương trình tín dụng đã góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí 17.1 về tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định; tiêu chí số 17.6 về tỷ lệ hộ có nhà tắm, nhà tiêu, bể nước sinh hoạt hoặc vệ sinh, đảm bảo 3 sạch; tiêu chí số 17.7 về tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường trong bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM.

Ông Lê Hữu Quyền, Giám đốc NHCSXH tỉnh chia sẻ: Chương trình MTQG XDNTM cần nhiều nguồn lực. Chi nhánh NHCSXH từ tỉnh đến cơ sở đã không ngừng phát huy vai trò của tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu XDNTM làm cho dân cường, nước thịnh.

Bài và ảnh: Đức Vũ

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/phat-huy-vai-tro-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-33284.htm