Phát huy vai trò sáng tạo cá nhân trong kỷ nguyên mới

Góp phần tháo gỡ những 'điểm nghẽn' về nhận thức, tư duy, cơ chế, chính sách, mở ra hệ sinh thái sáng tạo sâu rộng. Đó là nội dung trọng tâm mà hội thảo khoa học chủ đề 'Định hướng phát triển văn học - nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc' hướng tới.

Nhận định chung tại hội thảo khoa học chủ đề "Định hướng phát triển văn học - nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" do Hội đồng Lý luận Trung ương vừa tổ chức, nhiều chuyên gia có chung quan điểm: việc nhận diện rõ đâu là cơ hội, đâu là thách thức sẽ giúp chúng ta có cơ sở khoa học vững chắc để xây dựng chiến lược phát triển văn học, nghệ thuật đúng đắn, tạo điều kiện sản sinh nhiều tác phẩm ưu tú, đáp ứng tốt nhu cầu thưởng thức văn học, nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân; đồng thời nâng tầm vị thế văn hóa, con người Việt Nam trên trường quốc tế.

Góp phần tháo gỡ những "điểm nghẽn" về nhận thức, tư duy, cơ chế, chính sách, mở ra hệ sinh thái sáng tạo sâu rộng. Đó là nội dung trọng tâm mà hội thảo này hướng tới.

Quang cảnh hội thảo khoa học "Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".

Quang cảnh hội thảo khoa học "Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".

Vậy "Hệ sinh thái sáng tạo sâu rộng" là gì?

Vấn đề cũng dễ được cảm nhận. Đấy chính là môi trường tốt nhất để sự sáng tạo tỏa sáng, để văn nghệ sĩ phát huy tối đa năng lực sáng tạo, từ đó có những tác phẩm ưu tú.

Lý do cần một "hệ sinh thái sáng tạo sâu rộng" thì PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương nói rõ trong hội thảo này là Việt Nam đã hội đủ các điều kiện cần thiết để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Cùng với những đổi mới và chuyển động quyết liệt, mạnh mẽ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội..., thì sự phát triển của văn học, nghệ thuật có vai trò to lớn trong việc khơi dậy cảm hứng và ý chí tự lực, tự cường, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, đặc biệt là phát huy sức mạnh văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam khi bước vào kỷ nguyên mới, đưa đất nước đi tới hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, tất cả vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Còn nhớ, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam tổ chức, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định: dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn học, nghệ thuật Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu quan trọng, từ tư duy lý luận đến thực tiễn sáng tạo, phương thức truyền bá và xu hướng tiếp nhận. Tuy nhiên, "nền văn học, nghệ thuật nước nhà phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và đang phải đối diện với những thách thức gay gắt".

Điều này cũng được làm rõ hơn tại hội thảo khoa học chủ đề "Văn học, nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh: 50 năm tự hào bản anh hùng ca" do Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật TP Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức cuối tháng 6/2025. Và, như phát biểu của NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học, nghệ thuật TP Hà Nội: "Vẫn còn thiếu những tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm, phản ánh công cuộc đổi mới của nhân dân. Đội ngũ văn nghệ sĩ trưởng thành trong cơ chế bao cấp chậm thích ứng với cơ chế thị trường nên hạn chế đến mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa".

Nhưng, vấn đề là ở chỗ, những giải pháp nào để văn học, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ hơn, để từ đó có những "tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm"?

Có một "hệ sinh thái sáng tạo sâu rộng" và những chính sách hỗ trợ từ nhà nước thì đời sống của văn nghệ sĩ sẽ tốt hơn, tác phẩm cũng được đầu tư tốt hơn... Nhưng, vấn đề tác phẩm được sáng tạo ra có "đáp ứng tốt nhu cầu thưởng thức văn học, nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân", có đủ sức để "nâng tầm vị thế văn hóa, con người Việt Nam trên trường quốc tế" hay không, thì phải bắt đầu từ chính khả năng tư duy của tác giả, vì sự sáng tạo trước hết là ở chính bản thân văn nghệ sĩ.

Như PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam phát biểu tại hội thảo "Định hướng phát triển văn học - nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" thì cần "xác định sứ mệnh cao cả của văn nghệ sĩ và phát huy vai trò cá nhân sáng tạo trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" và phải "không ngừng nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp, tính độc đáo, tính dân tộc và tính hiện đại của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong hội nhập quốc tế với bản sắc riêng của dân tộc".

Đảng, Nhà nước đang có những đổi mới rất mạnh mẽ để thực hiện chiến lược về công nghiệp văn hóa, cùng với đó là những chính sách kích cầu phát triển văn học, nghệ thuật trong giai đoạn mới. Cho nên, đây là thời điểm rất cần "vai trò cá nhân sáng tạo" phát huy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: "Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Đã là chiến sĩ thì không phải đợi đến lúc được trang bị vũ khí tối tân mới chứng tỏ được lòng yêu nước.

Lương Duy Cường

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/phat-huy-vai-tro-sang-tao-ca-nhan-trong-ky-nguyen-moi-i775030/