Phát huy tiềm năng giá trị cây bí xanh thơm
Huyện Ba Bể không chỉ nổi tiếng với hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam, mà còn là vùng đất có nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng, trong đó cây bí xanh thơm đang dần khẳng định được vị thế trên thị trường. Với hương vị thơm ngon đặc biệt, cây bí xanh thơm đang được phát triển theo hướng hàng hóa, gắn với xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị.

Một góc vùng trồng bí xanh thơm của xã Yến Dương.
Từ cây trồng truyền thống đến sản phẩm chủ lực
Bí xanh thơm đã được người dân Ba Bể trồng từ lâu đời, chủ yếu tại các xã Mỹ Phương, Yến Dương, Thượng Giáo, Địa Linh, Khang Ninh… Trong điều kiện khí hậu mát mẻ, đất đai phù hợp, giống bí này sinh trưởng tốt, cho quả có hình dáng đẹp, cùi dày, thơm nhẹ, khi nấu chín có vị ngọt thanh, rất được thị trường ưa chuộng.

Những giàn bí trĩu quả của người nông dân trồng bí xã Địa Linh.
Những năm gần đây, huyện Ba Bể có kế hoạch gieo trồng 150ha diện tích bí xanh thơm, tuy nhiên thực tế thực hiện đều vượt kế hoạch. Như năm 2024 đạt trên 190ha, lý do vượt diện tích là người dân nhận thấy được tiềm năng, giá trị của loại cây này. Bình quân giá bán đạt từ 10 đến 15 nghìn đồng/kg, sản lượng đạt khoảng 35 tấn/ha, loại cây này đã mang về tiền tỷ cho người dân vùng trồng bí.

Vùng trồng bí xanh thơm ở Yến Dương và Địa Linh đã bước đầu thu hút được khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và mua sản phẩm bí.
Từ chỗ chỉ trồng nhỏ lẻ phục vụ gia đình, những năm gần đây, chính quyền huyện Ba Bể đã định hướng phát triển bí xanh thơm trở thành cây trồng hàng hóa chủ lực trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Huyện đã hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình trồng trọt an toàn, VietGAP và kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, sản phẩm bí xanh thơm Ba Bể đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh và đang hướng tới nâng hạng sao, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và tiềm năng xuất khẩu. Một số hợp tác xã và tổ hợp tác trồng bí được hình thành và hoạt động hiệu quả, giúp liên kết nông dân với doanh nghiệp, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Sản phẩm bí xanh thơm cũng được chế biến thành trà bí, bí sấy…để cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh.

Thương hiệu trà bí thơm, sản phẩm chứng nhận OCOP 3 sao đã có mặt tại nhiều thị trường lớn trong cả nước.
Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, huyện cũng khuyến khích xây dựng bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm bí xanh thơm nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Sản phẩm hiện đã có mặt tại nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản sạch tại Hà Nội và các thành phố lớn.
Hướng tới phát triển bền vững
Theo đánh giá của đồng chí Phạm Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể chia sẻ: Hiện nay, huyện đang tiếp tục thúc đẩy các giải pháp nhằm nhân rộng diện tích trồng bí xanh thơm theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ bí như: mứt, nước ép, bột bí xanh... góp phần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng. Huyện cũng chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ lâu dài để bảo đảm đầu ra cho nông dân trồng bí xanh thơm.
Ngoài ra, việc gắn phát triển bí xanh thơm với sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm tại các vùng trồng cũng được xem là một hướng đi triển vọng, tạo điểm nhấn cho du khách khi đến với vùng hồ Ba Bể. Mặc dù vậy, việc phát triển, tăng diện tích phải nhằm bảo đảm phù hợp với thị trường tiêu thụ.
Với tiềm năng lớn và định hướng đúng đắn, cây bí xanh thơm đang thực sự trở thành “cây trồng làm giàu” của nông dân huyện Ba Bể. Việc phát huy giá trị đặc sản này không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn góp phần đưa nông nghiệp địa phương phát triển bền vững, gắn với xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh nông sản đặc hữu của tỉnh Bắc Kạn./.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/phat-huy-tiem-nang-gia-tri-cay-bi-xanh-thom-post70496.html