Phát huy thế mạnh 'đất trăm nghề'

Sáng 25/5, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, đã đi thăm, kiểm tra công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Thường Tín; công tác phòng, chống dịch Covid-19 và kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết: Đến hết năm 2019, huyện đã có 28/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 1 xã (Hồng Vân) đạt nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 49,5 triệu đồng và phấn đấu năm 2020 đạt 54 triệu đồng/người/năm. Huyện cũng tập trung phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, quy mô lớn. Đến nay, trên địa bàn huyện có 15 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, 6 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Phát huy thế mạnh của “đất trăm nghề”, Thường Tín đã tập trung xây dựng nhãn hiệu tập thể và thương hiệu các làng nghề, như điêu khắc ở Nhân Hiền (xã Hiền Giang), mộc cao cấp Vạn Điểm, hoa cây cảnh tại Vân Tảo và Hồng Vân... Cùng với đó, huyện đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP. Năm 2019 đã công nhận cho 22 sản phẩm đạt 4 sao; năm 2020 dự kiến đánh giá, phân hạng cho 59 sản phẩm...

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Tín.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Tín.

Về các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, qua rà soát, huyện đã đạt 9/9 tiêu chí. Hiện nay, huyện đã hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả xây dựng nông thôn mới, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử huyện để lấy ý kiến Nhân dân và tổ chức lấy ý kiến của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Sau khi hoàn thành lấy ý kiến, huyện sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, gửi Thành phố đầu tháng 6/2020. Ngoài ra, huyện đã đầu tư 14 tỷ đồng cho 4 xã (Vạn Điểm, Hà Hồi, Văn Bình, Nhị Khê) để hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao vào tháng 10/2020.

Về công tác tổ chức Đại hội Đảng các cấp, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thường Tín Phùng Văn Quốc cho biết, tính đến hết ngày 23/5/2020, đã có 22/54 (chiếm 40,7%) tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy tổ chức thành công Đại hội. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 và tổ chức 4 lần xin ý kiến. Công tác nhân sự được thực hiện bảo đảm đúng tiêu chuẩn, chất lượng, cơ cấu. Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Tín dự kiến thời gian tổ chức Đại hội Đảng bộ huyện trong 3 ngày (từ 27 đến 29/7/2020).

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, kết quả mà Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Thường Tín đã đạt được trong 5 tháng đầu năm. “Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhưng kinh tế của huyện vẫn phát triển; an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được đảm bảo”, Trưởng đoàn công tác nhấn mạnh.

Về kết quả thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy ghi nhận Thường Tín đã quan tâm, phát triển các làng nghề, sản phẩm OCOP, tạo điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới. Huyện cũng chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chuỗi liên kết; phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Mặc dù xuất phát điểm còn khó khăn, song đến nay, hạ tầng giao thông, các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đánh giá cao cả hệ thống chính trị huyện Thường Tín đã vào cuộc tích cực, chủ động; thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các chỉ đạo của Trung ương, Thành phố trong phòng, chống dịch Covid-19. Mặc dù trên địa bàn huyện có 2 trường hợp dương tính, nhưng không để lây lan trong cộng đồng. Cùng với đó, huyện đã triển khai nghiêm túc, công khai, minh bạch gói hỗ trợ của Chính phủ đối với người khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Trưởng đoàn công tác cũng ghi nhận Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Tín đã chủ động triển khai công tác chỉ đạo, tổ chức Đại hội Đảng các cấp; thành lập 4 tiểu ban (trong đó, có tiểu ban giải quyết đơn thư) và thành lập 10 đoàn công tác chỉ đạo Đại hội Đảng các cấp. Tuy vậy, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý, huyện cần tiếp tục nắm chắc địa bàn, nhất là những nơi còn tiềm ẩn phức tạp, có đơn thư khiếu nại để kịp thời giải quyết, ổn định tình hình sớm và ngay từ cơ sở.

Nhấn mạnh một số nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu huyện Thường Tín tập trung, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu của Chương trình 02-CTr/TU để trong năm Thường Tín về đích huyện nông thôn mới. Trong đó, cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, huy động sự vào cuộc của toàn dân trong xây dựng nông thôn mới. Huyện cũng phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp trong năm nay trên 4,6%; trước mắt, kịp thời thu hoạch vụ Xuân và chuẩn bị triển khai vụ mùa; phát triển mạnh hơn về chăn nuôi, tập trung tái đàn lợn gắn với làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong trồng trọt, chăn nuôi.

Đặc biệt, huyện cần phát huy thế mạnh “Đất trăm nghề” gắn với du lịch sinh thái. Muốn vậy, huyện cần đẩy mạnh hơn công tác thông tin, tuyên truyền về các làng nghề trên địa bàn. “Huyện cần có đề án hoặc đề tài để hỗ trợ, tuyên truyền, quảng bá và công nhận các sản phẩm OCOP của huyện, phấn đấu có thêm 100 sản phẩm OCOP được công nhận trong năm nay”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu. Ngoài ra, huyện cần rà soát, xây dựng quy hoạch các điểm dân cư nông thôn, trung tâm xã, tiệm cận với phát triển đô thị.

Riêng với xã Hồng Vân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Phụ nữ Thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án nông thôn mới Tràng An để Thành phố phê duyệt, trong đó phải lấy yếu tố văn hóa làm nền tảng, lấy con người làm trung tâm. Trên cơ sở xây dựng điểm du lịch sinh thái kết hợp làng nghề tại Hồng Vân là cơ sở để Thành phố nhân rộng sang các địa phương khác.

Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh yêu cầu mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Cùng với phòng, chống dịch Covid-19, huyện cần triển khai các hoạt động khôi phục, phát triển kinh tế, gắn với triển khai nghiêm túc, công khai, minh bạch các gói hỗ trợ và chủ động triển khai phòng, chống dịch bệnh mùa Hè...

Về công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung rà soát, tổ chức tốt việc lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện; bám sát dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố, phù hợp với đặc thù của huyện là vùng đất danh hương, có nhiều làng nghề truyền thông...

Trên cơ sở đó, văn kiện phải đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế và đề ra những giải pháp đột phá để huyện phát triển trong nhiệm kỳ tới. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng lưu ý Ban Thường vụ Huyện ủy chuẩn bị kỹ công tác nhân sự, nhất là bảo vệ chính trị nội bộ, không để lọt những cán bộ không đủ tiêu chuẩn vào cấp ủy các cấp. Chậm nhất đầu tháng 7/2020, Ban Thường vụ Huyện ủy phải báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy Đề án nhân sự của huyện. Cùng với đó, chủ động chuẩn bị tốt các hoạt động trang trí, khánh tiết để Đại hội thực sự là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng...

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phat-huy-the-manh-dat-tram-nghe-108697.html