Phát huy tập tục tốt đẹp các DTTS: Bài 1- Những phong tục thể hiện sự bình đẳng

Trong cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam, mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán riêng. Đa số đều là thuần phong, mỹ tục có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều phong tục, tập quán có tác động đến kể đến thúc đẩy bình đẳng giới.

 Các thí sinh thuộc Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa tại Liên hoan các mô hình sáng tạo trong truyền thông phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các DTTS - tháng 3/2024.

Các thí sinh thuộc Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa tại Liên hoan các mô hình sáng tạo trong truyền thông phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các DTTS - tháng 3/2024.

Phong tục tập quán trong đời sống hôn nhân, gia đình

Trong văn hóa gia đình của các dân tộc thiểu số, có khá nhiều tập quán tốt đẹp cần được gìn giữ, phát huy trong bối cảnh hiện nay. Trước hết, đó là mối quan hệ gia đình giữa các cặp quan hệ: vợ - chồng, cha mẹ - con cái, ông bà – cha mẹ - con – cháu.

Trong tất cả các mối quan hệ này, tình thân, tình ruột thịt được gắn kết bằng những biểu hiện của tình cảm, sự thân thiết, gần gũi và rất quan trọng với mỗi cá nhân trong gia đình. Ở tất cả các dân tộc thiểu số, vai trò người cha là chủ và giữ vai trò quản lý. Vì vậy, toàn bộ hoạt động sản xuất, sinh hoạt và mối quan hệ với các thành viên ngoài gia đình đều do chủ gia đình chi phối. Người mẹ quản lý thu nhập và chi tiêu. Phân công lao động được thực hiện khá rõ ràng cho từng thành viên. Người vợ hoặc con dâu thường dậy sớm nhất để nấu cơm, cho lợn, gà ăn và chuẩn bị thức ăn bữa trưa cho cả gia đình đi làm nương. Ngoài vai trò quản lý chung trong gia đình, người cha thường đảm nhiệm những công việc nặng nhọc, như đi làm thuê hoặc đánh bắt cá. Người mẹ thường lo toan mỗi khi trong nhà hết lương thực, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Sự phân công lao động hợp lý trong mỗi gia đình đã gắn kết các thành viên của gia đình theo đặc trưng giới và vai trò giới. Mỗi thành viên trong gia đình có sự gắn kết với nhau khi làm việc nhà.

Các thí sinh thuộc Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa tại Liên hoan các mô hình sáng tạo trong truyền thông phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các DTTS - tháng 3/2024.

Các thí sinh thuộc Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa tại Liên hoan các mô hình sáng tạo trong truyền thông phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các DTTS - tháng 3/2024.

Người nam giới tuy làm những công việc nặng nhưng cũng rất tích cực và chủ động làm việc nhà. Một số tộc người có tập quán hai vợ chồng thường đi làm cùng nhau, kể cả khi trẻ hay đã về già. Sự chia sẻ, thái độ chăm sóc, ứng xử của những cặp vợ chồng lớn tuổi là tấm gương cho con cháu về bình đẳng giới trong mọi hoạt động của gia đình. Một trong những tập quán được tất cả các dân tộc thiểu số coi trọng, đó là các giá trị về chung thủy, tôn trọng, yêu thương và chia sẻ. Đây là những giá trị quan trọng để đảm bảo hạnh phúc của các cặp vợ chồng, của gia đình trong tất cả các mối quan hệ.

Hiện nay, gia đình của người Mường chủ yếu là gia đình hạt nhân với bố mẹ và con cái. Các gia đình mở rộng có nhiều cặp vợ chồng chỉ còn lại rất ít ở các xã vùng xa, vùng sâu. Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình còn được lưu giữ khá chặt chẽ, có tính giáo dục cao. Các thành viên trong gia đình luôn quan tâm, có trách nhiệm giúp đỡ nhau và hỗ trợ nhau cùng làm ăn kinh tế, hòa thuận nuôi dạy con cái.

Gia đình ở người Thái luôn tồn tại song song gia đình nhỏ và gia đình lớn, bao gồm cặp vợ chồng cùng các con cái hoặc bố mẹ già. Trong gia đình nhỏ mang tính chất phụ quyền đó, quyền hành tập trung vào người chồng, người cha. Tuy nhiên, địa vị của người phụ nữ Thái cũng được đề cao, nhất là trong quan niệm nuôi dạy và giáo dục các thành viên trong gia đình. Gia đình lớn có nhiều cặp vợ chồng có chung một hệ thống thân tộc từ 3- 4 đời thường cư trú liền kề nhau, thậm chí còn ở chung dưới một mái nhà sàn. Trong gia đình lớn, chú bác, anh em họ đều coi nhau như ruột thịt, có trách nhiệm giúp đỡ nhau trong làm ăn, sản xuất và ốm đau, bệnh tật. Các thành viên trong gia đình sống hòa thuận, biết nhường nhịn và chăm sóc lẫn nhau.

Gia đình người Mông mang đặc trưng của gia đình phụ hệ với vai trò quyết định của người đàn ông. Trong gia đình, quyền hành tập trung ở người chồng, người cha nhưng vị thế của người phụ nữ cũng được coi trọng, đặc biệt là vị trí của người bà, người mẹ, người cô trong gia đình. Trong gia đình người Mông luôn có sự bàn bạc, thống nhất và bình đẳng giữa vợ và chồng. Người đàn ông có thể có vai trò quyết định một số công việc đối ngoại nhưng người phụ nữ lại có có vai trò quán xuyến các công việc sản xuất, sinh hoạt trong gia đình.

Gia đình các dân tộc Môn – Khơ me như Khơ me, Khơ mú, Xinh Mun… không có sự khác biệt lớn giữa vai trò người đàn ông và người phụ nữ. Trong gia đình, người cha là chủ và giữ vai trò tổ chức sản xuất, người mẹ quản lý thu nhập và chi tiêu. Các công việc trong gia đình thường có sự bàn bạc thống nhất và chia sẻ với nhau.

Trong mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là vai trò của cha mẹ thì sự giáo dục, dạy bảo của cha mẹ đối với con cái theo cách truyền thống vẫn còn giữ một vị trí quan trọng. Chính vì vậy, mô hình tự quản, giúp đỡ nhau trong làm ăn kinh tế cũng như hỗ trợ sinh hoạt, tinh thần của gia đình có xu hướng bình đẳng giới có khá phổ biến ở vùng dân tộc thiểu số. Đối với gia đình dân tộc thiểu số, con cái thường nghe lời dạy bảo của cha mẹ, anh chị em trong gia đình có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và cũng nhờ mối quan hệ chặt chẽ đó, các gia đình sớm phát hiện và ngăn chặn được các hành vi bạo lực gia đình, phân biệt, định kiến giới, đặc biệt là đối với nhóm tuổi thanh niên.

Trong hôn nhân, gia đình, một số phong tục tập quán tốt đẹp đã có những ảnh hưởng tích cực đến bình đẳng giới ở các dân tộc thiểu số. Ngày nay, đối với các dân tộc thiểu số, việc cưới hỏi đã có những đổi thay theo nếp sống văn hóa mới. Gần như không còn cảnh "bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy" hay cảnh bố mẹ ép buộc con phải tuân theo sự quyết định của mình nữa như của nhiều dân tộc thiểu số trước đây mà đôi trẻ được tự do yêu đương và xin ý kiến bố mẹ. Các cặp đôi trẻ có thể tự tìm hiểu, tự lựa chọn và về báo cáo với cha mẹ để chính thức tổ chức lễ cưới. Tập quán này đã phần nào xóa bỏ dần quan niệm về việc ép cưới, ép gả và khuôn mẫu lựa chọn vợ chồng theo quan niệm truyền thống. Sự thay đổi trong nhận thức và tập quán cưới hỏi đã phần nào làm tăng lên cơ hội bình đẳng giới trong hôn nhân và gia đình, đặc biệt là các cặp đôi trẻ tuổi.

Các thí sinh thuộc Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên tại Liên hoan các mô hình sáng tạo trong truyền thông phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các DTTS - tháng 3/2024.

Các thí sinh thuộc Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên tại Liên hoan các mô hình sáng tạo trong truyền thông phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các DTTS - tháng 3/2024.

Phong tục tập quán trong lao động, sản xuất

Để đảm bảo được sự bình đẳng, đặc biệt là bình đẳng giới trong gia đình và cộng đồng, các phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số còn được biểu hiện ở các cấp độ khác nhau.

- Cấp độ gia đình: nhiều phong tục tập quán thể hiện sự tương trợ, giúp đỡ nhau giữa vợ và chồng, giữa những người ruột thịt (thường trong phạm vi 3 đời trở lại tính theo dòng cha). Những hộ trong phạm vi quan hệ như vậy, nếu hộ nào trong số đó còn gạo ăn, thì hộ bị thiếu có thể đến xin hoặc vay không thời hạn. Nếu vay tiền thì có thể vay dài ngày, không tính lãi. Trường hợp giúp nhau công làm nhà, làm rẫy, người được giúp không bắt buộc phải đãi cơm, rượu. Anh em trong gia đình có thể cho nhau bò giống, lợn giống; hoặc cho nuôi hộ rồi khi con vật sinh con, sẽ chia đôi số con cho người có giống và người nuôi. Do vậy, lúc đói kém, hoạn nạn, anh em trong gia đình là đối tượng cậy nhờ đầu tiên. Lúc ốm đau, ngoài giúp nhau về vật chất (tiền, gạo, đường, sữa), họ còn có trách nhiệm chăm sóc người ốm (đặc biệt là lúc điều trị ở bệnh viện). Do vậy, ở các bệnh viện cấp huyện, tỉnh, mỗi khi có người dân tộc thiểu số ốm đau thường rất đông người nhà đến chăm sóc. Chính từ những tập quán này, sự khác biệt và định kiến giới trong gia đình cũng phần nào thay đổi, không còn coi trọng vai trò trụ cột, kiếm tiền từ nam hay nữ, người làm công việc nặng hay nhẹ và có sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau khi cần thiết.

- Cấp độ họ hàng: Đồng bào thường có cách ứng xử khác nhau với hai loại họ hàng: họ hàng gần và họ hàng xa, kể cả nội và ngoại. Những người có quan hệ trong phạm vi 3 đời trở đi, tính theo dòng cha hay dòng mẹ được coi là họ hàng. Với mối quan hệ này, nếu thiếu lương thực có thể đến vay của những người trong họ, song đến mùa phải trả. Nếu ai được giúp công lấy gỗ, làm nhà, làm rẫy phải đãi cơm trưa. Nếu vay lợn, gà giống phải trả bằng tiền hoặc bằng con giống. Với người thuộc họ xa, khi vay mượn phải có chút lễ mọn. Chẳng hạn, nếu vay đến tiền triệu, người đi vay ít khi đến tay không mà thường mang theo chai rượu, gói thuốc lá để biếu người cho vay. Khi giúp nhau làm nhà, phát nương, trỉa hạt... thì phải khoản đãi cơm rượu tươm tất, nếu không sẽ bị chê cười là keo kiệt, không quí trọng anh em họ mạc. Trong mối quan hệ họ hàng, không phân biệt là họ hàng bên cha hay bên mẹ. Cứ có quan hệ họ hàng là có thể giúp đỡ, không phân biệt giới tính. Những tập tục giúp đỡ, chia sẻ hai bên họ hàng cả bên cha và bên mẹ tạo nên sự gắn kết và là chỗ dựa khi gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn. Từ đó, gánh nặng về chức năng giới đã được giải quyết trong tình huống người nam giới hay người phụ nữ trong gia đình không thể đảm đương được vai trò và vị trí của mình trong gia đình.

- Cấp độ cộng đồng: Khi có việc như sản xuất, làm nhà mới... nếu hộ nào cần nhiều nhân công, ngoài nhờ dòng họ, còn nhờ cả dân bản. Họ cũng có thể vay mượn tiền hoặc thóc gạo của người trong bản, song phải có chút quà, như chai rượu, bao thuốc lá... Ngoài ra dân bản còn hỗ trợ nhau lúc ốm đau, trong đám tang hay giúp người có hoàn cảnh cô đơn. Trong những trường hợp này, các hộ gia đình trong bản thường quyên góp gạo hoặc tiền, mặc dù rất ít ỏi nhưng cũng là sự động viên lớn đối với gia chủ. Nếu giúp công, gia chủ không phải trả lại công mà chỉ cần đãi người giúp bữa cơm, hoặc nếu khó khăn thì cũng không cần thiết phải trả lại công. Sự giúp đỡ này không phân biệt giới tính, lứa tuổi. Nếu là nam giới sẽ giúp đỡ những việc nặng phù hợp với người đàn ông như chặt gỗ, vận chuyển, xây dựng,... người phụ nữ làm những công việc nhẹ hơn như nấu cơm, dọn dẹp, cắt cỏ gianh...

Phong tục tập quán trong cộng đồng, xã hội

Thiết chế xã hội truyền thống của các dân tộc có vai trò quan trọng trong giữ gìn sự ổn định của xã hội, trong đó có thúc đẩy bình đẳng giới. Nhờ các thiết chế xã hội mà các quan hệ xã hội kết hợp lại với nhau, đảm bảo cho các cộng đồng hoạt động nhịp nhàng. Một trong những công cụ quản lý xã hội rất mạnh trong cộng đồng các DTTS, đó là luật tục. Luật tục là những quy ước ứng xử, những chuẩn mực đạo đức hình thành trong quá trình phát triển dựa trên hệ thống luật tục, phong tục tập quán cụ thể. Một số luật tục, tập quán quy định rõ cách ứng xử không phân biệt giới tính trong một số hoạt động bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, khai thác tài nguyên thiên nhiên. Ví dụ, luật tục Thái đảm bảo sự ổn định của xã hội Thái do có những quy định rõ ràng về vấn đề sở hữu, sử dụng, khai tác tài nguyên trong nội bộ bản mường cũng như giữa các bản mường với nhau. Luật tục Thái quy định cụ thể về việc quản lý trật tự, an ninh, về tang ma, cưới xin, lễ hội... góp phần hướng các thành viên bản mường hành động theo "thuần phong mỹ tục", giữ ổn định xã hội, trong đó có sự bình đẳng giữa nam và nữ. Các mối quan hệ trong gia đình, cộng đồng và mối quan hệ giữa con người với con người nói chung.

Dựa vào vai trò của người già, người có uy tín trong dòng họ để khuyên giải, giúp đỡ những người vi phạm về bạo lực gia đình, có hành vi ứng xử không phù hợp sớm nhận ra sai lầm của mình. Đặc biệt là khuyến khích, động viên vợ, con của những người vi phạm giúp đỡ để ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình đồng thời hạn chế những mâu thuẫn trong gia đình. Theo phong tục của người Mông, vào dịp tết cổ truyền dân tộc, các gia đình, dòng họ tổ chức các buổi họp để nghe người già, người có uy tín trong gia đình, dòng họ tổng kết lại các hoạt động trong năm, khuyên bảo, nhắc nhủ con cháu trong sinh hoạt và làm ăn. Đối với lễ Shầu shu của dòng họ, những người có hành vi xấu như bạo lực gia đình, không yêu thương chăm sóc vợ con, ngoại tình hay bỏ bê việc nhà thường được khuyên bảo, nhắc nhở.

Một số lễ hội của các dân tộc thiểu số cũng phần nào thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình. Ví dụ Kin tó khọ ngày tết, một nét sinh hoạt văn hóa của nam nữ thanh niên người Thái: Hàng năm, cứ vào mỗi độ tết đến, khi hoa đào, hoa vông thắm, hoa ban, hoa mận trắng nở khắp trên các bản mường, cũng là lúc gái trai ở bản mường Thái lại háo hức nghĩ đến chuyện hẹn rủ nhau cùng mang rượu, thức ăn tới góp chung vui liên hoankin tó khọ. Đây là dịp để dân bản, đặc biệt là trai gái cùng nhau chia sẻ và sinh hoạt văn hóa tinh thần. Trong những dịp vui này, sự gắn kết giữa con người với con người được thúc đẩy và những thói quen xấu, hành vi không lành mạnh sẽ bị cộng đồng lên án, loại bỏ.

Bài sau: Một số giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới

PGS.TS Đặng Thị Hoa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phat-huy-tap-tuc-tot-dep-cac-dtts-bai-1-nhung-phong-tuc-the-hien-su-binh-dang-20240526164253891.htm