Phát huy hiệu quả bể bơi trong trường học

Bể bơi trong trường học không chỉ đáp ứng nhu cầu của học sinh trong trường mà còn thu hút được khá nhiều thiếu nhi ở nơi khác đến…

Khởi động trước khi bơi của học sinh Trường Mầm non, Tiểu học và THCS Nobel (TP Thanh Hóa).

Trang bị cần thiết

Buổi sáng mùa hè trung tuần tháng 6, tại bể bơi của Trường Phổ thông Triệu Sơn (Triệu Sơn), gần 30 học sinh đến học bơi thì có 2/3 là học sinh nhà trường, còn lại là học sinh ở các trường khác đóng trên địa bàn huyện. Trong số đó có em Nguyễn Văn Hiếu, dù không phải học sinh Trường Phổ thông Triệu Sơn nhưng em cũng đến đây để đăng ký học bơi. Hôm nay là buổi tập thứ 3 của Hiếu. “Nhà em ở cách đây hơn 10 km. Mẹ đã chở em đến đây. Em rất vui khi tham gia khóa học bơi này để phòng chống đuối nước, nâng cao sức khỏe”, Nguyễn Văn Hiếu cho biết.

Trường Phổ thông Triệu Sơn là trường có bể bơi đầu tiên ở huyện Triệu Sơn. Đến thời điểm hiện tại, cũng là duy nhất. Năm học 2021-2022, bể bơi này chính thức đi vào hoạt động. Bể bơi được xây trong nhà với diện tích 200 m2, bảo đảm các quy chuẩn bể bơi trường học. Vào dịp hè, tại bể bơi này, có hàng trăm học sinh trong và ngoài nhà trường đến học bơi. Đặc biệt, Trường Phổ thông Triệu Sơn đã đưa môn bơi lội vào giờ học chính khóa. Thầy giáo Lê Bật Liêm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là tất cả học sinh nhà trường, từ tiểu học, THCS, THPT phải biết bơi. Sau khi kết thúc chương trình tiểu học, 100% học sinh phải có kỹ năng bơi lội”.

Cách đây 4 năm, bể bơi Trường Mầm non, Tiểu học và THCS Nobel tại Khu đô thị Đông Sơn, phường An Hoạch (TP Thanh Hóa) được đầu tư, xây dựng. Bể bơi chủ yếu phục vụ học sinh trong trường. Ngoài ra, còn đáp ứng nhu cầu đến bơi và học bơi của học sinh ở các địa bàn lân cận. Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Ngọc, có con học tại lớp Hoa 1 Trường Mầm non, Tiểu học và THCS Nobel (năm học 2022-2023) thì sự ra đời của bể bơi ngay trong trường học có vai trò quan trọng. Chị nói: “Năm 4 tuổi, con tôi bắt đầu tham gia học bơi tại trường. Hiện con rất tự tin với kỹ năng bơi lội của bản thân. Tôi cho rằng, đây là trang bị rất cần thiết, không thể thiếu đối với con trẻ”.

Ở Trường Mầm non, Tiểu học và THCS Nobel, riêng đối với cấp mầm non và tiểu học, 1 tuần có 2 buổi dạy kỹ năng bơi lội cho học sinh. Theo đó, thứ 3, 5 dành cho học sinh mầm non và thứ 2, 6 dành cho học sinh tiểu học. Hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Dương Thị Hồng Thơm cho biết: “Chúng tôi thường tổ chức những buổi chuyên đề về phòng chống đuối nước. Ở đó không chỉ có dạy bơi mà dạy cả kỹ năng phòng, chống và cứu người bị đuối nước”.

Khó khăn

Tại Việt Nam, đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em. Mỗi năm, có gần 2.000 trẻ đuối nước. Vì vậy, sự ra đời bể bơi trong trường học thực sự cần thiết. Tuy nhiên, theo thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo thì hiện toàn tỉnh chỉ mới có hơn 30 trường học có bể bơi, chủ yếu là các trường ngoài công lập. Trong đó, TP Thanh Hóa có 17 trường, phần lớn là bể bơi cứng. Ông Trịnh Trung Kiên, viên chức Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thanh Hóa cho biết: “Các bể bơi đặc biệt là bể bơi của trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố thực sự phát huy hiệu quả. Học sinh được tham gia học bơi trong chương trình môn học tự chọn Giáo dục thể chất. Các em học sinh và phụ huynh rất đồng tình hưởng ứng…”.

Một buổi học bơi của học sinh Trường Phổ thông Triệu Sơn tại bể bơi của nhà trường.

Như đã đề cập, số lượng bể bơi tại các trường học trên địa bàn tỉnh vẫn là con số khiêm tốn. Bởi vì đầu tư xây dựng một bể bơi cần nhiều kinh phí, như đặt một bể bơi lắp ghép cũng phải cần vài trăm triệu đồng, đấy là chưa kể kinh phí duy trì, bảo vệ, vận hành sau này. Bên cạnh đó, trường phải có quỹ đất đủ rộng, đội ngũ giáo viên có trình độ… Do đó, việc phổ cập môn bơi cho học sinh vẫn là bài toán khó. Cũng cần khẳng định, với sự ra đời của các bể bơi trong trường học, việc áp dụng đưa môn bơi vào thời khóa biểu tại một số nhà trường đã mang lại những hiệu ứng tích cực, thực sự phát huy hiệu quả.

Công tác phòng, chống đuối nước trẻ em là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chương trình quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ. Bể bơi trong trường học là địa điểm tiếp cận gần nhất, mang lại hiệu quả lớn. Theo đó, sẽ rất cần sự nhân rộng mô hình để góp phần bảo đảm an toàn cho học sinh trong môi trường nước.

Bài và ảnh: Vi An

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/phat-huy-hieu-qua-be-boi-nbsp-trong-truong-hoc/27782.htm