Phát huy bài học đoàn kết trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc

Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Sức mạnh đại đoàn kết đã được minh chứng trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, đặc biệt là Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, việc chăm lo, phát huy tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết càng cần được quan tâm, chú trọng để tạo thế nhân hòa, xây dựng đất nước ngày càng cường thịnh. Báo Quân đội nhân dân giới thiệu một số ý kiến của bạn đọc xung quanh vấn đề này.

Đồng chí NGUYỄN THỊ THƠM, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An): Gắn bó mật thiết với nhân dân

Hưng Nguyên là một trong những địa phương giàu truyền thống cách mạng. Đây là nơi khởi nguồn của cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, tiêu biểu là cuộc nổi dậy của hàng vạn nông dân vào ngày 12-9-1930. Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, nhân dân Hưng Nguyên dưới sự lãnh đạo của Đảng đã một lòng đoàn kết đứng lên giành chính quyền. 78 năm trôi qua, những bài học, kinh nghiệm trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. Trong đó, các nhân tố như sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc có giá trị thời đại.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Nguyên luôn nêu cao bài học “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn nhiều” của Cách mạng Tháng Tám. Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Hưng Nguyên đã có nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết; thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đối thoại, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được huyện đặc biệt quan tâm nhằm phát huy năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và củng cố niềm tin của nhân dân. Ban Thường vụ Huyện ủy Hưng Nguyên đã triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nhất là các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện quy định về đạo đức công vụ, tăng cường phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên... Nhờ đó, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hưng Nguyên đã đoàn kết, thống nhất cao, là một trong những địa phương có hệ thống chính trị vững mạnh; tốc độ tăng trưởng 10 năm gần đây đạt bình quân khoảng 10%/năm; không xảy ra các điểm nóng về an ninh-trật tự; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Đồng chí NGÔ HOÀI NAM, Phó chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng (Nam Định): Lương - giáo đoàn kết xây dựng địa phương giàu mạnh

Những năm qua, việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy vai trò tích cực của đồng bào có đạo là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghĩa Hưng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ. Do có sự đoàn kết, nhất là đoàn kết lương-giáo nên các nhiệm vụ chính trị của địa phương đều được thực hiện có hiệu quả. Riêng trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh nâng cao và kiểu mẫu, đồng bào lương-giáo đã đóng góp hàng trăm triệu đồng và hàng trăm nghìn ngày công lao động, hàng nghìn mét vuông đất. Bà con cũng mạnh dạn đầu tư vốn giúp nhau phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, tạo ra các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Nhờ có sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của nhân dân nên huyện Nghĩa Hưng đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo đúng lộ trình với 100% xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 70 thôn, xóm, tổ dân phố đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 3 xã và 3 thị trấn đang tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị văn minh. Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông cũng đã được đầu tư xây dựng với nhiều dự án trọng điểm, điển hình như: Dự án đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định đến đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình tại nút giao Cao Bồ; cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ nối hai huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu; 100% trường học của các xã, thị trấn đạt chuẩn và có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia... Kinh tế-xã hội của huyện tiếp tục ổn định, phát triển; quốc phòng, an ninh được củng cố; thu nhập bình quân đạt 65 triệu đồng/người/năm...

Đồng chí VI THU HẰNG, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tủa Chùa (Điện Biên): Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động

Tủa Chùa là huyện miền núi vùng cao nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Điện Biên với 7 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 95%. Các dân tộc vẫn giữ được truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc với những nghi lễ, phong tục tập quán đặc sắc. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và người dân đã tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành phát động, đặc biệt là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Từ đó đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; chăm sóc sức khỏe người dân; chăm lo đời sống các gia đình chính sách; thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, vận động người dân đấu tranh, xóa bỏ hủ tục, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, như: Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, trộm cắp, ma túy...

Đến hết năm 2022, bình quân các xã trong huyện đạt 10,7/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 69,52% (năm 2010) xuống còn 40,72%. Nhờ thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nên toàn bộ số diện tích rừng giao khoán (hơn 21.000ha) của huyện Tủa Chùa được các chủ rừng chăm sóc, bảo vệ tốt, góp phần ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo bền vững. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp của huyện Tủa Chùa tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và đồng thuận, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Một góc thị trấn Tủa Chủa, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Ảnh: VĂN TÂM

Trung tá HUỲNH HỮU CƯỜNG, Chính ủy Trung đoàn 9, Sư đoàn 8, Quân khu 9: Quân với dân một ý chí

Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Đó là bản chất, quy luật phát triển của Quân đội ta-quân đội kiểu mới, được tổ chức, xây dựng theo nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin và mang trong mình truyền thống, đặc điểm con người, đất nước, văn hóa Việt Nam... Thời gian qua, cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Trung đoàn 9 còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động giúp địa phương và nhân dân nơi đóng quân. Cụ thể, đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã: Tân Nghĩa, Ba Sao, Phong Mỹ (huyện Cao Lãnh); xã Hòa An, Mỹ Ngãi, Tân Thuận Tây và phường 11 (TP Cao Lãnh) thuộc tỉnh Đồng Tháp thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã tham gia hơn 10.000 ngày công, giúp địa phương xây dựng hơn 70km đường bê tông, hơn 10 cây cầu bê tông, sửa kênh mương nội đồng, kéo điện thắp sáng đường quê... Đặc biệt, thực hiện Phong trào thi đua “Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn chung tay vì người nghèo”, đơn vị đã hỗ trợ cây giống, con giống cho hơn 50 hộ nghèo, cận nghèo của địa phương để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống... Những việc làm thiết thực của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 9 đã để lại hình ảnh, dấu ấn tốt đẹp với chính quyền, người dân địa phương; giúp tình cảm quân-dân ngày càng khăng khít; tạo điều kiện để đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Tiến sĩ PHẠM THU THỦY, Phó trưởng khoa Công tác thanh thiếu niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam: Giáo dục truyền thống phải thiết thực, hiệu quả

Giáo dục truyền thống là một nội dung đặc biệt quan trọng góp phần thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng ta, để mọi người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc, tự hào về lịch sử, văn hóa dân tộc, thấy rõ trách nhiệm của mình trên con đường xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Thời gian qua, các tổ chức đoàn đã triển khai công tác này khá hiệu quả, bám sát các sự kiện lịch sử, chính trị, văn hóa của đất nước, góp phần khơi dậy lòng yêu nước, bồi đắp tinh thần tự hào dân tộc cho thanh thiếu nhi... Tuy nhiên, có một thực tế là một bộ phận cán bộ, đoàn viên, thanh niên chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; chưa quyết liệt đổi mới hình thức, nội dung giáo dục truyền thống; không ít cơ sở đoàn triển khai còn hình thức, đối phó theo mô-típ: Dẫn các em đến bảo tàng và khu di tích lịch sử cách mạng nghe cán bộ quản lý hoặc hướng dẫn viên thuyết minh, giới thiệu và chụp ảnh lưu niệm... mà không lồng ghép tổ chức các cuộc thi, các buổi gặp gỡ, giao lưu, viết bài thu hoạch... để việc giáo dục truyền thống mang lại hiệu quả thực chất... Từ thực trạng trên, các tổ chức đoàn cần thực hiện đổi mới công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ theo hướng sát thực tiễn, thiết thực, hiệu quả, khắc phục kịp thời những hạn chế...

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/phat-huy-bai-hoc-doan-ket-trong-xay-dung-bao-ve-to-quoc-739149