Phát hiện virus cổ đại trong mô khỏe mạnh của con người

Dấu vết của các loại virus cổ đại rải rác khắp bộ gen của con người, nằm trong cấu trúc của ADN.

Virus cũng hoạt động trong hàng chục mô khỏe mạnh.

Virus cũng hoạt động trong hàng chục mô khỏe mạnh.

Các nhà khoa học đã biết rằng, một số virus này có thể “kích hoạt” tế bào ung thư và có khả năng góp phần vào sự tiến triển của bệnh. Giờ đây, một nghiên cứu mới tiết lộ, virus cũng hoạt động trong hàng chục mô khỏe mạnh.

“15 hay 20 năm trước, người ta nghĩ rằng, gần như tất cả các retrovirus nội sinh nằm trong bộ gen. Chúng được xếp vào loại ‘ADN rác’ - những phần trong bộ gen không có chức năng gì”, ông Matthew Bendall – Giáo sư trợ lý nghiên cứu sinh học tính toán trong y học tại Weill Cornell Medicine ở New York (Mỹ), người không tham gia vào nghiên cứu cho biết.

Hầu hết, các nghiên cứu gần đây chỉ tập trung vào việc kích hoạt virus cổ đại trong các khối u ung thư và một lượng nhỏ mô khỏe mạnh gần khối u đó. Nghiên cứu mới được công bố ngày 18/10 trên tạp chí PLOS Biology, đã cung cấp cái nhìn tổng quát hơn về cách thức hoạt động của những tàn dư virus này trên khắp cơ thể.

Nghiên cứu mới lấy dữ liệu từ dự án Genotype Tissue and Expression (GTEx). Đây là một cơ sở dữ liệu bao gồm các mẫu mô từ gần 950 cá thể. Các mẫu này bao gồm 54 loại mô không bị bệnh được tìm thấy trên khắp cơ thể, bao gồm não, tim, thận, phổi và gan.

Để xây dựng cơ sở dữ liệu, các nhà nghiên cứu đã phân tích những mô này. Từ đó, xem gen nào của chúng đã được “bật”. Trong cơ sở dữ liệu GTEx, các tác giả nghiên cứu đã tìm kiếm bằng chứng về “virus nội sinh ở người” (HERVs) đang hoạt động. Đây có nghĩa là các virus cổ xưa trong bộ gen. Cụ thể, họ đã sàng lọc một nhóm HERV được gọi là “HML-2”.

Các tác giả đã tìm thấy bằng chứng về virus HML-2 hoạt động trong tất cả 54 loại mô không bị bệnh trong cơ sở dữ liệu GTEx. Họ phát hiện mức độ kích hoạt cao nhất ở tiểu não, nằm ngay sau thân não; tuyến yên – cấu trúc có kích thước bằng hạt đậu ở đáy não với chức năng tiết ra các hormone. Sau đó là tuyến giáp ở cổ giúp điều chỉnh sự trao đổi chất và cuối cùng là tinh hoàn.

Một số nhà khoa học đề xuất, HERV có thể hoạt động như dấu ấn sinh học tiềm năng cho bệnh ung thư. Có nghĩa là một tín hiệu đo lường được mà các bác sĩ sử dụng để tầm soát căn bệnh này.

Ngoài ra, về mặt lý thuyết, một số HERV có thể dùng làm mục tiêu cho các phương pháp điều trị ung thư, nếu chúng được phát hiện là duy nhất đối với một số loại khối u cụ thể. Tuy nhiên, để sử dụng HERV theo cách này, các nhà khoa học cần biết chúng hoạt động như thế nào trong các tế bào khỏe mạnh so với tế bào ung thư.

Theo LiveScience

Kim Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phat-hien-virus-co-dai-trong-mo-khoe-manh-cua-con-nguoi-post612574.html