Phát hiện một khu rừng bí mật trên hòn đảo không có cây

Theo hãng CNN, quần đảo Falkland lộng gió ở Nam Đại Tây Dương hiện không hề có cây cối trong hàng chục nghìn năm qua, mà chỉ có cây bụi và thảm thực vật thấp khác.

Trong một phát hiện gần đây, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Zoë Thomas, Giảng viên địa lý vật lý tại Đại học Southampton thuộc Vương quốc Anh đã tìm thấy nhiều cây cối gần 20 feet (6 mét) nằm dưới lòng đất, thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu.

Một góc nhìn toàn cảnh ở Quần đảo Falkland cho thấy quang cảnh lộng gió, không có cây cối. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng các đảo ở Nam Đại Tây Dương từng là nơi có rừng mưa ôn đới. Ảnh: Zoë Thomas/University of Southampton

Một góc nhìn toàn cảnh ở Quần đảo Falkland cho thấy quang cảnh lộng gió, không có cây cối. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng các đảo ở Nam Đại Tây Dương từng là nơi có rừng mưa ôn đới. Ảnh: Zoë Thomas/University of Southampton

Nhóm của Tiến sĩ Zoë Thomas hiện đang thực hiện công tác thực địa trên đảo vào năm 2020 sau khi phát hiện rất nhiều thân cây từ một lớp than bùn ở một công trường xây dựng gần thủ đô Stanley.

"Chúng tôi nghĩ rằng điều đó thực sự kỳ lạ, bởi vì một trong những điều đặc biệt về Quần đảo Falkland mà mọi người đều biết là không có cây nào có thể mọc lên. Nơi đây nhiều gió và cằn cỗi", bà Thomas, tác giả chính của nghiên cứu gần đây về Quần đảo Falkland, cho biết.

Nhà nghiên cứu Thomas và các đồng nghiệp cũng đến địa điểm này và bắt đầu "nhặt những khúc gỗ lớn". Những khúc gỗ này được bảo quản nguyên sơ và trông giống như gỗ trôi dạt. Nhưng khi biết về lịch sử của quần đảo Falkland, các nhà nghiên cứu cho biết những tàn tích này không thể là của thời hiện đại.

"Ý tưởng đã tìm thấy thân cây và cành cây khiến chúng tôi nghĩ rằng những thứ này có thể có từ rất lâu. Chúng tôi khá chắc chắn không có cây nào mọc ở đó trong một thời gian dài", bà Thomas nói thêm.

Báo cáo nghiên cứu đầu tháng này trên tạp chí Antarctic Science cũng nhấn mạnh sự hiện diện của các hóa thạch cây cho thấy hòn đảo này từng là nơi sinh sống của một khu rừng mưa ôn đới — một hệ sinh thái khác biệt đáng kể so với môi trường hiện tại của hòn đảo.

Những câu chuyện về khu rừng bí ẩn này thậm chí còn có niên đại xa hơn so với những gì các nhà nghiên cứu nghĩ ban đầu.

Khu rừng cổ đại

Những cây còn lại đã chứng minh là quá già để xác định niên đại bằng carbon phóng xạ - một phương pháp có thể xác định tuổi của vật chất hữu cơ lên đến 50.000 năm tuổi. Nhóm các nhà khoa học quốc tế cũng chuyển sang nghiên cứu các hạt phấn hoa cực nhỏ được tìm thấy trong than bùn nhằm tìm câu trả lời.

"Phấn hoa hóa thạch chỉ ra một khoảng thời gian địa chất cụ thể, vì vậy sự hiện diện của nó có thể giúp xác định tuổi của một địa điểm hóa thạch", ông Michael Donovan, Giám đốc bộ sưu tập cổ thực vật học tại Bảo tàng Field ở Chicago cho biết. Ông Michael Donovan hiện không tham gia vào nghiên cứu này.

Các nhà nghiên cứu đã vận chuyển phần gỗ còn lại và các mẫu của lớp than bùn để tiến hành thử nghiệm trong phòng thí nghiệm tại Đại học New South Wales của Australia. Sau đó, họ sử dụng kính hiển vi điện tử có thể tạo ra hình ảnh cực kỳ chi tiết về gỗ và thành phần tế bào của gỗ.

Tại đó, các nhà nghiên cứu cũng phân tích nhiều loại bào tử được nén chặt và niêm phong trong cùng một lớp than bùn như gỗ. Sau khi kiểm tra hồ sơ phấn hoa, họ đã có kết luận thân cây và cành cây có niên đại từ 15 triệu đến 30 triệu năm tuổi.

"Giới hạn độ tuổi của địa điểm nghiên cứu được ước tính dựa trên phạm vi độ tuổi của các loài phấn hoa từ đá Patagonia và so sánh với các hệ thực vật có độ tuổi tương tự từ phía nam Patagonia và Nam Cực", ông Donovan cho biết trong một email.

Thông qua phân tích, các tác giả nghiên cứu cũng có thể xác định được loài cây đó là gì. Các mẫu vật tìm thấy có thể thuộc về một khu rừng nhiệt đới tương tự như những gì được tìm thấy ở Patagonia hiện đại. Điều này cho thấy khí hậu ở Quần đảo Falkland cách đây hàng triệu năm hẳn phải ẩm ướt và ấm hơn ngày nay.

"Khí hậu ở nơi này từng mát hơn các khu rừng nhiệt đới như Amazon nhưng vẫn có thể mang đến một hệ sinh thái thực vật và động vật phong phú, đa dạng", ông Thomas cho biết.

Trong khi đó, nhà sưu tập cổ thực vật học Donovan lại cho rằng quần đảo Falkland hiện được bao phủ bởi đồng cỏ và không có cây bản địa. Phấn hoa hóa thạch, bào tử và gỗ được trình bày trong nghiên cứu này cho thấy một bức tranh về môi trường cổ đại, cung cấp bằng chứng trực tiếp về sự hiện diện của những khu rừng mát mẻ, ẩm ướt.

Biến đổi khí hậu

Theo nghiên cứu, lý do chính xác khiến cây không còn mọc trên quần đảo Falkland vẫn chưa rõ ràng.

Tuy nhiên, cả nhà nghiên cứu Thomas và nhà sưu tập cổ thực vật Donovan đều cho biết gió mạnh từ các hòn đảo và đất than bùn có tính axit được tìm thấy ở đó là nguyên nhân khiến cây không thể phát triển.

Bà Thomas, người có mục tiêu nghiên cứu ban đầu đã tìm hiểu những thay đổi về môi trường trên quần đảo này trong 20.000 năm qua, cho biết những đặc điểm riêng biệt đó cũng làm nổi bật lý do tại sao Quần đảo Falkland là một địa điểm quan trọng để nghiên cứu biến đổi khí hậu ở Nam bán cầu.

Bà cho biết thêm, gió tây phát triển có thể ảnh hưởng đến băng Nam Cực, lưu thông khí quyển và các kiểu mưa. Việc hiểu được cách những cơn gió này mạnh lên hay yếu đi trong quá khứ có thể giúp dự đoán những thay đổi trong tương lai về khí hậu.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Thomas cũng nhận định các đảo này khó có thể sớm trở lại cảnh quan rừng. Khu vực này sẽ ấm hơn nhưng cũng khô hơn, dẫn đến lo ngại về nguy cơ xói mòn đất than bùn, vốn nhạy cảm với biến đổi khí hậu.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/phat-hien-mot-khu-rung-bi-mat-tren-hon-dao-khong-co-cay-20240930095812443.htm