Phát hiện mới về 'máy tính cổ nhất thế giới'

Các nhà nghiên cứu trước đây cho rằng vòng trên cơ chế Antikythera dùng để theo dõi lịch Ai Cập cổ đại. Thực tế, nó lại được dùng với mục đích quan sát lịch âm của Hy Lạp.

 Cơ chế Antikythera được lưu giữ tại Bảo tàng Khảo cổ học Quốc gia Athens. Ảnh: University of Glasgow.

Cơ chế Antikythera được lưu giữ tại Bảo tàng Khảo cổ học Quốc gia Athens. Ảnh: University of Glasgow.

Theo Live Science, nghiên cứu mới tiết lộ rằng cơ chế Antikythera, một thiết bị có kích thước bằng hộp giày cổ xưa được sử dụng để theo dõi chuyển động của Mặt trời, Mặt trăng và các hành tinh, lại tuân theo lịch âm của Hy Lạp. Trước đây, nhiều nhà khoa học tin rằng “chiếc máy tính cổ đại” này dùng để quan sát lịch Mặt trời của Ai Cập.

Cơ chế Antikythera được một thợ lặn tìm thấy ngoài khơi đảo Antikythera của Hy Lạp vào năm 1901. Các nhà khoa học đã ước tính niên đại của thiết bị này vào khoảng 2.200 năm. Nó chứa các bánh răng bằng đồng và được coi như máy tính lâu đời nhất thế giới.

Một phần của cơ chế này được gọi là "vòng lịch", có chức năng theo dõi các ngày trong năm, với mỗi một lỗ tương ứng một ngày. Mặc dù vậy, nó không còn ở trạng thái nguyên vẹn nên các nhà nghiên cứu không thể xác định thiết bị này có thể theo dõi bao nhiêu ngày trong năm.

Vào năm 2020, một nhóm do nhà nghiên cứu độc lập Chris Budiselic dẫn đầu đã sử dụng hình ảnh tia X mới của thiết bị, kết hợp với các phép đo và phân tích toán học, để xác định rằng cơ chế này có thể không bao gồm toàn bộ một năm dương lịch. Thời gian ước tính mà cơ chế này có thể quan sát là 354 ngày và được sử dụng chủ yếu để theo dõi lịch âm.

 Cơ chế Antikythera đã bị ăn mòn theo năm tháng. Ảnh: University of Glasgow.

Cơ chế Antikythera đã bị ăn mòn theo năm tháng. Ảnh: University of Glasgow.

Trong khi đó, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Glasgow (Anh) khi thống kê cơ chế Antikythera đã sử dụng vị trí của các lỗ đã biết, cũng như cách các mảnh vỡ của cơ chế khớp với nhau, để suy ra số lượng và vị trí của các lỗ bị mất.

Cuối cùng, họ xác định rằng cơ chế này có thể có 354 hoặc 355 lỗ. Điều này có nghĩa là nó dường như tuân theo lịch âm 354 ngày được sử dụng ở Hy Lạp cổ đại, thay vì lịch 365 ngày của người Ai Cập.

“Kết quả của nhóm cung cấp bằng chứng mới cho thấy một trong những thành phần của cơ chế Antikythera rất có thể được sử dụng để theo dõi năm âm lịch của Hy Lạp”, các nhà nghiên cứu của Đại học Glasgow viết.

Diomidis Spinellis, giáo sư kỹ thuật phần mềm tại Đại học Kinh doanh Athens, người đã nghiên cứu cơ chế Antikythera nhiều năm, cũng rất ấn tượng với công trình mới từ nhóm của Đại học Glasgow.

"Cơ chế Antikythera là một món quà của lịch sử. Mặc dù bị ăn mòn nghiêm trọng và nhiều thành phần bị thiếu, việc áp dụng các công nghệ ngày càng tinh vi và phân tích liên ngành tiếp tục cung cấp những hiểu biết ấn tượng về hiện vật đáng chú ý này”, Spinellis nói với Live Science.

Minh Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/bi-mat-vua-duoc-tiet-lo-cua-may-tinh-co-nhat-the-gioi-post1483913.html