Phạt đến 1 triệu đồng nếu để trẻ em ngồi ghế trước ô tô

Bắt đầu từ ngày 1/1, các tài xế để trẻ ngồi ghế trước ô tô hoặc không trang bị thiết bị an toàn đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đến 1.000.000 đồng.

Theo Nghị định 168, hành vi chở trẻ em dưới 10 tuổi và có chiều cao dưới 1,35m ngồi cùng hàng ghế với người lái xe trên ô tô (trừ xe chỉ có một hàng ghế) hoặc không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng. Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, nhưng riêng quy định xử phạt lỗi trẻ em ngồi ghế cùng hàng tài xế sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2026.

Trước đó, nội dung này cũng đã được quy định rõ trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Cụ thể, Khoản 3, Điều 10 của luật nêu rõ: khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m trên ô tô, không được để trẻ ngồi cùng hàng ghế với tài xế, ngoại trừ trường hợp xe chỉ có một hàng ghế. Đồng thời, người điều khiển phương tiện phải đảm bảo trẻ em sử dụng hoặc được hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp theo quy định.

Phạt cả triệu đồng nếu để trẻ ngồi ghế trước ô tô

Phạt cả triệu đồng nếu để trẻ ngồi ghế trước ô tô

PGS.TS Phạm Việt Cường từ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng chống Chấn thương, Đại học Y tế Công cộng, là một trong những người đề xuất quy định xử phạt việc không sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô. Ông bày tỏ sự ủng hộ đối với nghị định mới, nhấn mạnh sự cần thiết của quy định trong bối cảnh số lượng ô tô gia tăng nhanh chóng nhưng nhận thức về an toàn cho trẻ em lại thấp.

Theo thống kê, tỷ lệ sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô ở Việt Nam hiện rất thấp, chỉ đạt 1,3%. Cụ thể, Hà Nội có 2,5%, TP.HCM 1,1%, và Đà Nẵng gần như không có xe nào trang bị. Trong khi đó, tình trạng trẻ em ngồi ở ghế trước lại phổ biến, với 22,8% trẻ ngồi một mình và 19,2% ngồi cùng người lớn.

Khảo sát thực hiện năm 2022 tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng trên gần 15.000 xe cá nhân cho thấy, chỉ 0,7% trẻ em ngồi ghế cùng tài xế, 19% ngồi ghế sau một mình, và chỉ 1,3% trẻ được sử dụng ghế an toàn chuyên dụng. Trong số các trường hợp sử dụng thiết bị an toàn, hầu hết là những gia đình có người từng sống hoặc làm việc ở nước ngoài.

PGS.TS Phạm Việt Cường lý giải rằng, ghế trước là vị trí nguy hiểm nhất đối với trẻ em. Khi xảy ra va chạm, trẻ ngồi ở đây dễ bị văng ra ngoài nếu không được cài dây an toàn đúng cách. Túi khí ở ghế trước, vốn được thiết kế để bảo vệ người lớn, lại có thể gây thương tích nghiêm trọng cho trẻ vì lực bung mạnh tới 300 km/h.

Ngoài ra, dây an toàn ở ghế trước không phù hợp với kích thước cơ thể của trẻ nhỏ, khiến nguy cơ chấn thương tăng cao. Ông nhấn mạnh, ghế sau là vị trí an toàn nhất cho trẻ trên ô tô. Nếu trẻ được sử dụng ghế chuyên dụng, Việt Nam có thể giảm 400-500 vụ chấn thương nghiêm trọng hoặc tử vong mỗi năm do tai nạn giao thông.

Báo cáo từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia năm 2023 cho thấy, khoảng 2.100 trẻ em bị thương vong do tai nạn giao thông, chiếm 7,8% tổng số vụ việc. Những con số này là lời cảnh báo mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và áp dụng các biện pháp an toàn cho trẻ em khi di chuyển bằng ô tô.

Thừa Nguyên

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sac-mau-cuoc-song/phat-den-1-trieu-dong-neu-de-tre-em-ngoi-ghe-truoc-o-to-202501141645064461.html