Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước (Kỳ 28)

Trân trọng giới thiệu tiếp sách 'Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước' của TS Sử học Cao Văn Liên do Nhà xuất bản Thanh niên - HN - 2004 ấn hành.

Kỳ 28.

Về hình phạt, khác với nhà Lý, pháp trị là đường lối ảnh hưởng rất mạnh đến chính trị của nhà Trần. Vì thế pháp luật nhà Trần rất tàn ác, mang tính chất đàn áp khốc liệt đối với tội phạm, sử dụng rộng rãi các biện pháp xuy, trượng, đồ, lưu, tử, ngoài ra còn thêm các hình phạt bổ sung như chặt ngón chân, ngón tay, thích chữ vào mặt, chôn sống, bắt làm nô tỳ cho người khác.

Pháp luật nhà Trần quy định kẻ có hành vi cướp đoạt tài sản của người khác bị tội tử hình. Đối với tội trộm cắp, phạm lần đầu bị đánh 80 trượng, thích hai chữ “phạm đạo” lên mặt, đồ lấy trộm một phải đền gấp 9 lần, nếu không đền bù được, vợ con bị bắt để trừ nợ. Phạm tội lần hai bị chặt ngón tay, phạm tội lần 3 thì bị giết bằng cách cho voi giày.

Đời vua Trần Minh Tông, năm 1314 có chiếu quy định có hành vi tranh giành đất không phải của mình thì phải đền gấp đôi giá trị. Nếu làm văn khế giả để chiếm đoạt đất thì bị chặt một ngón tay bên trái. Theo “An Nam chí lược”, những kẻ ngụy tạo đồ phi pháp bị thích tội danh lên mặt, đánh đòn trượng và đầy đi xa.

Trong hệ thống hình phạt của nhà Trần, ngoài việc áp dụng ngũ hình (xuy, trượng, đồ, lưu, tử) còn có những hình phạt phụ khác như:

- Phạt tiền: Năm 1326, Trương Hán Siêu có hành vi vu cáo quan Phạm Ngộ và Lê Duy nên bị phạt 300 quan tiền.

- Thích chữ vào thân thể, theo “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Lịch triều hiến chương loại chí”, với tội đồ nặng và vừa thì đầy làm tảo, cảo, điền hoành, thích 6 chữ vào mặt. Người bị đồ làm lính lao thành (La Thành) thích 4 chữ vào trán).

- Tịch thu gia sản: Tháng 6-1326 tịch thu gia sản của Ngô Dẫn, trại chủ ở Đại Lai, rất giàu có nên được vua Trần Minh Tông gả công chúa Nguyệt Sơn cho. Song Dẫn lại đi ngoại tình và lăng nhục công chúa nên bị tội tịch thu tài sản.

- Sung công ruộng đất: Chiếu tháng 12-1329 đời Trần Minh Tông (1314-1329) quy định ai trốn nghĩa vụ lao dịch của nhà nước bị phạt 4 quan tiền, thích vào gáy 4 chữ, còn kẻ đầu mục (quan chức) thì bị chém, ruộng đất bị sung công. Đối với những ruộng không khai báo hợp lệ để lập sổ bộ thì sung công, làm thành quan điền (ruộng công) (chiếu tháng 3-1398). Chiếu tháng 4-1396 quy định kẻ làm tiền giả bị tử hình, ruộng đất, tài sản bị tịch thu.

Hình phạt phụ: Biếm chức (giáng chức): áp dụng đối với quan lại - biếm chức tức là giáng chức, hoặc sa thải khi tội nhẹ. Tội nặng bị cách chức. Chiếu tháng 3-1398 cho phép người bị biếm chức, mất chức có thể lấy ruộng chuộc tội.

Tước bỏ họ, tước bỏ quốc tịch: Người phạm tội bị phạt bằng việc tước bỏ họ, chỉ được gọi tên hoặc tước bỏ họ cũ, đổi lại họ khác. Như năm 1309 những kẻ phạm tội đại nghịch mang họ Hân, Trù, Tống, Dung đều bị chém (tử), họ Lê, Đào và những kẻ đồng phạm bị đầy đi châu xa (lưu), riêng Lệ là dòng cuối của họ nhà vua nên được miễn thích chữ vào mặt. Những kẻ bị tội đều tước bỏ họ, chỉ gọi tên, với tội đồ: để họ nhưng cũng chỉ gọi tên.

Luật nhà Lý và nhà Trần đều quy định mức hình phạt nhất định cho từng hành vi phạm tội, chứ không định ra khung hình phạt từ tối thiểu đến tối đa cho quan xét xử được cân nhắc áp dụng cho từng trường hợp cụ thể.

Đương nhiên pháp luật nhà Trần cũng không được chuộc bằng tiền, chuộc bằng ruộng đối với tội “thập ác” và xử nặng. Đó là những hành vi vi phạm chế độ thống trị đương thời, đe dọa an toàn tính mạng tài sản của vua và quan lại quý tộc.

b.Tố tụng đời Trần

Có sự dung hòa giữa lý và tình: “lý” ở đây là hành vi phạm pháp được phơi bày ra ngoài như là sự kiện pháp lý (khách quan), tình ở đây là sự thực ẩn bên trong (mặt chủ quan) dẫn đến việc chủ thể có hành vi phạm pháp. Trong thực tế có nhiều trường hợp “tình ngay lý gian” cũng như “tình gian, lý ngay”.

Thời Trần, khi tố tụng đã chú ý đến nguyên tắc kết hợp giữa lý và tình để thấu tình đạt lý, nhằm đem lại sự công bằng.

Vua Trần Anh Tông là vị vua thận trọng trong hình phạt và đề ra việc xét án phải kết hợp “tình và lý”. Có tên nô bộc nhà quan là Hoàng Hộc kiện nhau với người khác. Hoàng Hộc đã dùng mưu vu cáo. Trần Anh Tông biết chuyện nói với viên quan xử vụ này: “Tên Hộc gian ngoan và xảo quyệt đến thế mà ngục quan không biết suy xét lý tình. Tình ngay, lý gian thì không được lấy lý bỏ tình, tình lý không xung đột thì không được lấy lý bỏ tình, tình lý không xung đột thì mới giỏi xử án. Nếu biết tình không gian thì theo lý mà làm là phải. Nếu tình quá gian rồi thì quay lại suy xem lý ngay hay cong, như vậy điều gian dối tự khắc hiện ra, càng không nên tách rời tình lý làm hai mà xét”.

Trọng chứng hơn trọng cung, để kết hợp giữa lý và tình, tìm ra sự thật vụ án, hình quan không thể chỉ căn cứ vào lời khai (cung) của bị can để kết tội mà phải tiến hành điều tra, thu thập đầy đủ mọi chứng cứ khách quan để xác định đúng mức độ tội phạm.

Chuyện sử cũ còn ghi một viên quan nhà Trần là Phí Trực có tài xử án. Năm 1317, triều đình bắt được một người khai là Văn Khánh, tên đầu sỏ đám cướp. Khi quan hỏi, thì người đó nhận mình là Văn Khánh. Tất cả đều tin. Chỉ có quan Hình bộ Lang trung Phí Trực tỏ ý nghi ngờ thành ra vụ án phải dừng lại. Thượng hoàng Trần Anh Tông hỏi, Phí Trực trả lời: “Mạng người rất trọng, lòng thần còn có chỗ ngờ, không dám liều lĩnh xử quyết”. Ít lâu sau Thượng hoàng lại hỏi, Phí Trực lại trả lời như trước. Thượng hoàng tức giận bảo: “Nó đã nhận như thế, còn ngờ gì nữa”. Phí Trực tâu: “Nó không bị tra tấn khổ sở mà điềm nhiên thú nhận, thần trộm lấy làm ngờ, không dám quyết đoán càn bậy”. Một tháng sau quả nhiên bắt được Văn Khánh thực. Thượng hoàng khen Phí Trực là quan có tài(1)

Pháp luật nhà Trần khi tố tụng đã có phân biệt hành vi phạm tội vô ý và cố ý. Phạm tội cố ý là người có đầy đủ năng lực pháp lý, nhận thức được hậu quả xấu của hành động của mình mà vẫn hành động trái luật. Vô ý là người không đủ năng lực pháp lý (do thần kinh không bình thường, chưa đủ tuổi thành niên v.v...), không nhận biết được hậu quả do hành vi của mình gây ra. Phân tích yếu tố này để thấy được lý trí và ý chí chủ thể phạm tội, để thấy được “lỗi”, từ đó liên quan đến mức độ hình phạt. Như sự việc năm Tân Sửu (1301) vua Trần Anh Tông xem xét vụ án Trần Thì Kiến là quan gián nghị can tội chứa giấu dân đinh nên bị bãi chức. Sau khi xem xét lại, Anh Tông thấy Kiến không cố ý phạm tội nên bổ dụng lại cho Kiến làm Tham tri chính sự.

Trong tố tụng pháp luật nhà Trần đã áp dụng miễn giảm trách nhiệm hình sự trong các trường hợp cụ thể:

- Người bị điên dại: Năm 1268 có kẻ ngoại thích là Lý Cát phạm tội ngồi vào ngai vua ở Điện Thiên Ân. Khi xét hỏi trị tội thấy y có chứng điên nên chỉ phạt trượng và tha.

- Người tự thú: Tháng 11-1309 khi xử bọn phạm tội đại nghịch, có tên Ma đã sai vợ là Thị Vĩnh ra tự thú trước nên được tha tội.

- Người có công lớn, có họ với vua: Vụ án tên Hân vì có công lớn nên được miễn tịch thu gia sản, tên Lệ thuộc dòng họ vua nên được miễn thích chữ vào mặt.

Cách thức xét xử đời Trần cũng như đời Lý đã vận dụng tiền lệ pháp, tức án xử các đời trước để xét xử các vụ án hiện tại. Đời vua Trần Anh Tông có Đoàn Khung làm kiểm pháp quan, khi xét án vua hỏi điển lệ cũ, Khung có thể dẫn đến 5-6 án tiền lệ. Vua Anh Tông khen ngợi Khung là người thông minh nhớ lâu.

Thời Trần đã có thủ tục xét xử bị cáo vắng mặt. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược, những kẻ đầu hàng và chạy sang Trung Quốc đều bị kết án vắng mặt, xử tội tử hình, tịch thu điền sản, sung công, tước bỏ quốc tịch.

Án phí và lệ phí trong tố tụng: Chế độ án phí hình thành dưới thời Trần. Tháng 9-1241, đời Trần Thái Tông cho phép cơ quan xử án lấy tiền bình bạc, tiền án phí. Chiếu tháng 7-1230 đời Trần Thái Tông quy định: “Người coi ngục đi đòi người kiện tụng thì cho lấy tiền cước lục tùy theo quãng đường gần xa”(1). Quy định này cho thấy các vụ án dân sự, tư nhân với tư nhân phải nộp án phí cho nhà nước (thông qua cơ quan xét xử) và nộp cước phí cho viên chức liên lạc, đưa giấy tờ cho các đương sự của vụ án.

Các vụ án hình sự, khi truy nã bị can, bị cáo chủ thể cũng phải nộp cước phí: Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” viết rằng: “Phàm người coi ngục đi bắt giam thì cho phép lấy tiền đi đường, tùy theo hành trình xa hay gần”(2).

Năm 1304, nhà Trần quy định các giấy tờ xử án (ngục tụng) phải lăn tay điểm chỉ.

Dù có sự bất bình đẳng trong pháp luật, nhưng đối với những người khai sáng hay là các vị vua đầu của triều đại nhà Trần đều cố gắng chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật để làm gương cho dòng họ, cho nhân dân. Trần Thủ Độ, người sáng lập vương triều Trần là một ví dụ điển hình:

Sách còn chép rằng Linh Từ quốc mẫu là vợ Trần Thủ Độ có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm bị người lính canh cửa ngăn lại. Linh Từ quốc mẫu về nhà khóc bảo Trần Thủ Độ: “Mụ này làm vợ ông mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế”. Trần Thủ Độ tức giận cho gọi người lính vào hỏi. Người đó cứ thực tình khai. Thủ Độ nói: “Người ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa”(1).

Khi đó quyền lực của Thủ Độ to lớn. Có người e ngại nói với vua Trần Thái Tông: “Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ quyết át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?”. Vua Thái Tông cả sợ bắt người ấy dẫn đến Trần Thủ Độ và kể lại. Không ngờ Thái sư nói: “Đúng như lời hắn nói”. Rồi ông đem tiền lụa ra thưởng cho người có lời nói thẳng có lợi ấy.

Trần Thủ Độ còn là người chí công vô tư. Có lần duyệt hộ khẩu các xã, Linh Từ quốc mẫu xin cho một người thân làm chức câu đương, một chức sắc trong xã. Trần Thủ Độ gật đầu cho ghi họ tên đó. Khi duyệt đến tên người đó, y mừng rỡ chạy đến. Thái sư nói: “Người vì có công chúa xin cho được khác, phải chặt một ngón chân để phân biệt”. Người đó khóc lóc kêu van xin thôi mãi mới được tha. Từ đó họ hàng thân thích không ai dám đến thăm vì việc riêng nữa.

Lần khác, vua Thái Tông muốn cử người anh cả của Trần Thủ Độ làm tể tướng. Thủ Độ tâu: “An Quốc là anh thần, nếu cho là giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, nếu cho là thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra làm sao”. Vua trần Thái Tông nghe vậy nên thôi(2).

(Còn nữa)

CVL

------------------

(1) Ngô Sĩ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư .Tập 2, trang 102.

(1) Ngô Sĩ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư .T.2.trang 12.

(2) Ngô Sĩ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư. T.2. trang 34.

(1)Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. T.2 trang 290.

(2) Ngô Sĩ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư T.2. Nxb. Khoa học xã hội. H 1993, trang 34.

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/phap-luat-cac-trieu-dai-viet-nam-va-cac-nuoc-ky-28-83861