Phân tích và đánh giá mục tiêu Net Zero vào năm 2030 của Trung Quốc

Trung Quốc đang lên kế hoạch chuyển đổi chính sách khí thải hoàn toàn (Net Zero) bằng cách áp đặt mức trần phát thải tổng thể vào năm 2030. Theo đặc phái viên khí hậu Liu Zhenmin, biện pháp này nhằm củng cố cam kết bảo vệ môi trường của nước này.

Trung Quốc đang điều chỉnh chiến lược khí hậu của mình. Hình minh họa

Trung Quốc đang điều chỉnh chiến lược khí hậu của mình. Hình minh họa

Là quốc gia thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang điều chỉnh chiến lược khí hậu của mình để chuyển sang một cách tiếp cận dựa trên việc giới hạn tổng lượng phát thải vào năm 2030. Theo ông Liu Zhenmin, đặc phái viên khí hậu, đây là một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự chuyển đổi từ việc kiểm soát cường độ carbon sang chính sách giới hạn phát thải tuyệt đối.

Hiện tại, Trung Quốc quản lý lượng phát thải bằng cách đặt ra giới hạn cho mỗi đơn vị sản xuất, điều này có nghĩa là tổng lượng phát thải có thể tăng khi sản xuất công nghiệp tăng. Bằng cách áp đặt một mức trần chung, nước này có thể chuyển đổi hệ thống giao dịch khí thải quốc gia của mình sang cơ chế phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế "cap-and-trade".

Các mục tiêu khí hậu sẽ được nâng cao cho năm 2025

Việc cập nhật các cam kết của quốc gia về mục tiêu khí hậu (NDCs) dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2025, các cam kết mới sẽ bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế và loại hình phát thải, đồng thời nhấn mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng sâu rộng. Tuy nhiên, việc thực hiện các mục tiêu này sẽ đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh hệ thống năng lượng của nước này vẫn phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch.

Tại Hội nghị các bên lần thứ 29 (COP29), Trung Quốc đã bày tỏ sự không hài lòng với tiến độ thực hiện các cam kết tài chính của các nước phát triển. Ông Liu Zhenmin, cho rằng sự thiếu rõ ràng trong các cam kết tài chính chung mới (NCQG) của các nước phát triển, gây khó khăn cho việc huy động vốn trong các dự án cần vốn công, chẳng hạn như dư án thích ứng với biến đổi khí hậu.

Vai trò của tài chính khí hậu

Để tài trợ cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, hai nguồn chính được cân nhắc: tài trợ trực tiếp từ các nước phát triển và huy động vốn từ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, do tính chất dài hạn và không mang lại lợi nhuận nhanh, các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu thường ít hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân. Vì vậy, ông Liu Zhenmin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn tài trợ trực tiếp, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển.

Trước áp lực quốc tế về việc phân loại lại các nước đang phát triển, Trung Quốc đã khẳng định vai trò và những thách thức riêng của mình. Mặc dù là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo với 50% công suất toàn cầu, hệ thống năng lượng của Trung Quốc vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch. Để chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh, nước này cần đầu tư lớn để chuyển đổi hoàn toàn.

Hợp tác Trung-Mỹ trong bối cảnh không chắc chắn

Mối quan hệ hợp tác khí hậu giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn là một vấn đề đáng quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh chính sách khí hậu của Mỹ có nhiều biến động. Ông Liu bày tỏ quan điểm lạc quan thận trọng về việc duy trì các mối quan hệ hợp tác song phương, ngay cả khi chính quyền Mỹ có những thay đổi.

Các đại diện của Bộ Năng lượng Mỹ cũng khẳng định mong muốn tiếp tục các dự án hợp tác chung trong các lĩnh vực như địa nhiệt, năng lượng hiệu quả và thu giữ carbon. Điều này cho thấy, bất chấp những khác biệt chính trị, hợp tác cấp độ chuyên môn vẫn có thể được duy trì.

Mặc dù vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trong vấn đề khí hậu ngày càng được kỳ vọng, ông Liu cũng nhấn mạnh rằng không nên đổ hết trách nhiệm lên vai một quốc gia. Ông cho rằng sự thiếu tin tưởng giữa các nước phát triển và đang phát triển là rào cản lớn nhất đối với tiến trình hợp tác toàn cầu về khí hậu, vượt xa các vấn đề tài chính đơn thuần.

H.Phan

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/phan-tich-va-danh-gia-muc-tieu-net-zero-vao-nam-2030-cua-trung-quoc-721639.html