Phân tích ban đầu về vụ án có bị cáo tự tử ở Cà Mau

Luật quy định ghi âm, ghi hình khi hỏi cung nhưng cơ quan điều tra và VKS không làm thì được coi là thu thập không đúng quy định pháp luật, không được dùng làm căn cứ kết tội.

Vụ bị cáo Lê Minh Lỉnh tự tử sau khi tòa tuyên bác kháng cáo kêu oan đã khiến bản án vừa tuyên trở thành một bản án chưa được tâm phục khẩu phục, ít nhất là đối với Lỉnh.

Thực tiễn tố tụng cho thấy các vụ án cố ý gây thương tích có nhiều người cùng tấn công một bị hại thuộc dạng vụ án khá phức tạp nếu không có những chứng cứ rõ ràng như hình ảnh từ camera, lời khai của người làm chứng, lời khai nhận tội của người thực hiện hành vi (người bị buộc tội), lời khai của bị hại.

 Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: TRẦN VŨ

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: TRẦN VŨ

Vụ án dạng này phức tạp bởi phải chứng minh vai trò đồng phạm, chứng minh cho việc người nào đã đánh bị hại, xác định rõ mỗi người gây ra bao nhiêu thương tích, ở vị trí nào trên người bị hại, tỉ lệ bao nhiêu…

Giấy yêu cầu luật sư có nội dung kêu oan, không phải nhận tội

Xuyên suốt tại các phiên tòa, bị cáo Lỉnh đều kêu oan. Bị cáo cho rằng quá trình điều tra có vấn đề.

Tại trang 13, 14 của bản án sơ thẩm, HĐXX đánh giá: “Một chứng cứ có tại hồ sơ để chứng minh và xác định các bị cáo có cùng tham gia đánh bị hại; và chứng minh bị cáo Lỉnh có biết và thực hiện hành vi phạm tội cùng các bị cáo khác không thể chối bỏ; đó là lời thừa nhận của bị cáo Lỉnh tại giấy yêu cầu luật sư ngày 26-9-2022...”.

Tự tử sau khi nghe tuyên án

Theo cáo trạng và các bản án, lúc 19 giờ 30 ngày 21-3-2022, tại quán cà phê Lê Nguyễn (xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, Cà Mau), năm bị cáo ngồi uống nước với nhau. Đó là Trần Duy Phương (Phương Max), Trần Duy Phương (Phương Kio), Đoàn Thế Nguyễn, Nguyễn Phát Lợi và Lê Minh Lỉnh.

Phương Max chạy ra tiệm tạp hóa mua bài về chơi. Phương Max cự cãi với hai người tại đây là Nguyễn Vũ Kha và Nguyễn Hoàng Nam; sau đó chạy nhanh về quán cà phê, lấy dao tự chế, rủ bạn “đi công chuyện”. Cả nhóm chém gây thương tích cho Nguyễn Vũ Kha 25%. Tháng 8-2023, TAND huyện Cái Nước tuyên cả năm bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích. Cả năm bị cáo kháng cáo kêu oan. Ngày 20-3-2024, TAND tỉnh Cà Mau đã tuyên y án sơ thẩm; trong đó Lỉnh bị tuyên y án 30 tháng tù giam.

Ngay sau khi tòa tuyên án, Lỉnh về nhà uống thuốc độc tự tử, qua đời đúng vào tối 21-3, ngày xảy ra vụ án hai năm trước.

Thế nhưng điều mâu thuẫn là trong chính giấy yêu cầu luật sư, Lỉnh cũng ghi rõ là “khi Phương Max rủ “đi công chuyện”, nhóm bạn hỏi “có chuyện gì?” thì Phương Max nói “không có gì””. Bị cáo Lỉnh quá giang xe của Phương Kio để đi đến quán khác lấy xe về nhà.

“Tuy nhiên, khi đi ngang tiệm tạp hóa thì Phương Kio dừng lại, đi vào tiệm cùng Phương Max và Lợi đánh hai thanh niên lạ, còn tôi thì đứng ngoài lộ xe” - ông Lỉnh ghi trong giấy yêu cầu luật sư.

Tại trang 14 của bản án sơ thẩm, HĐXX đánh giá: “Nếu như không biết ý định của Phương Max là đi đánh nhau thì không lý do gì các bị cáo không ở lại quán cà phê Lê Nguyễn chờ Phương Max “đi công chuyện” để mua bài về đánh bài uống nước như ý định ban đầu mà các bị cáo đã trình bày”.

Tuy nhiên, HĐXX không thể quy kết việc Lỉnh có mặt gần hiện trường vụ đánh nhau, xem như Lỉnh đã đồng ý đi đánh nhau. Kể cả việc, đồng ý đi đánh nhau nhưng đến hiện trường, họ không đánh bị hại do họ “tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” vì họ sợ đánh nhau, vì họ sợ vi phạm pháp luật… hay nhiều lý do chủ quan khác thì họ cũng được miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 16 BLHS năm 2015. Vậy bằng chứng để HĐXX dựa vào đó kết tội Lỉnh là gì?

Các tình tiết cần đánh giá lại

Để đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật thì HĐXX phải giải quyết triệt để có hay không việc bị cáo tham gia vụ đánh nhau, tham gia với vai trò là người can ngăn hay giúp sức cho Phương Max? Trong vụ án này, các cơ quan tố tụng có thẩm quyền cần đánh giá lại các tình tiết như:

Thứ nhất, bị cáo kêu oan, tố bị bức cung, nhục hình; còn bị hại thì nói (với bị cáo) rằng đã gửi phong bì tiền cho điều tra viên.

 Bị cáo tự tử để lại vợ và ba con thơ, đứa lớn đã nghỉ học vì gia cảnh khó khăn. Ảnh: CTV

Bị cáo tự tử để lại vợ và ba con thơ, đứa lớn đã nghỉ học vì gia cảnh khó khăn. Ảnh: CTV

Thứ hai, bản án nêu lúc đầu các bị can nhận tội, khi có quyết định khởi tố bị can thì các bị can thay đổi lời khai, đã cho các bị can đối chất... Tuy nhiên, bản án không nêu rõ kết quả đối chất như thế nào. Mặt khác, chỉ có Phương Max dùng dao tự chế chém anh Kha; còn Phương Kio và các bị cáo khác đánh anh Nam bằng tay. Kết luận giám định pháp y của anh Kha 25% là do vật sắc nhọn gây ra, riêng anh Nam từ chối giám định.

Trong vụ án này, Phương Max là người gây thương tích cho bị hại Kha; các bị cáo khác không gây thương tích cho bị hại Kha nên không thể xử lý họ tội cố ý gây thương tích.

Ngoài ra, bản án ghi nhận vật chứng vụ án gồm gần 10 hung khí là mã tấu, dao, kiếm... Trong khi đó, vụ án chỉ có Phương Max dùng một dao tự chế chém anh Kha. Vậy các hung khí khác có ý nghĩa gì trong vụ án này? Và nếu nó không dùng để gây án thì có thể nào coi nó là vật chứng hay không?

Cần kháng nghị giám đốc thẩm các bản án

Trong vụ án này, nhiều nội dung chưa được bản án sơ thẩm đánh giá, phân tích một cách toàn diện.

Thứ nhất: Theo bản án sơ thẩm thì chỉ có Phương Max dùng dao chém anh Kha gây thương tích. Các bị cáo còn lại không sử dụng hung khí nào mà chỉ dùng tay, Nguyễn dùng nón bảo hiểm. Tuy nhiên, tang vật của vụ án có đến năm dao (mã tấu) tự chế, một liềm. Như vậy, ngoài cây dao mà Phương Max sử dụng, bốn cây còn lại ai sử dụng? Thu thập ở đâu? Có liên quan như thế nào trong vụ án? Chúng có phải là tang vật?

Thứ hai: Việc giám định thương tật của bị hại cũng đang có sự mâu thuẫn về thời điểm xảy ra vụ án, thời điểm giám định và kết quả giám định. Vậy thương tích giám định của bị hại có phải do bị cáo gây ra hay không? Việc giám định đã chính xác, khách quan?

Thứ ba: Bị hại Nam không có thương tích mà chỉ có Kha có thương tích, trong khi Lỉnh không đánh Kha. Vậy xác định Nam là bị hại dựa trên cơ sở nào?

Thứ tư: Những mâu thuẫn trong vụ án mà Lỉnh đã tố cáo đã được làm rõ hay chưa? Nếu chỉ căn cứ vào lời khai thì khó đánh giá. Tuy nhiên, khi gửi đơn tố cáo, bị cáo Lỉnh có gửi kèm theo các clip ghi âm đã được làm rõ hay chưa?

Thứ năm: Không được phép tiêu hủy chứng cứ, dù cho rằng “được lập không đúng thẩm quyền” mà có thể lưu hồ sơ riêng của cơ quan điều tra. Giả sử đây là văn bản mà bị can nhận tội thì liệu điều tra viên có tiêu hủy hay không?

Cấp có thẩm quyền cần xem xét, đánh giá lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo hướng hủy cả hai bản án để điều tra lại.

Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Nhiều vi phạm tố tụng

Thứ nhất, về tố tụng, theo khoản 6 Điều 183 BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Thông tư liên tịch 03/2018 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TAND Tối cao và VKSND Tối cao thì việc hỏi cung bị can phải được ghi âm, ghi hình có âm thanh. Tuy nhiên, cơ quan điều tra và VKS không làm nên khi ra tòa, bị cáo tố trong quá trình điều tra bị ép cung, mớm cung, còn HĐXX thì đánh giá không có căn cứ.

Vậy căn cứ vào đâu HĐXX cho rằng lời khai của bị cáo về việc này là không có căn cứ? Trong khi kết quả ghi âm, ghi hình là để chứng minh hoặc bác ý kiến của bị cáo khi ra tòa thay đổi lời khai, tố cáo bị điều tra viên bức cung, nhục hình.

Luật có quy định mà cơ quan điều tra và VKS không làm thì được coi là thu thập không đúng quy định pháp luật nên không được dùng các biên bản hỏi cung đó làm chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội.

Căn cứ thông tư liên tịch 02/2017, việc hỏi cung không có ghi âm, ghi hình là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, không có giá trị pháp lý. Căn cứ Điều 87 BLTTHS thì không được sử dụng các biên bản hỏi cung mà không có ghi âm, ghi hình để làm chứng cứ buộc tội vì nó thu thập không đúng trình tự, thủ tục tố tụng quy định.

Trong khi đó, việc kết tội của hai cấp tòa chủ yếu sử dụng lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra để buộc tội.

Thứ hai, các bị cáo đã thành niên mà bản án sơ thẩm lại tuyên cho luật sư bào chữa quyền kháng cáo là vấn đề vi phạm nghiêm trọng tố tụng, trái quy định tại Điều 73 BLTTHS về quyền của người bào chữa.

Luật sư NGUYỄN THANH KHA, Đoàn Luật sư TP.HCM

Luật sư LÊ TRUNG PHÁT

Nguồn PLO: https://plo.vn/phan-tich-ban-dau-ve-vu-an-co-bi-cao-tu-tu-o-ca-mau-post781978.html