Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS: Căn cứ năng lực, điều kiện để chọn môi trường học tập phù hợp

Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên TPHCM điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập ngay trong đợt đầu tiên thí sinh đăng ký nguyện vọng. Thống kê 3 năm trở lại đây cho thấy, tỷ lệ phân luồng học sinh (HS) sau tốt nghiệp THCS không biến động, tuy nhiên vẫn tạo tranh luận kéo dài trong dư luận xã hội.

 Học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) tìm hiểu môi trường học tập ở cấp THPT. Ảnh: THU TÂM

Học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) tìm hiểu môi trường học tập ở cấp THPT. Ảnh: THU TÂM

Khó thay đổi nhận thức của phụ huynh

Mới đây, Phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn (TPHCM) đã kiểm điểm trách nhiệm đối với Ban Giám hiệu Trường THCS Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn) và các cá nhân liên quan vụ việc phụ huynh phải ký tên vào đơn “xin không tham gia tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025”. Theo giải trình của đơn vị, mẫu đơn nói trên xuất phát từ 1 trường hợp của năm học trước: cha đồng ý cho con không thi lớp 10 nhưng mẹ muốn con thi, kết quả là phụ huynh vào trường thắc mắc với giáo viên chủ nhiệm. Rút kinh nghiệm, năm nay nhà trường yêu cầu phụ huynh ký xác nhận trên cơ sở 1 ý kiến thống nhất. Trên thực tế, trường hợp nói trên không phải cá biệt. Hiệu trưởng một trường THCS ở quận 12 nhớ lại, cách đây 2 năm, giáo viên chủ nhiệm lớp 9 phải giải quyết 1 trường hợp HS căng thẳng tâm lý do bị ba mẹ bắt ép thi lớp 10 trong khi em này sớm có nguyện vọng học trung cấp khi kết thúc năm học lớp 9. “Dù nhà trường tổ chức tư vấn 2-3 lần cho phụ huynh nhưng năm nào cũng xảy ra trường hợp khiếu nại do ý kiến các thành viên trong gia đình không thống nhất; con đăng ký không thi nhưng ba mẹ muốn con thi”, đại diện trường cho biết.

Thầy Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) bày tỏ, năm nay, đăng ký tuyển sinh lớp 10 theo hình thức trực tuyến nên hầu hết HS thao tác tại nhà. Song song với đăng ký trực tuyến, nhà trường in phiếu giấy cho cha mẹ HS đăng ký và nộp cho giáo viên chủ nhiệm. Trước đó, trường đã tổ chức nhiều buổi tư vấn, gửi video clip hướng dẫn cách thức đăng ký tuyển sinh lớp 10 cho từng phụ huynh, giúp phụ huynh không bỡ ngỡ khi đăng ký. Đại diện các trường đều cho biết, nhà trường chỉ tổ chức tư vấn, quyền lựa chọn đăng ký thuộc về HS và gia đình. Giáo viên chủ nhiệm lớp 9 không có quyền can thiệp nếu gia đình người học đã thống nhất nguyện vọng đăng ký.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay có 16.252 HS lớp 9 không tham gia thi tuyển lớp 10 công lập, chiếm tỷ lệ 14,15% so với tổng số HS tốt nghiệp THCS. Trước đó, năm học 2023-2024, tỷ lệ này là 15,35% và năm học 2022-2023, tỷ lệ là 14,33%. Như vậy, tỷ lệ HS không tham gia thi tuyển lớp 10 tương đối ổn định qua các năm học. Một số nguyên nhân dẫn đến việc HS không đăng ký thi tuyển lớp 10 là HS thuộc diện tuyển thẳng, có kế hoạch du học, chuyển cư trú về tỉnh, thành khác, lựa chọn hình thức học tập khác như trường trung cấp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường THPT tư thục…

Nâng cao hiệu quả tư vấn

TS Vũ Phi Yên, giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM), cho rằng, phụ huynh và HS không nên quá áp lực khi lựa chọn hướng đi sau tốt nghiệp THCS. Thực tế cho thấy nhiều trường hợp chọn môi trường học tập chưa phù hợp, sau đó chọn lại và vẫn thành công. Ở góc độ khác, giảng viên Lê Hồng Hải Nhân, thành viên Hội đồng Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học quốc gia TPHCM) bày tỏ, tư vấn hướng nghiệp cần được triển khai sớm, duy trì thường xuyên, liên tục giữa các bậc học nhằm giúp HS sớm định hình lộ trình học tập chứ không nên chờ đến năm học cuối cấp mới tổ chức. Ngoài ra, theo TS Giang Thiên Vũ, giảng viên Khoa Tâm lý, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THPT hiện nay có điểm mới so với chương trình trước đây là ngoài các môn học bắt buộc còn có các môn lựa chọn. Do đó, mỗi trường THPT dựa vào điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên có cách thức tổ chức các nhóm môn lựa chọn khác nhau. Khi đăng ký nguyện vọng tuyển sinh lớp 10, HS không chỉ quan tâm điểm chuẩn của trường có phù hợp năng lực học tập của mình hay không mà còn tìm hiểu trường tổ chức nhóm môn học lựa chọn nào, có phù hợp dự định nghề nghiệp tương lai không.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam đưa ra lời khuyên, cha mẹ HS không nên “bằng mọi giá phải có suất học lớp 10 công lập” dẫn đến đăng ký nguyện vọng không phù hợp, HS sau khi trúng tuyển không thể đi học do khoảng cách từ nhà đến trường quá xa. Trong khi đó, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, hệ thống trường trung cấp, cao đẳng nghề hiện nay phát triển khá mạnh với cơ sở vật chất hiện đại, kết hợp giảng dạy chương trình THPT và đào tạo nghề giúp HS có cơ hội liên thông lên đại học, cao đẳng. Đặc biệt, HS sau tốt nghiệp THCS nếu lựa chọn học nghề sẽ được miễn 100% học phí. “Sở GD-ĐT TPHCM bổ sung thêm chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho một số trường THPT công lập dựa theo nhu cầu và nguyện vọng của cha mẹ HS. Tuy nhiên, người học cần căn cứ năng lực học tập, điều kiện thực tế để lựa chọn môi trường học tập phù hợp”, ông Lê Hoài Nam cho biết.

Thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” của Thủ tướng Chính phủ, ban hành kèm theo Quyết định số 522/QĐ-TTg (ngày 14-5-2018), nhiều năm trở lại đây, TPHCM duy trì tỷ lệ 70% HS sau tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 công lập, 30% còn lại tham gia các loại hình học tập khác như trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường trung cấp, cao đẳng nghề…

MINH THƯ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phan-luong-hoc-sinh-sau-tot-nghiep-thcs-can-cu-nang-luc-dieu-kien-de-chon-moi-truong-hoc-tap-phu-hop-post741326.html